Lịch sử – Văn Hóa

Huyện Ba Bể nằm ở phía Tây Nam tỉnh Bắc Kạn, cách thủ đô Hà Nội hơn 200km về phía Bắc, nơi sinh sống của nhiều dân tộc anh em (Tày, Nùng, Dao, H’Mông, Kinh, Sán Chỉ), có truyền thống chống ngoại xâm oanh liệt. Lịch sử còn ghi lại đảo An Mã có mộ 7 tướng quân nhà Mạc chống quân thù.

Một góc thị trấn Chợ Rã

Thời Lý, huyện Ba Bể ngày nay thuộc đất huyện Vĩnh Thông; thời Lê, nằm ở châu Bạch Thông thuộc phủ Thông Hoá. Thị trấn Chợ Rã là huyện lỵ Ba Bể, đồng bào địa phương gọi là Chợ Slo. Tên gọi Chợ Rã xuất hiện sớm trong lịch sử, được nêu trong Dư địa chí của Nguyễn Trãi và sau đó nêu ở Đại Nam nhất thống chí, trong mục Thái Nguyên thổ sản.

Năm Minh Mạng thứ 12 (1831), tỉnh Thái Nguyên được thành lập, địa bàn Chợ Rã thuộc đất Thái Nguyên. Trong những năm từ 1884 đến 1888, thực dân Pháp lần lượt đem quân đánh chiếm các tỉnh Việt Bắc. Sau khi hoàn thành công cuộc chinh phục và bình định căn bản khu vực các tỉnh miền núi phía Bắc, để thống trị và bóc lột nhân dân các dân tộc miền núi đạt ý đồ của Pháp, ngày 11/4/1900, toàn quyền Đông Dương ra nghị định tách một phần đất thuộc tỉnh Thái Nguyên thành lập tỉnh Bắc Kạn gồm 4 châu: Bạch Thông, Chợ Rã, Thông Hoá (sau đổi thành Na Rì) và Cảm Hoá (sau đổi thành Ngân Sơn).

Ngày 25/6/1901, thực dân Pháp sáp nhập địa giới tổng Yên Đĩnh, huyện Phú Lương (Thái Nguyên) vào châu Bạch Thông (Bắc Kạn). Đến ngày 08/6/1916, thực dân Pháp lại tách một số tổng thuộc châu Bạch Thông và châu Chợ Rã để thành lập châu Chợ Đồn. Do vậy, trước năm 1901, trong sự phân chia địa giới, địa phận Ba Bể có cả một số địa phương châu Chợ Đồn. Trong thời thuộc Pháp, châu Chợ Rã chiếm khoảng 115km2.

Năm 1942, phong trào Việt Minh được củng cố và mở rộng căn cứ ở Cao – Bắc – Lạng, đồng thời mở con đường Nam tiến, các xã phía Đông Chợ Rã (Hà Hiệu, Bành Trạch, Phúc Lộc…) phát triển mạnh mẽ phong trào Việt Minh. Năm 1943, các đoàn Nam tiến và Tây tiến đều xuất phát từ Nguyên Bình tiến qua Chợ Rã xây dựng cơ sở Việt Minh trong đồng bào các dân tộc. Điều đó cho thấy, Châu Chợ Rã là một địa phương của tỉnh Bắc Kạn sớm có phong trào Việt Minh rộng lớn trong đồng bào các dân tộc.

Ngày 30/03/1945, UBND lâm thời châu Chợ Rã được thành lập, đây là chính quyền cách mạng cấp huyện đầu tiên trong cao trào khởi nghĩa kháng Nhật cứu nước 1945.

Từ tháng 4/1945 đến 20/8/1945, lực lượng vũ trang nhân dân các dân tộc châu Chợ Rã đã 3 lần đánh bại quân đội phát xít Nhật tấn công muốn chiếm lại Chợ Rã để chốt giữ sâu trong vùng giải phóng của ta.

