Nghề làm hương xạ ở Địa Linh

Làm hương xạ là nghề truyền thống của người dân thôn Pác Nghè, xã Địa Linh, huyện Ba Bể. Đây là một nghề tận dụng được thời gian nông nhàn của bà con, góp phần tăng thu nhập cho các hộ gia đình.

      Làm hương xạ là nghề truyền thống của người dân thôn Pác Nghè từ nhiều năm nay, phần lớn là do chị em phụ nữ tranh thủ thời gian nông nhàn để làm và bán trên thị trường trong huyện.

       Nguyên liệu làm hương ở đây rất đơn giản, bà con không phải mua, chỉ bỏ công sức đi tìm và chủ yếu từ các loại thảo mộc có sẵn trên rừng như: Chất keo kết dính được chiết xuất từ một loại lá cây có trong vườn nhà; bột gỗ mục; bột tạo hương thơm được bà con lựa từ rừng mang về phơi và cán bột cho mịn; tăm hương được chẻ từ những thân mai 1 năm tuổi. Mỗi hộ gia đình chỉ cần bỏ ít tiền mua thuốc nhuộm tăm hương.

      Trong quá trình làm hương, điều quan trọng nhất là người làm hương cần có sự tinh tế, khéo léo trong cách pha chế, nếu sai lệch dù là nhỏ sẽ tạo ra mùi thơm không như ý muốn. Hương sau khi làm, phơi khô từ 1 – 2 ngày là có thể đem bán. Sản phẩm ra đời khi đốt sẽ cháy đều, cháy âm ỉ, không tắt giữa chừng và tạo hương thơm là sản phẩm đạt yêu cầu. So với nhiều loại hương bán trên thị trường, hương của thôn Pác Nghè được người dân địa phương ưa chuộng hơn vì có hương thơm tự nhiên và thời gian cháy lâu hơn các loại hương khác. Thấy được hiệu quả từ mô hình này, nhiều chị em phụ nữ đã đầu tư mở rộng.

      Bà Dương Thị Lý, thôn Pác Nghè, xã Địa Linh, huyện Ba Bể cho biết: Là người làm hương hơn 30 năm nay, bà tranh thủ thời gian nhàn rỗi để làm hương đi bán chợ phiên. Dù chỉ là nghề phụ, tốn ít công sức và thời gian, nhưng mỗi tháng với vài ba phiên chợ, bà cũng bán được hơn 700 nghìn tiền hương. Không làm nhiều, nhưng mỗi năm gia đình bà cũng có nguồn thu từ 10 – 15 triệu đồng từ công việc này.

      Tuy nhiên, do không mở rộng được thị trường tiêu thụ, nên việc phát triển nghề làm hương vẫn còn mang tính nhỏ lẻ và không ổn định. Hơn nữa, làm hương xạ Địa Linh hiện tại đang chỉ là nghề mang tính gia đình, rải rác ở một số hộ và được xem như là một nghề phụ, chưa có ai đứng ra quy tụ, tập hợp và đề xuất hướng phát triển thành một tổ hợp hay doanh nghiệp tư nhân. Chính vì vậy, sản phẩm làm ra cũng chỉ phục vụ cho người dân địa phương tại các chợ phiên với số lượng ít. Nếu có thể mở rộng với quy mô lớn hơn thì đây sẽ là một hướng phát triển có tỉnh khả thi, tận dụng được nguồn nguyên liệu có sẵn, không tốn nhiều chi phí, lại tạo thêm việc làm lúc nông nhàn cho lao động địa phương. Bởi vậy, rất cần có những chính sách hỗ trợ, khuyến khích đối với nghề làm hương xạ Địa Linh.

      Chị Hoàng Thị Khoe, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Địa Linh, huyện Ba Bể cho biết: Nghề làm hương là nghề tự phát và đã được bà con nhân dân ở đây làm từ rất lâu. Tuy nhiên, để nghề làm hương Địa Linh phát triển và trở thành một công việc hàng ngày, có thu nhập ổn định, giúp người dân xóa đói giảm nghèo thì huyện cần có những chính sách khuyến khích đầu ra ổn định cho bà con./.

Bài trướcBa Bể: Thôn Tẩn Lượt (Đồng Phúc) tổ chức ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc
Bài tiếp theoĐịa Linh nỗ lực xây dựng nông thôn mới