Các lò đốt rác đã được xây dựng ở nhiều thôn, bản trong huyện
Là một địa bàn khó khăn nhất của tỉnh, kinh tế có điểm xuất phát thấp, song với truyền thống của quê hương cách mạng và sức mạnh đoàn kết của toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân đưa huyện Ba Bể vượt qua khó khăn, hoàn thành thắng lợi các mục tiêu đề ra hàng năm. Trong phát triển sản xuất nông nghiệp Ðảng bộ, chính quyền huyện Ba Bể luôn tập trung đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn và cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa để nâng cao giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích; triển khai thực hiện một số mô hình khuyến nông mang lại hiệu quả kinh tế cao; khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ thương mại theo hướng đa dạng, phù hợp với nhu cầu của thị trường. Nhờ đó, tổng sản lượng lương thực có hạt năm 2017 đạt trên 31 nghìn tấn vượt kế hoạch đề ra; lương thực bình quân đầu người đạt 609 kg/người/năm. Đồng thời xây dựng, quy hoạch và phát triển kinh tế vùng, như xã Quảng Khê, Cao Trĩ, Hà Hiệu trồng hồng không hạt, cây mận sớm; xã Đồng Phúc phát triển cây chè shan tuyết; Địa Linh, Yến Dương, Mỹ Phương phát triển cây ăn quả cam, quýt…từng bước hình thành vùng chuyên canh, thành lập tổ hợp tác và Hợp tác xã nhằm quảng bá thương hiệu nâng cao thu nhập, tạo việc làm cho người dân. ông Ma Thế Quang – Chủ tịch UBND xã Cao Trĩ, huyện Ba Bể cho biết:“Sau khi được tỉnh công nhận xã Cao Trĩ đạt chuẩn nông thôn mới đã làm thay đổi nhận thức của người dân về thục hiện chuơng trình xây dựng nông thôn mới; được nhà nước đầu tư về điện, đường, trường, trạm nên diện mạo của địa phương đã có nhiều thay đổi. Đặc biệt là trong lĩnh vực phát triển kinh tế địa phương đã thành lập được HTX và tổ hợp tác để phát triển kinh tế nhằm tạo thu nhập cho người dân. Năm 2018 này với tiêu chí đưa ra thu nhập của người dân phải đạt 30 triệu đồng/ người/ năm vì vậy địa phương đang tập trung chỉ đạo trong vấn đề thu nhập của địa phương…”
Các mô hình kinh tế ngày càng phát triển
Cùng với thực hiện nhiều giải pháp để nâng cao thu nhập cho người dân thì trong những năm qua huyện Ba Bể xác định giao thông nông thôn là một trong những tiêu chí quan trọng góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế- xã hội, làm thay đổi diện mạo ở vùng nông thôn. Vì vậy, huyện Ba Bể đã tranh thủ sự hỗ trợ của Nhà nước và huy động nguồn lực trong nhân dân để đầu tư xây dựng đường giao thông nông thôn. Với phương châm ‘Nhà nước và nhân dân cùng làm”, phát huy tính dân chủ “dân biết, dân làm, dân bàn, dân kiểm tra” tính riêng năm 2017 người dân trên địa bàn huyện đã tham gia đóng góp trên 310 triệu đồng, trên 9.260 công lao động, sửa chữa và làm mới đường liên thôn với chiều dài 45,7 km và hiến 18.750m2 đất, 2 tấn xi măng; 210 m3 cát, sỏi…
Nhiều tuyến kênh mương nội đồng đã được kiên cố hoá
Theo đánh giá của Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới của huyện, trong quá trình thực hiện, các cấp, ngành trong huyện đã chỉ đạo triển khai đồng bộ, tích cực các nội dung; công tác đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chương trình được quan tâm. Bài học kinh nghiệm quan trọng được nhân rộng là phát huy được quyền làm chủ của nhân dân, xem người dân là chủ thể trong xây dựng nông thôn mới để triển khai thực hiện. Đến nay huyện Ba Bể đã có 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới là xã Cao Trĩ; 4 xã đạt 10 đến 12 tiêu chí; 7 xã đạt 7 đấn 9 tiêu chí và 3 xã đạt 5 đến 6 tiêu chí. Ông Nông Văn Tiến – Chủ tịch UBND xã Hà Hiệu cho biết thêm:“Đến thời điểm này xã Hà Hiệu đạt 13/19 tiêu chí, xã đã xây dựng kế hoạch tiếp tục duy trì phát huy các tiêu chí đã đạt. Về tiêu chí thu nhập đã nâng cao đời sống của người dân; tiêu chí môi trường tuy chưa đạt nhưng các thôn bản đã có sự đổi thay các nhà văn hoá thôn được xây dựng khang trang; đường làng, ngõ xóm được vệ sinh sạch sẽ góp phần nâng cao đời sống, tinh thần cho người dân…”
Phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới huyện Ba Bể tiếp tục nỗ lực vận dụng sáng tạo, linh hoạt các chủ trương, đường lối của Đảng vào thực tiễn địa phương, huy động sức mạnh nội lực cùng sự tranh thủ hiệu quả các nguồn lực từ bên ngoài, tập trung xây dựng một nền nông nghiệp bền vững. Phấn đấu duy trì tổng sản lượng lương thực; xây dựng cánh đồng đạt 100 triệu đồng/ha trở lên với diện tích trên 400 ha; chuyển đổi trên 80ha từ trồng lúa, ngô sang cây trồng có giá trị kinh tế cao; trồng mới 50 ha hồng không hạt, 17 ha cam, quýt; thành lập thêm 2 hợp tác xã. Phấn đấu xã Hà Hiệu sẽ đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2018 và đến năm 2020 sẽ có thêm 2 xã nông thôn mới là xã Địa Linh và xã Khang Ninh./.