Cuối năm 1991 Anh Hoàng Văn Dũng Thôn Lủng Điếc xã Bành Trạch xuất ngũ trở về địa phương, cuộc sống lúc bấy giờ gặp rất nhiều khó khăn, tuy nhiên với ý chí không cam chịu sống cảnh nghèo khó, anh và gia đình làm đủ mọi nghề từ trồng rau sạch, trồng ớt để bán đến việc phát triển chăn nuôi bò, nhưng cuộc sống của gia đình anh vẫn không khấm khá lên được. Năm 2006 sau khi tìm hiểu và thấy mô hình sản xuất gạch xi măng không nung cho thu nhập khá, anh đã bàn bạc với gia đình, vay vốn của Ngân hàng chính sách xã hội huyện, vay từ nguồn quỹ của Hội cựu chiến binh xã, của bạn bè, anh em đầu tư mua máy dập, máy đảo vể để sản xuất gạch xi măng bán ra thị trường. Ban đầu mới sản xuất, do người dân chưa quen dùng loại gạch này vì vậy anh chỉ sản xuất cầm chừng. Từ năm 2010 đến những tháng đầu năm 2014 này, trung bình mỗi tháng gia đình anh sản xuất được từ 5000 đến 6000 viên, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho từ 2 đến 7 lao động trong xã. Hiện gia đình anh đã có cuộc sống ổn định và đang xây dựng ngôi nhà cấp 4 khang trang. Chia sẻ về hướng phát triển kinh tế trong thời gian tới anh Dũng tâm sự: Hiện nay do giá cả nguyên vật liệt tăng cao, thêm vào đó trên địa bàn huyện cũng có nhiều mô hình sản xuất gạch xi măng vì vậy thị trường đầu ra gặp rất nhiều khó khăn. Trong thời gian tới Tôi dự định sẽ chuyển hướng sang chăn nuôi trâu, bò, dê, trồng chuối.
Bám sát các mục tiêu, chương trình phát triển kinh tế – xã hội của địa phương, cùng sự chỉ đạo của Hội CCB cấp trên, hàng năm Hội CCB huyện Ba Bể đã xây dựng kế hoạch, chỉ tiêu xóa nghèo trong hội viên và phân công cho từng thành viên trong Ban chấp hành phụ trách. Hội đã vận động hội viên áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, xây dựng các mô hình phát triển kinh tế phù hợp với điều kiện của địa phương. Những năm qua, nhờ việc quan tâm, tạo điều kiện để khuyến khích hội viên phát huy tiềm năng, thế mạnh, phong trào cựu chiến binh giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo ở huyện Ba Bể đã phát triển cả về bề rộng lẫn chiều sâu, thu hút được nhiều hội viên tham gia.
Ảnh: Cựu chiến binh Nguyễn Văn Tầm – xã Cao Thượng bên mô hình chăn nuôi của gia đình
Bên cạnh đó, Hội CCB huyện còn phối hợp cùng ngành chuyên môn mở các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật cho hội viên. Đồng thời đứng ra tín chấp với Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện tạo điều kiện cho hội viên vay vốn phát triển kinh tế. Với 36 tổ tiết kiệm vay vốn, đến nay tổng dư nợ đạt trên 19 tỷ đồng. … Qua đó, đời sống vật chất và tinh thần của nhiều hội viên đã từng bước được cải thiện và nâng lên rõ rệt. Năm 2004, số gia đình hội viên nghèo của hội chiếm tỷ lệ 33,4%, đến năm 2014 tỷ lệ hội viên nghèo giảm xuống còn 7,6%. Nói về các hoạt động giúp hội viên phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo của Hội cựu chiến binh huyện trong thời gian tới Ông Dương Xuân Luyến – Phó Chủ tịch Hội CCB huyện Ba Bể cho biết: Trong thời gian tới, để phong trào ngày càng phát huy hiệu quả, Hội CCB huyện tiếp tục tập trung củng cố xây dựng tổ chức hội vững mạnh; đồng thời tích cự vận động hội viên phát huy nội lực xây dựng các mô hình phát triển kinh tế phù hợp với địa phương, nhân rộng các mô hình kinh tế đạt hiệu quả đồng thời chuyển một số mô hình kém hiệu quả để thực hiện những mô hình cao hơn; Bên cạnh đó tích cực vận động hội viên tham gia hiến đất, đóng góp tiền, ngày công lao động để xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, đường vào các khu sản xuất góp phần vào công cuộc xây dựng nông thôn mới của huyện nhà.
Với những thành tích đạt được, Hội CCB huyện Ba Bể đang khẳng định vai trò là tổ chức chính trị – xã hội của mình trên trận tuyến mới. Qua đó, đã nhận được nhiều phần thưởng xứng đáng của các cấp Hội CCB từ Trung ương đến Tỉnh hội, chính quyền địa phương.