Tiềm năng, thế mạnh huyện Ba Bể

Bắc Kạn có suối đãi vàng Có hồ Ba Bể, có nàng áo xanh
Nhắc đến Ba Bể có lẽ không ít người biết đến, bởi nơi đây sở hữu một di sản thiên nhiên vào bậc nhất nhì trên cả nước – khu du lịch Vườn quốc gia Ba Bể. Cùng với đó là nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, đa dạng và những nét văn hóa đặc trưng mang đậm bản sắc dân tộc. Vì vậy, tuy là một huyện miền núi nghèo nhưng Ba Bể đã được đông đảo du khách trong và ngoài nước quan tâm và biết đến.

Du lịch

Du lịch Ba Bể

Vườn quốc gia Ba Bể với tổng diện tích 44.750ha là một di sản thiên nhiên quý giá với hệ thống rừng nguyên sinh trên núi đá vôi và hồ tự nhiên trên núi duy nhất có ý nghĩa đặc biệt quan trọng ở Việt Nam. Nơi đây bảo tồn một hệ thống sinh cảnh rừng phong phú với 660 loài thực vật và 527 loài động vật với nhiều loài quý hiếm.

Đến du lich hồ Ba Bể, du khách sẽ được hòa mình vào một thắng cảnh thiên nhiên hùng vĩ và đầy hấp dẫn; được đắm mình trong ao Tiên trong lành, mát mẻ mang câu chuyện cổ tích huyền bí; được thưởng ngoạn suối thác, ăn rau rừng, cá suối, gà đồi…; khám phá hang động (động Puông, động Hua Mạ) với nhiều hình thù, cột đá độc đáo, trong động còn có đàn dơi hàng chục vạn con sinh sống và trú ngụ; được chiêm ngưỡng một thác Đầu Đẳng ngoạn mục của những tảng đá lớn nhỏ xếp chồng lên nhau và đảo bà Góa độc đáo nằm giữa lòng hồ… Nước hồ Ba Bể bốn mùa một màu xanh ngắt đầy quyến rũ, được bao bọc bởi rừng nhiệt đới tạo nên khí hậu nơi đây rất mát mẻ và trong lành.

Với những nét đặc trưng đó, du lịch hồ Ba Bể không những được xem là một trong những thế mạnh đặc trưng trong sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của huyện, mà còn được xác định rõ trong chiến lược phát triển du lịch Việt Nam thời kỳ 2011 – 2020 và tầm nhìn đến 2030, trong quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam thời kỳ đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030./.

Tài nguyên – khoáng sản

Ba Bể chủ yếu là đất lâm nghiệp chiếm trên 80%, đất nông nghiệp chiếm 10%, nằm trong khu vực khí hậu nhiệt đới gió mùa. Nhiệt độ trung bình năm từ 21oC – 23oC thích hợp cho sự phát triển của động vật, thực vật. Cùng với đó, do kiến tạo địa chất, sự bồi đắp của các con sông, suối đã tạo cho Ba Bể những bồn địa, những thung lũng lòng máng, lòng chảo, đất đai khá màu mỡ thích hợp với việc trồng lúa, ngô, các loại rau, đậu, cây công nghiệp (mía, bông và cây ăn quả (cam, quýt, chuối, hồng). Người dân nơi đây đã trồng nhiều loại cây thương phẩm và cho giá trị kinh tế cao như: Hồng không hạt, hoa lily, ngô, đậu tương, trúc…; chăn nuôi đại gia súc như: Trâu, bò, dê.

Vườn quốc gia là nơi lưu giữ được một hệ thống động vật phong phú (Ảnh: Vạc hoa)

Ở Ba Bể còn tập trung nhiều loại khoáng sản như: Vàng gốc (nguyên sinh) và vàng sa khoáng, khoáng sắt và sắt – mangan, đá vôi biến chất thành đá hoa (ở xung quanh hồ Ba Bể)…. Ngoài ra còn có đá quý ở Bản Đuống, Bản Vàng…

Đặc biệt, Vườn Quốc gia Ba Bể là nơi lưu giữ được một hệ thống động vật phong phú với rừng nguyên sinh trên núi đá vôi có tới 417 loài thực vật và 299 loài động vật có xương sống. Nhiều loài động vật quý vẫn còn lưu giữ được như phượng hoàng đất, gà lôi, vọc mũi hếch… Trong hồ vẫn còn 49 loài cá nước ngọt, trong đó có một số loài cá quý hiếm như cá chép kính, cá rầm xanh, cá chiên…

Rừng có nhiều gỗ quý (đinh, lim, nghiến, táu…) cùng nhiều cây dược liệu và nhiều loại chim muông, thú rừng như phượng hoàng, công, trĩ, hươu, nai, sơn dương, khỉ, lợn rừng, kỳ đà…

Với những tiềm năng và lợi thế đó, người dân Ba Bể đã tận dụng và khai thác đưa nền kinh – xã hội của huyện có nhiều khởi sắc và có bước phát triển mạnh mẽ qua từng năm.

