Triệu phú trên đỉnh Hin Đăm

Với quyết tâm làm giàu, không ngừng học hỏi, đặc biệt là áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, mạnh dạn vay vốn đầu tư phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm và trồng trọt, anh Triệu Kim Trìu dân tộc Dao ở Thôn Pác Nghè xã Khang Ninh, huyện Ba Bể đã trở thành triệu phú trên đỉnh Hin Đăm./.

 

   Ảnh: Anh Triệu Kim Trìu cùng gia đình đang chăm sóc diện tích rừng trồng sen sắn của gia đình


             Những ngày đầu lên đỉnh Hin Đăm, không ít người nghĩ anh Trìu mạo hiểm và chẳng thể làm kinh tế nơi heo hút, đầy gió và nắng thế này. Vậy nhưng, với quyết tâm thoát nghèo và ấp ủ ước mơ làm giàu, vươn lên từ chính mảnh đất nghèo khó. Gia đình anh là hộ dân đầu tiên khai phá và mở đầu phong trào phát triển kinh tế trên đỉnh Hin Đăm. Tuy có lợi thế lớn về đất đai, thế nhưng, trồng cây gì, nuôi con gì để có hiệu quả kinh tế cao cũng là bài toán không hề dễ, nhất là với những đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều hạn chế trong canh tác, sản xuất như gia đình anh. Cũng đã có những thất bại, tuy nhiên, với khát vọng vươn lên và không ngừng học hỏi, đến nay mô hình kinh tế của gia đình anh đã mang lại nguồn thu nhập đáng mơ ước. Ngay từ năm 1997, khi lên Hin Đăm lập nghiệp, việc làm đầu tiên của anh Trìu và gia đình đó là nỗ lực khai phá, cải tạo, quy hoạch diện tích đất canh tác để trồng cấy các loại cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Với cây lâm nghiệp, ngoài 1 ha cây mỡ chuẩn bị cho khai thác, vụ trồng rừng năm 2015 này gia đình anh Trìu còn trồng mới 1,5ha cây Lát hoa, cùng với đó anh tận dụng trồng xen cây sắn trên diện tích rừng trồng mới để vừa thuận cho công tác chăm sóc, bảo vệ, vừa có thêm thu nhập từ cây sắn.

             Ngoài trồng xen canh cây sắn, anh Trìu còn gieo trồng  hơn 1ha ngô đồi, hơn 3 nghìn m2 ruộng lúa 2 vụ, trung bình mỗi năm gia đình anh chị thu được trên 6 tấn ngô, lúa. Nguồn lương thực dồi dào này là điều kiện để gia đình anh Trìu xây dựng, phát triển chăn nuôi.  Hiện tại gia đình anh Trìu nuôi 5 con lợn nái, 20 con lợn thịt, trung bình mỗi con khoảng 80kg. Có lúc cao điểm, đàn lợn thịt của gia đình anh lên đến 32 con. Hàng năm, riêng thu nhập từ bán lợn thịt, trừ các chi phí gia đình anh cũng có lãi gần 80 triệu đồng. Không dừng lại ở đó, gia đình anh còn chủ động trồng cỏ voi để nuôi trâu bò, đào ao thả cá để cải thiện cuộc sống và tăng thêm thu nhập. Theo anh Trìu để có được kết quả như ngày hôm nay ngoài sự cố gắng, nỗ lực, tinh thần dám nghĩ, dám làm thì sự đồng lòng, chung sức của 2 vợ chồng là yếu tố quyết định nhất.

 

Ảnh: Anh Triệu Kim Trìu bên mô hình chăn nuôi lợn của gia đình

 

Không chỉ làm kinh tế giỏi mà vợ chồng anh Triệu Kim Trìu còn giúp đỡ các hộ dân trong thôn cùng nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Ngoài ra, anh còn  tuyên truyền vận động bà con trong thôn bỏ hàng nghìn ngày công lao động để mở đường, bê tông hóa những đoạn sung yếu từ trung tâm xã lên đến thôn, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại, giao lưu trao đổi hàng hóa.

Đánh giá về mô hình kinh tế của anh Triệu Kim Trìu anh Lý Văn Nhạy – Phó Chủ tịch UBND xã Khang Ninh, huyện Ba Bể cho biết: Tại xã Khang Ninh trong những năm gần đây, có rất nhiều mô hình phát triển kinh tế và điển hình nhất là mô hình của anh Trìu, ở một nơi hẻo lánh, vùng sâu, vùng xa đặc biệt khó khăn, với sự đồng thuận của hai vợ chồng phát triển kinh tế vườn ao chuồng đạt hiệu quả rất cao, hàng năm cho thu nhập hàng trăm triệu đồng.

Sẽ chẳng có triệu phú trên đỉnh Hin Đăm hôm nay nếu không có ý chí quyết tâm và khát vọng làm giàu. Hy vọng, qua tấm gương về phát triển kinh tế của anh Trìu sẽ có nhiều hơn những mô hình kinh tế dám nghĩ dám làm, biết vượt qua khó khăn để đời sống mỗi người dân ngày càng no ấm hơn./.

                                                                                  

 

Bài trướcLễ trao học bổng “Vì em hiếu học” tại Ba Bể
Bài tiếp theoHội phụ nữ xã Chu Hương đẩy mạnh phong trào giúp phụ nữ nghèo có địa chỉ