Hội Lồng tồng – nét văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc vùng hồ Ba Bể

Đã thành thông lệ, hàng năm, vào mùng 10 và 11 tháng Giêng âm lịch, tại cánh đồng Bó Lù, xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn lại thu hút hàng vạn người dân các dân tộc tỉnh Bắc Kạn và du khách thập phương tưng bừng trong không khí ngày hội Lồng tồng – Lễ hội truyền thống cầu may, mưa thuận gió hòa, làm ăn tấn tới của đồng bào các dân tộc trong huyện.

Phần dâng lễ của các dân tộc trên địa bàn huyện (Nguồn: Internet)

  Lồng tồng (còn là lồng tổng theo tiếng Tày, Nùng, hay lồng tộng theo tiếng Dao), có nghĩa là “xuống đồng”. Cũng như người Việt, từ xa xưa, đồng bào miền núi phía Bắc, nhất là đồng bào Tày, Nùng đã luôn luôn sinh sống gắn bó với thiên nhiên, với bản làng, núi đồi, ruộng đồng và nương rẫy. Các phong tục, tập quán của họ luôn mang đậm nét văn hóa truyền thống. Lễ hội Lồng tồng được người dân nơi đây coi là lễ hội quan trọng bậc nhất vào dịp đầu năm mới, gắn liền với nền nông nghiệp trồng trọt, được tổ chức nhằm gửi gắm những mong ước của con người, cầu cho mưa thuận gió hòa, cây trồng tốt tươi, mang lại thật nhiều no ấm.

Lễ hội Lồng tồng Ba Bể đã nổi tiếng ở Việt Bắc từ lâu. Hội được tổ chức ở ven hồ Ba Bể, phía dưới chân núi Bó Lù, thuộc xã Nam Mẫu, gắn liền với vùng đất huyền thoại về sự tích hồ Ba Bể. Hội diễn ra với 2 phần chính là phần lễ và phần hội. Mở đầu là màn dâng lễ của các xã, thị trấn trên địa huyện Ba Bể. Lễ vật là những sản phẩm ẩm thực như: Xôi ngũ sắc, gà ôm hoa cánh phượng, rượu nếp, bánh trưng… tượng trưng cho trời đất, cỏ cây, hoa lá được các chàng trai, cô gái trong trang phục truyền thống của dân tộc mình dâng lên các vị thần sông, thần núi, thần hồ để cầu một năm mới mưa thuận gió hoà, mùa màng bội thu, vạn vật sinh sôi nảy nở, nhà nhà no ấm, yên vui.

Sau phần lễ là phần hội với nhiều trò chơi hấp dẫn, mang đậm bản sắc dân gian, vốn được coi là cái “hồn” của lễ hội như: Bắn cung, bịt mắt bắt dê, chọi bò, đấu vật, đẩy gậy, đi khà kheo, vẽ tranh, xem triển lãm báo xuân… Đặc biệt và sôi động nhất là trò chơi đua thuyền trên hồ Ba Bể và trò chơi tung còn luôn thu hút được nhiều người đến xem và tham gia.

 

Các trò chơi dân gian luôn thu hút được đông đảo sự quan tâm của du khách (Ảnh: Trò chơi đi khà kheo)

Bên cạnh đó, nét độc đáo của hội Lồng tồng Ba Bể ở chỗ, bà con đi hội không chỉ để chơi, mà còn để bán những nông sản do tự mình làm ra, khiến hội Lồng tồng còn có màu sắc của hội chợ nông sản. Bởi vậy, đến với hội xuân Ba Bể, du khách không chỉ được xem những hoạt động văn hoá, thể thao, trò chơi truyền thống của các dân tộc diễn ra trong lễ hội, được thăm thú các cảnh quan tươi đẹp của thiên nhiên mà còn có cơ hội mua sắm những kỷ vật được tạo thành từ chính đôi tay khéo léo của bà con dân tộc địa phương, được thưởng thức các hương vị đặc sắc của văn hoá ẩm thực, những món ăn truyền thống của người bản địa vùng hồ, giúp cho khách thập phương hiểu thêm về con người và truyền thống văn hoá nơi đây.

Lễ hội đã trở thành nhu cầu không thể thiếu trong đời sống của người dân Ba Bể, nhằm thoả mãn khát vọng trở về cội nguồn, sinh hoạt tín ngưỡng, cân bằng đời sống tâm linh và hưởng thụ sáng tạo văn hoá của nhân dân. Lễ hội là một bộ phận hợp thành trong nền văn hoá truyền thống của dân tộc.

Bởi vậy, Hội xuân Ba Bể là dịp để người dân hội tụ giao lưu văn hoá, giao lưu tình cảm, tăng thêm sự hiểu biết tin tưởng, đoàn kết dân tộc. Thông qua lễ hội, nhằm ôn lại truyền thống văn hóa của quê hương, đất nước, khơi dậy niềm tự hào về truyền thống dân tộc, tạo điều kiện để các hoạt động văn hóa, văn nghệ, trò chơi dân gian dân tộc phát triển, là hình ảnh để quảng bá du lịch của huyện nói riêng và của tỉnh nói chung ngày càng phát triển. Hội xuân Ba Bể chính là sự kết hợp giữa yếu tố văn hoá truyền thống với yếu tố văn hoá hiện đại, tạo nên đời sống văn hoá tinh thần vui tươi, lành mạnh trong nhân dân, động viên nhân dân các dân tộc trong huyện hăng say lao động thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội của huyện, đẩy mạnh công tác giao lưu văn hóa thông tin ở miền núi và đồng bào các dân tộc thiểu số, tăng cường giao lưu văn hóa giữa các dân tộc trong và ngoài tỉnh, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc, là một hoạt động văn hóa lớn nhằm xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc./.

Bài trướcBa Bể Tăng cường đảm bảo an toàn giao thông những tháng cuối năm
Bài tiếp theoBa Bể: Bồi dưỡng kiến thức quốc phòng an ninh cho đội ngũ cán bộ thuộc đối tượng 4 năm 2012