Xuân về Ba Bể nghe tiếng hát then – đàn tính

Đến Ba Bể vào những ngày đầu xuân, ngoài việc thưởng thức các món ngon, đặc sản còn được nghe làn điệu hát then, đàn tính ngọt ngào của các câu lạc bộ học hát then, đàn tính ở địa phương, sẵn sàng chuẩn bị phục vụ du khách đến tham quan du lịch và trẩy hội du xuân năm 2016.

 

Ảnh: Các em học sinh trường Tiểu học Khang Ninh, huyện Ba Bể biểu diễn một tiết mục hát then


Đàn tính là loại nhạc cụ có mặt hầu hết trong tất cả các buổi sinh hoạt văn hóa cộng đồng người Tày, Nùng. Đàn tính dùng để đệm trong làn điệu hát then, hát giao duyên được thể hiện trong các lễ hội lồng tồng, đám cưới hay khi có khách đến địa phương tham quan du lịch ở Ba Bể… Hiện nay, đồng bào Tày huyện Ba Bể vẫn gìn giữ được nét văn hóa đặc sắc của dân tộc mình đó là hát then, đàn tính. Cứ mỗi độ tết đến, xuân về, bà con các khu dân cư lại quây quần bên nhau, tổ chức giao lưu văn nghệ, thể thao. Trong đó, không thể thiếu cây đàn tính và những bài hát then. Trò chuyện với chúng tôi vào những ngày đầu xuân về hát then – đàn tính, Nghệ nhân Dương Quang Thục – nguyên là phó trưởng phòng Văn hóa thông tin huyện Ba Bể tâm sự: Hát then đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu, là linh hồn trong đời sống văn hóa của đồng bào Tày Ba Bể. Đàn tính không chỉ nói lên nỗi lòng người, mà nó có sức mạnh gắn kết cộng đồng khi vang lên trong những lễ hội tập thể, nó để lại ấn tượng sâu sắc cho người nghe. Chính bởi thế mà sau gần 20 năm nghiên cứu và bỏ nhiều công sức, ông Dương Quang Thục đã chế được cây đàn tính 12 dây dựa trên một câu chuyện truyền thuyết. Với cây đàn tính 12 dây này, ông càng được thêm nhiều người biết đến, đặc biệt, đã nhiều lần ông được mời đi tham gia biểu diễn tại Liên hoan toàn quốc, nhân ngày giỗ tổ đền Hùng…

Trong những năm trở lại đây, lượng du khách đến thăm Hồ Ba Bể ngày một nhiều, họ không chỉ thăm quan du lịch mà còn muốn tìm hiểu về về đời sống, phong tục tập quán của đồng bào các dân tộc nơi đây, chính vì vậy, được sự quan tâm của cấp ủy chính quyền địa phương bà con đã được tham gia học các lớp dạy nghề thêu, dạy đàn tính, chế biến món ăn … để làm ra những sản phẩm quà lưu niệm thêu ren, dệt thổ cẩm, thành lập đội văn nghệ phục vụ khách du lịch khi đến thăm. Trên địa bàn huyện Ba Bể hiện nay, một số địa phương như Thượng Giáo, Nam Mẫu, Khang Ninh, Đồng Phúc đã thành lập được các đội văn nghệ phục vụ du khách. Ông Hứa Quang Sỹ, Phó Bí thư Đảng ủy – Chủ tịch HĐND xã Khang Ninh cho biết: Hiện nay, Khang Ninh có 3 đội văn nghệ thường xuyên được mời biểu diễn phục vụ du khách tham quan du lịch. Trong đó, đội văn nghệ thôn Nà Mằm có 7 người, đội Nà Niềm 8 người. Các nhà nghỉ trong thôn hiện nay được bà con đầu tư, tu sửa và xây mới dần đáp ứng nhu cầu khách đến tham quan hồ Ba Bể. Sau bữa tối, nếu khách có nhu cầu giao lưu văn nghệ hát then, sli, lượn là đội văn nghệ của thôn đáp ứng ngay. Với những bản tình ca mượt mà đằm thắm, đội hát then, đàn tính của thôn Nà Mằm thường xuyên được các nhà nghỉ mời biểu diễn các nơi như: Vườn quốc gia Ba Bể, khu nghỉ sinh thái Lê Hùng, nhà nghỉ An Thảo, A Sim, Suối Đậu…

