Người cao tuổi Ba Bể với phong trào làm kinh tế giỏi

Những năm qua, Ban đại diện Hội người cao tuổi huyện Ba Bể đã tích cực đẩy mạnh phong trào “Tuổi cao – Gương sáng” gắn với phong trào “Người cao tuổi làm kinh tế giỏi”. Phong trào đã được các tổ chức Hội cơ sở hưởng ứng, thu hút nhiều hội viên tham gia. Có rất nhiều cán bộ, hội viên NCT năng động, nhạy bén, dám nghĩ, dám làm, cống hiến trí tuệ, sức lực làm giàu cho bản thân, gia đình và xã hội

 

Xã Chu Hương hiện có trên 300 hội viên người cao tuổi tham gia sinh hoạt ở 19 cơ sở Hội. Những năm qua, người cao tuổi xã Chu Hương đã phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của mình trong việc tích cực thực hiện phong trào thi đua “Tuổi cao – Gương sáng” trên nhiều lĩnh vực như: Sản xuất kinh doanh, xóa đói giảm nghèo; xây dựng khu dân cư, gia đình văn hóa, tham gia hòa giải các vụ việc trong khu dân cư; tham gia phòng, chống tệ nạn xã hội; tham gia xây dựng các “Quỹ đền ơn đáp nghĩa”, “vì người nghèo”, “khuyến học”, nuôi dạy con cháu chăm ngoan học tập… Hưởng ứng phong trào thi đua “Người cao tuổi làm kinh tế giỏi” do Trung ương Hội người cao tuổi Việt Nam phát động, Ban đại diện Hội người cao tuổi của xã đã chỉ đạo các Hội cơ sở tuyên truyền, vận động hội viên tích cực tham gia. Những hội viên còn sức khỏe thì trực tiếp tham gia quá trình lao động sản xuất; những hội viên sức khỏe yếu thì động viên, hướng dẫn con cháu về kinh nghiệm, kỹ thuật để phát triển kinh tế. Qua phong trào “Người cao tuổi làm kinh tế giỏi” đã thu hút nhiều hội viên tham gia, trong đó nhiều cụ được bình xét là người cao tuổi làm kinh tế giỏi. Dù đã ở tuổi được nghỉ ngơi, nhưng ông Trương Văn Mọc – Thôn Bản Trù vẫn miệt mài lao động làm gương cho con cháu. Với bản tính cần cù, ham học hỏi, ông có cách chăm sóc hiệu quả để việc nuôi cá cho thu hoạch bền vững. Với mô hình đào ao thả cá, trồng cây ăn quả mỗi năm gia đình ông thu nhập từ 80 – 100 triệu đồng. Việc đưa phong trào làm kinh tế giỏi vào Hội người cao tuổi đã có tác dụng rõ rệt, các cụ là  tấm gương sáng cho con cháu noi theo, tuy tuổi cao sức yếu nhưng các cụ luôn là những người  đi đầu góp công, hiến kế, động viên con cháu lao động sản xuất, kinh doanh, xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng.

 

ảnh: ông Bế Cao Liêm – thôn Nà Mằm, xã Khang Ninh bên mô hình kinh tế của gia đình


Hay mô hình kinh tế của ông Bế Cao Liêm ở thôn Nà Mằm, xã Khang Ninh. Tuy đã gần 70 tuổi nhưng ông vẫn hăng say lao động sản xuất. Ngoài phát triển hơn 6 nghìn m2 ruộng, 02 ha đất vườn rừng với hơn 250 cây hồng không hạt, trám, xoài, dứa, vải thiều, rau bò khai…ông còn đào ao thả cá, nấu rượu, nuôi thêm gà, lợn, nhím. Hàng năm ông Liêm thu nhập gần 120 triệu đồng. Bên cạnh phát triển kinh tế, ông Liêm còn tham gia BCH Hội Người cao tuổi và BCH Câu lạc bộ Bóng chuyền hơi của xã. Với suy nghĩ, người cao tuổi làm kinh tế không phải chỉ làm giàu cho mình mà còn tạo điều kiện giúp đỡ người khác, nên ông đã thường xuyên giúp đỡ, hỗ trợ bà con trong thôn về kỹ thuật chăn nuôi và trồng cây ăn quả. Trong gia đình, ông là người ông, người cha gương mẫu, luôn nhắc nhở con cháu làm giàu bằng sức lao động, sống có nghĩa có tình, xây dựng gia đình văn hóaHiện nay, toàn huyện Ba Bể có hơn 4 nghìn người cao tuổi, tuy tuổi đã cao nhưng nhiều NCT đã phát huy tinh thần lao động cần cù, sáng tạo, dám nghĩ dám làm, đạt nhiều thành tích trong lao động sản xuất, là những tấm gương mẫu mực trong cuộc sống cho thế hệ trẻ noi theo.

Ngoài những mô hình kể trên còn rất nhiều các mô hình khác làm kinh tế có hiệu quả của Hội viên người cao tuổi. Những kết quả trên là minh chứng cho ý chí tự lực tự cường, vươn lên trong lao động sản xuất của NCT, xứng đáng với 18 chữ vàng mà Đảng và Nhà nước trao tặng cho NCT “Tuổi cao chí càng cao, nêu gương sáng vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

 

                                                                      

 

Bài trướcNhiều hoạt động ý nghĩa trong tháng hành động vì trẻ em 2015
Bài tiếp theoHội thi báo cáo viên giỏi lực lượng vũ trang huyện Ba Bể