Trong thời kỳ vận động cách mạng Tháng Tám, Ba Bể cũng là một trong những huyện có cơ sở và phong trào cách mạng sớm, là huyện thành lập được chính quyền cách mạng cấp huyện đầu tiên của tỉnh Bắc Kạn. Ba Bể đã đập tan các cuộc tiến công của phát xít Nhật vào vùng giải phóng, giữ vững chính quyền cách mạng, bảo vệ an toàn cuộc hành trình của lãnh tụ Hồ Chí Minh từ Cao Bằng qua Ba Bể về Tân Trào để chỉ đạo cuộc chuẩn bị tổng khởi nghĩa kịp thời cơ.

Trong suốt cuộc kháng chiến bùng nổ, Đảng bộ Ba Bể ra đời đã lãnh đạo nhân dân thực hiện thắng lợi công cuộc kháng chiến kiến quốc của Đảng, bảo vệ và giải phóng quê hương, đập tan các cuộc hành quân xâm lược của thực dân Pháp, góp phần vào giải phóng Bắc Kạn. Ba Bể đã thể hiện được vai trò là hậu phương kháng chiến vững chắc. Đảng bộ Ba Bể đã cùng nhân dân các dân tộc tiến hành cuộc vận động tiễu phỉ, củng cố chính quyền, đẩy mạnh sản xuất, phát triển văn hoá giáo dục, ra sức đóng góp sức người, sức của cho cuộc kháng chiến của dân tộc đi đến thắng lợi.

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, lực lượng võ trang và nhân dân các dân tộc châu Chợ Rã đã góp phần đánh bại quân Pháp tiến công căn cứ địa Việt Bắc, bảo vệ các cơ quan Trung ương và tỉnh, góp phần xứng đáng vào chiến thắng Việt Bắc mùa đông năm 1947.

Một thành tích nổi bật nữa của Chợ Rã là đã đấu tranh chống phỉ suốt 6 năm, làm tan rã hoàn toàn nạn thổ phỉ vào tháng 11/1953.

Đến năm 1965, do yêu cầu của sự nghiệp chống Mỹ cứu nước, hai tỉnh Bắc Kạn và Thái Nguyên được hợp nhất. Ngày 21/4/1965, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà (nay là nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam) ra Nghị định số 103/NĐ-TVQH thành lập tỉnh Bắc Thái trên cơ sở hợp nhất hai tỉnh Thái Nguyên và Bắc Kạn. Ba Bể trở thành huyện của tỉnh Bắc Thái.

Trong kháng chiến chống Mỹ, Chợ Rã đã tích cực chống chiến tranh phá hoại của đến quốc Mỹ, làm tốt nhiệm vụ hậu phương lớn đối với tiền tuyến lớn.

Năm 1978, xuất phát từ yêu cầu bảo vệ Tổ quốc, để có hậu phương cho tỉnh Cao Bằng, ngày 29/12, theo đề nghị của Hội đồng nhân dân hai tỉnh Cao Lạng và Bắc Thái, kỳ họp thứ 4 của Quốc hội khoá VI nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam quyết nghị sáp nhập hai huyện Ngân Sơn và Chợ Rã của Bắc Thái vào tỉnh Cao Bằng. Ba Bể thuộc tỉnh Cao Bằng.

Năm 1997, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân các dân tộc trong công cuộc xây dựng, đổi mới đất nước, thực hiện công nghiệp hoá hiện đại hoá đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, ngày 01/01, Quốc hội quyết định tái thành lập tỉnh Bắc Kạn, huyện Ba Bể và Ngân Sơn trở lại thuộc tỉnh Bắc Kạn.

Ngày 28/5/2003, Chính phủ ban hành Nghị định 56/NĐ-CP về việc thành lập huyện Pác Nặm trên cơ sở tách huyện Ba Bể. Ba Bể được chia thành huyện Ba Bể và huyện Pác Nặm.

Ngày nay, sau những thắng lợi lịch sử ,Tổ quốc hoàn toàn độc lập thống nhất, cả nước bước vào thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội và đang nỗ lực vượt bậc để thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, tự hào về truyền thống yêu nước, đấu tranh cách mạng của quê hương, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc huyện Ba Bể đã và đang cố gắng hoàn thành những mục tiêu kinh tế xã hội, không ngừng cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc, nỗ lực phấn đấu vì sự nghiệp dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh./.

Bài trướcĐiều kiện tự nhiên
Bài tiếp theoTiềm năng, thế mạnh huyện Ba Bể