Hát then là một giai điệu mênh mang, đàn tính là phần hồn của làn điệu hát then, chứa đựng nỗi lòng của người hát, người nghe ở bất cứ đâu, trong cuộc sống hằng ngày, trong các lễ hội, dịp tết. Đến nay, trải qua thời gian, tiếng hát then, đàn tính không hề mất đi tính đặc trưng vốn có mà càng làm cho sức sống của con người thêm mặn mà, say sưa với làn điệu quen thuộc này. Hiện nay, một số trường học trên địa bàn cũng thành lập câu lạc bộ em yêu dân ca, câu lạc bộ hát then, đàn tính… đã thu hút được nhiều em tham gia. Cùng với đó, nhằm tránh sự mai một làn điệu hát then, đàn tính, những năm qua, từ các chương trình, dự án như dự án 3PAD, Trung tâm dạy nghề của Hội phụ nữ tỉnh đã triển khai được nhiều lớp dạy nghề về thêu dệt thổ cẩm, hát then, đàn tính cho các xã quanh khu du lịch hồ Ba Bể là xã Khang Ninh và xã Nam Mẫu, thu hút hàng trăm học viên tham gia. Còn tại xã Thượng Giáo cũng triển khai nhiều lớp học hát then, đàn tính do chính quyền xã phối hợp mở cho con em ở địa phương, với mục đích góp phần gìn giữ, bảo tồn làn điệu hát then đàn tính truyền thống của dân tộc huyện Ba Bể do bà Triệu Thị Toan, nguyên là Phó Trưởng phòng Phòng Văn hóa thông tin huyện Ba Bể truyền dạy.

 

Ảnh: Một buổi tập của đội văn nghệ thôn Nà Khuổi xã Thượng Giáo


Bên cạnh đó, cũng có một số người dân mê tiếng hát then, đàn tính đã tự mày mò sản xuất cây đàn tính và đã được nhiều người yêu thích hát then, đàn tính tìm đến mua. Theo anh Hứa Quang Sỹ – Thôn Nà Kiêng xã Khang Ninh, là một trong những người sản xuất cây đàn tính thì làm đàn tính không quá khó khăn, cầu kì, người nào có một chút năng khiếu, có vốn hiểu biết về ân nhạc, có niềm đam mê là có thể làm được đàn tính. Đàn tính được làm hoàn toàn từ vật liệu gần gũi trong cuộc sống. Bầu đàn tính được làm bằng quả bầu khô. Cần đàn được làm bằng gỗ. Chỉ cần từ 2- 3 ngày là hoàn chỉnh 1 cây đàn tính. Quả bầu làm đàn tính phải tròn, đẹp và già, không quá to cũng không quá nhỏ, gõ vào có tiếng kêu thật đanh mới có âm sắc chuẩn. Tính đến nay anh đã sản xuất được trên 500 cây đàn tính, được bán đi khắp nơi trong và ngoài nước. Hiện tại, giá mỗi chiếc được bán với giá từ 800.000đ đến 1.000.000đ/chiếc.

Mùa xuân về, các thôn bản người Tày ở huyện Ba Bể lại rộn ràng những điệu hát Then đón mừng năm mới. Hát Then để cầu chúc cho nhau sự an khang thịnh vượng, mùa màng tốt tươi, gửi trao tâm tình, cầu chúc cho nhau những điều tốt lành trong năm mới.

 

Bài trướcBa Bể phấn đấu phát triển đàn gia súc lên trên 16.600 con vào năm 2016
Bài tiếp theoTết với công nhân điện lực vùng cao Ba Bể