Phát triển cây hồng không hạt hướng xoá đói giảm nghèo ở Ba Bể

Những năm qua, xác định thế mạnh về tiềm năng đất đai, khí hậu, huyện Ba Bể đã mạnh dạn chuyển dịch cơ cấu cây trồng có hiệu quả kinh tế cao theo hướng sản xuất hàng hoá. Trong đó, huyện coi cây hồng không hạt là một trong những cây trồng mũi nhọn, góp phần xoá đói, giảm nghèo.

 
 

Phát triển trồng hồng không hạt ở Quang Khê(Ba Bể)

 

Đồng chí Đàm Thị Thế – Trưởng phòng NN&PTNT huyện Ba Bể cho biết: Để phát triển cây hồng không hạt theo hướng chuyên canh hàng hoá, huyện  Ba Bể đã khai thác tốt mọi nguồn vốn nhằm cải tạo và trồng mới mỗi năm từ 20 – 30ha hồng không hạt. Đặc biệt, là tăng cương sự hợp tác gắn bó chặt chẽ giữa: nhà nông, nhà khoa học, nhà quản lý đem lại thu nhập cao, góp phần xoá đói, giảm nghèo cho người dân địa phương. Huyện phấn đấu nâng tổng diện tích trồng hồng không hạt của huyện  lên 500ha vào năm 2020.

Theo thống kê của ngành chức năng huyện Ba Bể, hiện nay toàn huyện có khoảng gần 200 ha hồng không hạt, được trồng rải rác ở tất cả các địa phương, với sản lượng quả ước đạt 1.000 tấn/năm. Loại cây này đang mang lại nguồn thu nhập không nhỏ cho người dân huyện Ba Bể, với thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Theo người dân địa phương, cây hồng không hạt rất dễ trồng và không mất nhiều chi phí và công chăm bón lại được về giá thành. Cây hồng trồng từ năm thứ 3-4 đã bắt đầu cho thu hoạch với 1ha trồng hồng, các hộ gia đình thu về gần 20 triệu đồng. Năm thứ 4-5, 1ha hồng cho thu nhập trên 50 triệu đồng/ha/năm. Chu kỳ thu hoạch cây hồng không hạt trên 20 năm trở lên. Qua đó, đem lại hiệu quả kinh tế đã tạo công ăn việc làm tăng thu nhập cho người nông dân.

Điển hình như hộ: gia đình chị Hoàng Thị Thơi, thôn Nà Chom xã Quảng Khê trồng hơn 100 gốc hồng, mỗi năm cho thu khoảng 3 tấn quả, gia đình thu về trên 30 triệu đồng; gia đình ông Đàm Văn Vụ trồng hơn 1 ha, thu hoạch khoảng 5 tấn quả/năm; hộ ông La Dương Hoàn (xã Địa Linh) với diện tích gần 1ha hồng, mỗi  năm cho thu nhập từ 50-60 triệu đồng/năm; ông Dương Văn Chung ở Bản Ngù, xã Cao Trĩ (Ba Bể) trồng hơn 300 gốc hồng không hạt… Hộ gia đình chị chị La Thị Nhói (xã Cao Trĩ) có 200 gốc hồng, cho thu hoạch có năm đạt khoảng 3- 4 tấn quả với giá bán bán trung bình 10.000đ/kg, cho thu nhập khoảng 40 – 50 triệu đồng/ha, cao hơn rất nhiều lần so với cấy lúa.

Tuy nhiên, với 200ha hồng không hạt trên địa bàn huyện thì phần lớn diện tích đang cho thu hoạch đã được trồng từ nhiều năm trước, diện tích bị cằn cỗi cùng với đó người dân chưa quan tâm chăm sóc nên quả rụng nhiều, năng suất thấp và quả nhỏ. Những diện tích nay tập trung nhiều ở các xã như: Hà Hiệu, Thượng Giáo, Cao Trĩ, Khang Ninh…

