OCOP Ba Bể – một năm nhìn lại

Thực hiện Đề án ” Mỗi xã, phường một sản phẩm” ( gọi tắt là chương trình OCOP) giai đoạn 2018 -2020, cùng với các địa phương trên địa bàn tỉnh, năm 2018, huyện Ba Bể đã tích cực triển khai thực hiện và đến nay, những sản phẩm truyền thống, đặc trưng của địa phương đã được nâng cao giá trị sản phẩm và mở rộng thị trường tiêu thụ trong và ngoài tỉnh./.

Hợp tác xã Hoàng Huynh tại thôn Nà Kiêng xã Khang Ninh, huyện Ba Bể được thành lập và hoạt động trong lĩnh vực chế biến nông sản với mục tiêu nâng cao giá trị và đưa sản phẩm nông sản của địa phương ra thị trường, tạo thành chuỗi liên kết trong khâu tiêu thụ sản phẩm. Các sản phẩm chủ yếu của HTX là thịt trâu khô, chuối dẻo. chuối hột sấy khô, hồng không hạt sấy giòn, quả mác mật sấy khô, giảo cổ lam, măng khô. Hiện nay 5 sản phẩm của HTX đã được công bố chất lượng là chuối sấy dẻo, giảo cổ lam, chuối hột bản, mác mật khô, thịt trâu khô..Đặc biệt trong năm 2018, HTX đã đăng ký sản phẩm thịt trâu khô tham gia đề án OCOP và được đánh giá xếp hạng 3 sao theo tiêu chuẩn OCOP. Đây là sản phẩm được sấy khô bằng phương pháp sấy lò than đỏ kín nhiệt kết hợp máy sấy hiện đại nên rất đảm bảo an toàn thực phẩm, thịt đỏ hồng thơm ngon ngọt đúng nguyên vị . Anh Hoàng Văn Huynh – Giám đốc HTX Hoàng Huynh xã Khang Ninh huyện Ba Bể cho biết, đến nay các sản phẩm của HTX đã được quảng bá rộng hơn và  việc tiêu thụ cũng thuận lợi hơn rất nhiều do các sản phẩm đã được đánh giá chất lượng ocop.

Gian hàng trưng bày sản phẩm của HTX Hoàng Huynh xã Khang Ninh huyện Ba Bể

Còn tại xã Quảng Khê, như một cách giữ gìn văn hóa quê hương, đồng bào dân tộc Dao ở thôn Nà Hai bao đời nay vẫn luôn duy trì nghề nấu rượu men lá truyền thống . Những giọt rượu mang hương vị đặc trưng của núi rừng Đông Bắc, cay nồng, nóng ấm và chất chứa cả những tâm tình đã khiến ai từng được thưởng thức khó có thể quên. Với quy trình sản xuất hết sức công phu, rượu men lá suối nguồn của đồng bào Dao ở Nà Hai khi uống có hương vị ấm, đậm và thơm đượm hương lá rừng nên rất dịu, êm ái. Chính vì vậy, sản phẩm rượu men lá suối nguồn Nà Hai xã Quảng Khê đã và đang được nhiều người ưa chuộng. Anh Lý Phúc Ba – Giám  đốc HTX Phúc Ba cho biết, tận dụng lợi thế nguồn nguyên liệu sạch dồi dào cùng với đặc trưng nguồn nước quý trên núi cao nên cuối năm 2017, anh cùng các thành viên trong thôn đã mạnh dạn xây dựng HTX với mong muốn duy trì và phát triển thương hiệu sản phẩm này đến những thị trường rộng lớn hơn.

