Với mục tiêu tìm và lựa chọn ra bộ giống lúa ngắn ngày có khả năng chịu rét, chống hạn tốt, cho năng suất, sản lượng cao, phù hợp với đặc điểm vùng chiêm trũng, có nguy cơ ngập úng cao tại một số xứ đồng thuộc các xã Nam Mẫu, Khang Ninh, vụ xuân năm 2015, huyện Ba Bể đã triển khai, thực hiện mô hình cánh đồng một giống PC 6 với diện tích thử nghiệm gần 50 ha. Qua thực tế triển khai cho thấy, giống lúa PC6 có nhiều ưu điểm nổi trội hơn hẳn so với các giống lúa như: Di truyền 122, Tạp giao, Quy ưu…trong đó ngoài yếu tố năng suất cao thì việc được thu hoạch sớm hơn các loại giống cũ đến gần 20 ngày là một bước đột phá với những hộ dân gieo cấy ở vùng chiêm trũng, nguy cơ ngập úng cao. Cũng trong năm 2015, Trạm khuyến nông, khuyến lâm huyện Ba Bể cũng đã triển khai thực hiện mô hình canh tác 3 vụ tại xã Yến Dương, xây dựng mô hình trồng rau an toàn, mô hình chăm sóc cải tạo vườn hồng tại xã Địa Linh, tất cả các mô hình trên đều đã và đang mang lại kết quả tích cực.
Ảnh: Mô hình lúa PC6 để tránh rét và tránh lũ tại xã Nam Mẫu cho hiệu quả cao.
Theo thống kê của ngành chức năng, từ năm 2012 đến nay, bằng nguồn vốn của các chương trình, dự án như: Chương trình 30a, 135, 3PAD, chương trình xây dựng nông thôn mới….huyện Ba Bể đã triển khai, thực hiện thành công 29 mô hình sản xuất mới về lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, trong đó nổi bật và hiệu quả nhất là các mô hình sử dụng phân viên nén dúi sâu NK, mô hình cánh đồng một giống lúa PC6 để tránh rét và tránh lũ khu vực vùng trũng, mô hình trồng khoai tây vụ đông, mô hình trồng chuối tây tại các xã: Địa Linh, Yến Dương, Bành Trạch; mô hình trồng bí xanh thơm, trồng cam quýt, cải tạo đồi chè già cỗi; mô hình nuôi gà thả vườn, nuôi lợn thịt, lợn nái sinh sản sử dụng đệm lót sinh học….Từ hiệu quả của các mô hình đã góp phần tích cực trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tăng năng suất, sản lượng và giải quyết căn bản những vấn đề khó khăn trong sản xuất cho bà con nông dân.
Ảnh: Nông dân xã Địa Linh nâng cao thu nhập từ mô hình trồng khoai tây vụ đông.
Bà Đặng Thị Anh Thơ- Trưởng phòng NN&PTNT huyện Ba Bể cho biết: Hiệu quả kinh tế từ những mô hình sản xuất nông, lâm nghiệp được triển khai trên địa bàn huyện Ba Bể trong thời gian qua đã tạo bước chuyển tích cực, mạnh mẽ trong việc chuyển đổi cơ cấu, cây trồng, vật nuôi trên địa bàn. Tuy nhiên, để các mô hình sản xuất nông, lâm nghiệp này phát triển một cách bền vững thì các cấp, các ngành trên địa bàn huyện cần xem xét và có các chính sách đầu tư phù hợp để giải quyết, tháo gỡ những khó khăn trong quá trình nhân rộng mô hình, hướng tới xây dựng các vùng chuyên canh, sản xuất các cây trồng, vật nuôi theo hướng hàng hóa, nhằm nâng cao thu nhập cho bà con nông dân, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế – xã hội ở địa phương.