Anh Ma Thế Hoài (Bành Trạch) thành công với mô hình kinh tế tổng hợp |
Từ năm 2005, các địa phương như: Hà Hiệu, Chu Hương, Mỹ Phương, Thượng Giáo, Địa Linh… là những địa phương đi đầu trong phát triển kinh tế theo các mô hình tổng hợp. Ngoài việc cấy lúa, trồng màu, nhiều nông dân trên địa bàn huyện Ba Bể đã mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế với các mô hình tổng hợp trồng cây ăn quả, chăn nuôi gia súc… và với tinh thần chịu thương, chịu khó, tích cực áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đã có không ít mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần đáng kể vào công cuộc xóa đói giảm nghèo tại địa phương, điển hình như các gia đình: Ông Chu Đức Phương, Đàm Văn Vụ, Hoàng Văn Tuyến (Hà Hiệu), ông Nguyễn Xuân Bái, Dương Khắc Sinh, Trương Văn Mọc (Chu Hương), ông Lường Văn Thụ, Hoàng Đức Mạnh, Nguyễn Trọng Hòa (Thượng Giáo)….. Nhờ vậy, cuộc sống của người dân đã có những thay đổi rõ nét. Thu nhập bình quân đầu người đạt 9 triệu đồng/năm, số hộ nghèo của huyện giảm từ 69,44% (năm 2006) xuống còn 29,63% hiện nay theo tiêu chí mới.
Để khuyến khích các mô hình kinh tế phát triển dựa trên những lợi thế, tiềm năng của địa phương, huyện Ba Bể đã tạo điều kiện cho các chủ hộ được vay vốn từ các nguồn vốn ưu đãi của Ngân hàng CSXH huyện và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để đầu tư phát triển sản xuất. Đồng thời, huyện cũng chỉ đạo các cơ quan chức năng địa phương phối hợp với UBND các xã, thị trấn và các tổ chức đoàn thể tích cực chuyển giao khoa học kỹ thuật trong trồng trọt và chăn nuôi đến các hộ dân, trong đó chú trọng ưu tiên đối với các hộ phát triển các mô hình kinh tế tổng hợp.
Bà Đàm Thị Thế, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ba Bể cho biết: Mô hình phát triển kinh tế tổng hợp đã góp phần quan trọng trong khai thác tiềm năng thế mạnh về đất đai, lao động tại địa phương, nâng cao hiệu quả sử dụng đất trống, đồi trọc, tạo đà cho các hộ nông dân phát triển sản xuất, nâng cao đời sống. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay là vốn đầu tư cho các mô hình còn khiêm tốn, chưa đáp ứng được yêu cầu mong muốn của các chủ hộ. Phần lớn là vốn của gia đình, đầu tư theo khả năng tự có. Hơn nữa, sự liên kết giữa các hộ trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm còn yếu, tư tưởng đơn lẻ còn khá phổ biến dẫn tới chất lượng sản phẩm và giá cả còn hạn chế.
Vì vậy, để các mô hình kinh tế tổng hợp trên địa bàn huyện có thể phát triển mạnh mẽ hơn, trong thời gian tới, huyện Ba Bể cần quan tâm hơn nữa đến công tác chuyển giao khoa học kỹ thuật cho bà con, đặc biệt là những loại cây con mới có giá trị kinh tế cao và cần có những chính sách ưu đãi, tạo điều kiện cho các trang trại được vay vốn với số lượng lớn hơn để mở rộng quy mô, quan tâm đến việc giải quyết đầu ra cho người dân, góp phần đưa nền nông nghiệp nông thôn huyện phát triển bền vững./.