Những kết quả bước đầu từ mô hình chi trả dịch vụ môi trường tự nguyện tại thôn Bản Duống xã Hoàng Trĩ

Tạo sinh kế cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, giúp cộng đồng phát triển công bằng và bền vững bằng việc phát triển dịch vụ du lịch sinh thái gắn với bảo vệ môi trường có sự tham gia của người dân và cộng đồng. Đó là mục tiêu của Dự án 3PAD khi triển khai thí điểm mô hình chi trả dịch vụ môi trường tự nguyện tại thôn Bản Duống xã Hoàng Trĩ huyện Ba Bể.

       Thôn Bản Duống, xã Hoàng Trĩ, huyện Ba Bể là thôn đầu nguồn nước chảy vào hồ Ba Bể. Toàn thôn có 180 ha rừng phòng hộ và 350 ha rừng sản xuất với tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo còn khá lớn chiếm trên 63%, đời sống phần lớn dựa vào sản xuất nông lâm nghiệp nên những hoạt động của người dân có tác động  rất lớn đến môi trường tự nhiên của hồ Ba Bể. Chính vì vậy Bản Duống là thôn đầu tiên được dự án 3PAD chọn để hỗ trợ người dân làm quen với các hoạt động bảo vệ môi trường được trả phí. Mô hình chi trả dịch vụ môi trường tự nguyện được xây dựng trên nguyên tắc thống nhất về cách phối hợp giữa việc khai thác và bảo vệ nôi trường rừng, trong đó bao gồm cả nguồn nước, cảnh quan không khí, bãi đẻ và con giống tự nhiên. Đây là mô hình chi trả tự nguyện đầu tiên trong cả nước về người hưởng lợi ở thôn vùng thấp chi trả cho người dân vùng cao bảo vệ, trồng mới, tạo ra sinh kế để hạn chế tác động vào môi trường rừng phòng hộ đầu nguồn. Với sự kết nối của dự án 3AD đã đi đến một thống nhất chung là người sử dụng các dịch vụ môi trường sẽ là bên trả phí, người nhận các phí chi trả này sẽ thực hiện các hoạt động Bảo vệ môi trường và sự phối hợp trong việc khai thác, bảo vệ dịch vụ môi trường này sẽ được hai bên tự nguyện cam kết và ghi nhớ bằng hợp đồng cụ thể. Trong quá trình triển khai các hoạt động tại vùng hồ Ba Bể, cán bộ Ban QLDA 3PAD đã trú trọng tuyên truyền về mô hình chi trả dịch vụ môi trường  rừng tự nguyện đến các đối tượng trực tiếp như người dân các thôn nằm trong vùng lõi, vùng đệm vườn quốc gia Ba Bể, thành viên hội nhà sàn xã Nam Mẫu, các xã viên HTX xuồng vườn Quốc gia Ba Bể.

       Mặc dù cũng gặp những khó khăn trong quá trình triển khai mô hình tuy nhiên khi người dân nhận thức được ý nghĩa của mô hình, tầm quan trọng trong việc bảo vệ rừng đầu nguồn để giữ được vẻ đẹp cảnh quan hồ Ba Bể thì đến nay việc triển khai thực hiện đã đem lại hiệu quả thiết thực. Đánh giá về hiệu quả bước đầu từ hoạt động chi trả dịch vụ môi trường rừng triển khai thí điểm tại thôn Bản Duống, Ông Hoàng Văn Thăng, Chủ tịch UBND xã Hoàng Trĩ cho biết: Mô hình chi trả dịch vụ môi trường rừng triển khai tại thôn Bản Duống đã đem lại hiệu quả thiết thực, được bà con đồng tình hưởng ứng và nâng cao được ý thức bảo vệ rừng của người dân.

       Không giống như việc thực hiện các hoạt động do nhà nước hỗ trợ, hoạt động bảo vệ môi trường theo hình thức do dự án 3 PAD triển khai được thực hiện dưới sự giám sát trực tiếp của người dân và kết quả cũng do người dân đánh giá. Bên nhận chi trả có quyền chấm dứt việc  trả phí nếu như bên nhận phí nếu như bên nhận phí không thực hiện đúng cam kết bảo vệ môi trường rừng. Điều này sẽ có tác động quan trọng đến việc thay đổi hành vi của người dân cũng như xây dựng được ý thức trách nhiệm trong các cam kết cộng đồng.  Theo anh Đàm Văn Phong, Trưởng thôn Bản Duống xã Hoàng Trĩ cho biết, ngay sau khi triển khai tuyên truyền mô hình này, 29/29 hộ dân của thôn Bản Duống đều nhất trí cam kết bảo vệ rừng bằng việc không đốn cây rừng, thành lập tổ tuần tra bảo vệ rừng 3 lần/tháng trên 2 tuyến chính là: Ngoạn Vạc – Pù Loàng và Pù Phja – Pù Loàng – Ngoạn Vạc đảm bảo bao quát toàn bộ diện tích rừng toàn thôn.

       Với mô hình chi trả dịch vụ môi trường rừng tự nguyện người dân các thôn bản vùng cao có sinh kế từ rừng và quan trọng hơn là người dân đã nhận thức rõ về quyền lợi và trách nhiệm đối với môi trường rừng và cảnh quan thiên nhiên. Đó cũng là mong muốn và mục đích mà dự án 3PAD hướng tới. Bà Mã Thị Thương Oanh – Điều phối viên Dự án 3PAD huyện Ba Bể cho biết: Mô hình đã thực sự phát huy hiệu quả mà dự án mong muốn và thời gian tiếp theo Ban quản lý dự án Quan hệ đối tác vì người nghèo trong phát triển nông lâm nghiệp huyện sẽ phối hợp với chính quyền địa phương xã Hoàng Trĩ và người dân thực hiện tốt các cam kết trong hợp đồng để triển khai có hiệu quả chương trình đề ra.

       Từ những kết quả tích cực từ mô hình thí điểm chi trả dịch vụ môi trường triển khai tại Bản Duống xã Hoàng Trĩ, trong thời gian tới, dự án sẽ tiếp tục xây dựng các mô hình chi trả tự nguyện ở các thôn bản vùng cao khác thuộc vùng dự án góp phần giải quyết được vấn đề sinh kế cho người dân và hạn chế  được tác động của con người đến môi trường sinh thái rừng./.

Bài trướcBa Bể: Tổ chức tọa đàm kỷ niệm 31 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam20/11
Bài tiếp theoBa Bể chủ động các phương án phòng cháy chữa cháy rừng mùa khô năm 2013