Để triển khai  đề án mỗi xã phường một sản phẩm, từ đầu  năm 2018  huyện Ba Bể đã phối hợp với Văn phòng điều phối xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo của tỉnh đồng thời chỉ đạo các xã, thị trấn xây dựng sản phẩm đặc trưng đảm bảo các tiêu chí: Lợi thế về nguồn gốc, thế mạnh của địa phương , sản phẩm chất lượng , có sức cạnh tranh trên thị trường và có tính bền vững. Trên cơ sở đó, các xã, thị trấn tiến hành lựa chọn và đăng ký 15 sản phẩm lợi thế đặc trưng của địa phương thuộc 5 nhóm sản phẩm theo Chương trình OCOP, gồm: nhóm Thực phẩm; nhóm Đồ uống; nhóm Thảo dược; nhóm Lưu niệm – nội thất – trang trí; nhóm Dịch vụ du lịch nông thôn. Các sản phẩm trên được sản xuất bởi 10 tổ chức cá nhân trên địa bàn huyện.  Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện đã tổng hợp, xây dựng phương án hỗ trợ kinh phí cho các địa phương triển khai thực hiện. Huyện cũng thành lập Ban Điều hành chương trình OCOP cấp huyện; hướng dẫn các xã, thị trấn tập trung thực hiện tuyên truyền sâu rộng để người dân phân biệt được sản phẩm chủ thể, xây dựng mô hình sản xuất thích hợp theo đúng nguyên tắc, phương pháp “Mỗi xã  phường một sản phẩm”. Song hành với đó, huyện đã chủ động, áp dụng một số chính sách khuyến khích phát triển sản xuất hàng hóa nông nghiệp tập trung, hỗ trợ lãi suất tín dụng thương mại để hỗ trợ các tổ chức kinh tế tham gia chương trình như hỗ trợ quy hoạch, đầu tư cơ sở hạ tầng, giống, vật tư, chuyển giao khoa học kỹ thuật các vùng sản xuất tập trung; hỗ trợ  hoàn thiện sản phẩm về thiết kế nhãn mác, bao bì, in ấn. Qua các chính sách hỗ trợ trên góp phần giúp các tổ chức kinh tế phát triển, mở rộng sản xuất, ứng dụng KHCN để nâng cao giá trị sản xuất, tăng cường xúc tiến thương mại thị trường nội địa và hoàn thành các sản phẩm theo hướng hợp chuẩn, hợp quy. Để tăng cường quảng bá các sản phẩm OCOP của huyện đến đông đảo người tiêu dùng, huyện Ba Bể đã chỉ đạo các phòng ban chuyên môn tích cực thực hiện tổ chức cho các tổ chức kinh tế, cơ sở sản xuất, doanh nghiệp tham gia trưng bày và bán sản phẩm tại các hội chợ diễn ra trên địa bàn tỉnh và các tỉnh lân cận. Bởi vậy, các sản phẩm ngày càng khẳng định thương hiệu và có chỗ đứng trên thị trường.

Chị Đinh Tuyết Nhung – Giám đốc HTX Nhung Lũy xã Yến Dương đang đóng gói và hoàn thiện sản phẩm Lạp sườn gác bếp.

Ông Lưu Quốc Trung  – Phó chủ tịch UBND huyện Ba Bể  cho biết: Trong đợt 1 năm 2018, đã có 7 tổ chức kinh tế đăng  ký tham gia đề án với 9 sản phẩm thuộc hai nhóm Thực phẩm và Đồ uống. Đến thời điểm tham gia, đánh giá xếp hạng sản phẩm có 4/9 sản phẩm tham gia đánh giá là Thịt trâu khô ( HTX Hoàng Huynh); lạp sườn gác bếp ( HTX Nhung Lũy); rượu suối nguồn Nà Hai( HTX Phúc Ba) và rau Bò khai (HTX Sang Hà). Qua đánh giá xếp loại ở hai cấp, cả 4 sản phẩm đều đạt tiêu chí 3 sao theo tiêu chuẩn OCOP.  Đây là kết quả tích cực thể hiện sự quan tâm và vào cuộc quyết liệt của cấp ủy chính quyền và người dân trong thực hiện đề án.

Đề án “Mỗi xã phường một sản phẩm” đang được triển khai với kỳ vọng hình thành phát triển sản xuất các sản phẩm, hàng hóa nông sản sạch, các dịch vụ truyền thống có lợi thế theo chuỗi giá trị khép kín, gắn với định hướng thị trường, từ đó nâng cao hiệu quả sản xuất, giá trị gia tăng, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, cộng đồng, đặc biệt nâng cao thu nhập cho cư dân nông thôn  tin rằng với những kinh nghiệm và kết quả bước đầu đạt được huyện Ba Bể sẽ phát huy tốt  hơn nữa trong những năm tới để thực hiện thành công đề án OCOP tạo  một làn gió mới  về xây dựng nông thôn mới ở các địa phương.

Bài trướcBa Bể sẵn sàng cho mùa tuyển quân năm 2019
Bài tiếp theoNghị Quyết xác nhận kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do HĐND bầu