Văn hoá – xã hội

Hội Lồng tồng Ba Bể với nhiều trò chơi dân gian luôn thu hút được đông đảo sự quan tâm của du khách

Ba Bể là nơi tụ hội, sinh sống của 7 dân tộc anh em. Trong đó, đồng bào Tày đông hơn cả, sống tập trung thành các làng bản trong các thung lũng lòng chảo, lòng máng hoặc dọc theo hai bờ sông, suối và ở nhà sàn là một trong những truyền thống của đồng bào dân tộc nơi đây.

Dân tộc Dao có số dân đứng thứ hai sau người Tày, chiếm tỷ lệ 18%. Người H’Mông chiếm tỷ lệ khoảng hơn nửa số dân người Dao. Người Dao và H’Mông sinh sống chủ yếu ở vùng núi cao, làng bản thưa thớt, nhà cửa đơn sơ. Địa bàn sinh sống tập trung của đồng bào chủ yếu quanh chân núi Phja Bjooc với phương thức du canh du cư, phát nương làm rẫy, kỹ thuật canh tác còn lạc hậu.

Đồng bào Nùng chiếm khoảng 8% dân số, sống rải rác ở các thung lũng, soi bãi hoặc xen kẽ trong các làng bản người Tày, làm nghề nông như người Tày.

Ít nhất là dân tộc Sán Chỉ. Họ sống trong các thung lũng, sườn đồi làm nghề nông như đồng bào các dân tộc Tày, Nùng. Còn đồng bào Kinh sống tập trung chủ yếu ở thị trấn, số đông làm nghề buôn bán.

Tại Ba Bể vẫn còn nền kinh tế tự cung, tự cấp. Chăn nuôi gia súc, gia cầm chỉ phát triển trong đồng bào Tày, Nùng như trâu, bò, ngựa, gà, vịt, ngan, ngỗng… Trong gia đình, các nghề thủ công như dệt vải khổ hẹp, dệt thổ cẩm phát triển. Phụ nữ các dân tộc Ba Bể có kinh nghiệm và kiên nhẫn trong việc trồng bong, kéo sợi, dệt vải, nhuộm chàm, pha màu sợi thổ cẩm. Nam giới giỏi các nghề mộc (đục đẽo cột nhà, làm cung nỏ, thuyền độc mộc, khung dệt vải, cày bữa) và cả đan lát, nghề rèn phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất.

Ngoài ra, Ba Bể là địa phương sớm xuất hiện các nghề làm gạch, ngói, đá mộc, nung vôi. Ngày nay, nghề gạch, ngói, trồng bông dệt vải vẫn là những nghề truyền thống phát triển, sản phẩm làm ra được nhiều người ưa chuộng.

Trong lĩnh vực văn hoá tinh thần, cho tới nay, các dân tộc Ba Bể vẫn bảo tồn được nhiều yếu tố văn hoá đặc sắc của dân tộc mình được thể hiện trong bộ trang phục và các hình thức sinh hoạt văn hoá, văn nghệ của cộng đồng.

Lễ hội lồng tồng (xuống đồng) của các dân tộc Tày, Nùng vào dịp đầu xuân là để tiến hành các nghi lễ cầu mùa màng, cầu thần nông và các vị thần linh phù hộ cho mưa thuận gió hoà, vạn vật sinh sôi nảy nở, mùa màng tốt tươi, muôn dân hạn phúc. Hội “xuống đồng” còn là một hình thức sinh hoạt văn hoá của cộng đồng với nhiều trò chơi sôi động mang tinh thần thượng võ (tung còn, kéo co, đấu vật…).

Đồng bào Dao hay hát màng. Trai gái H’Mông không thể thiếu được thổi khèn, múa khèn trong các ngày hội, xuống núi họp chợ. Nam, nữ thanh niên Tày, Nùng hay hát Sli, hát lượn, đối đáp, tỏ tình… và còn có cả kho tàng thơ, ca hết sức phong phú, giàu chất dân gian. Đặc biệt, Ba Bể có làn điệu Lượn cọi với sức truyền cảm mạnh mẽ và đã trở thành nét văn hóa nổi tiếng ở phía Bắc tỉnh Bắc Kạn.

Mỗi dân tộc đều có một hình thức sinh hoạt văn hoá tinh thần riêng biệt, hòa quyện với nhau tạo thành bản sắc văn hóa đa dạng, phong phú mang đậm hương vị dân gian đặc trưng của huyện Ba Bể./.

Bài trướcLịch sử – Văn Hóa
Bài tiếp theoBản Pác Ngòi – điểm hẹn hấp dẫn của du khách