Nằm trong Dự án Quy hoạch vùng sản xuất cây hồng không hạt Bắc Kạn, giai đoạn 2007 – 2015. Trong những năm qua, huyện Ba Bể đã phối với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh và Viện Nghiên cứu Rau quả Hà Nội tập huấn kỹ thuật, cung cấp cây hồng không hạt giống cho người dân. Nhờ sự hỗ trợ của các chương trình, dự án, trung bình mỗi năm huyện cải tạo và trồng mới được từ 20 – 30ha hồng không hạt. Diện tích trồng hồng ban đầu chỉ tập trung ở một số xã là Hà Hiệu, Bành Trạch, Địa Linh, Khang Ninh,  nay mở rộng đến các xã như: Cao Trĩ, Quảng Khê, Đồng Phúc, Hoàng Trĩ…

Năm 2010, theo Đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đã hỗ trợ 100% về giống cho xã Địa Linh, cung cấp cho người nông dân xã hơn 4000 cây giống hồng không hạt. Đồng thời, huyện trồng mới 54ha hồng không hạt theo Chương trình 30 và 17ha theo Đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng của huyện. Năm 2011 diện tích hồng được trồng mở rộng tại các xã Đồng Phúc, Quảng Khê, Hoàng Trĩ, Khang Ninh, Thượng Giáo, Địa Linh, Cao Trĩ… Năm 2012, từ nguồn vốn hỗ trợ của Chương trình 30a, huyện Ba Bể có kế hoạch trồng mới hơn 76ha cây hồng không hạt.

Cùng với đó, để chọn lọc cây đầu dòng phục vụ cho việc nhân giống và quản lý nguồn giống đảm bảo chất lượng để tránh những rủi ro cho nhân dân. Sở Khoa học và Công nghệ Bắc Kạn đang thực hiện mô hình cấy ghép cải tạo giống hồng tại huyện Ba Bể. Từ nguồn vốn của Chương trình 30a, phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện cũng đang đầu tư xây dựng vườn ươm hồng không hạt tại vườn ươm xã Bành Trạch. Với việc nhân rộng giống hồng này thành công sẽ tạo ra nhiều cơ hội phát triển kinh tế cho bà con nông dân huyện Ba Bể.

Bên cạnh việc hỗ trợ nhân giống và mở rộng thì việc tìm đầu ra cho sản phẩm hồng không hạt là cả một định hướng mẫu chốt cho việc mở rộng vùng chuyên canh cây đặc sản hồng không hạt.

Đồng chí Đàm Thị Thế – Trưởng phòng NN&PTNT huyện Ba Bể cho biết: Mặc dù sản phẩm hồng không hạt đã được cấp chỉ dẫn địa lý, nhưng tiêu chuẩn, chất lượng hồng như thế nào, đóng gói mẫu mã ra sao, bán hàng qua những kênh phân phối nào… thì vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể. Huyện Ba Bể thông qua nhiều nguồn kênh và các thị trường tỉnh bạn để đi tìm đầu ra cho sản phẩm hồng không hạt nhưng không có địa điểm. Nên việc thu gom hồng không hạt trên địa bàn huyện hiện  nay hoàn toàn phụ thuộc vào tiểu thương trong tỉnh. Bên cạnh đó, người dân trồng hồng còn phụ thuộc nhiều vào thời tiết, thời vụ nếu hồng chín muộn so với dịp tết trung thu thì sản phẩm bị mất giá và tư thương ép giá.

Trong những năm tới, để hồng không hạt trở thành cây ăn quả đặc sản, đòi hỏi các cấp chính quyền nhất là huyện Ba Bể, cần nỗ lực hơn nữa, giải quyết tốt bài toán về đầu ra ổn định của cây hồng, cũng như việc xây dựng, củng cố thương hiệu cho sản phẩm, khai thác tối đa các nguồn vốn, dự án để chuyển giao khoa học kỹ thuật và mở rộng diện tích trồng hồng. Có như vậy cây hồng không hạt ở Ba Bể mới phát triển mạnh theo hướng hàng hóa, từng bước góp phần xoá đói, giảm nghèo cho người dân địa phương./.

Bài trướcQuảng Khê khó khăn trong chống hạn cho cây trồng vụ xuân
Bài tiếp theoMột cựu chiến binh làm kinh tế giỏi