Hà Hiệu phát triển mạnh chăn nuôi gà thả đồi

Hà Hiệu là một trong những địa phương đi đầu trong phong trào chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi, đặc biệt là xây dựng các mô hình phát triển kinh tế. Nhờ có lợi thế về đồi bãi rộng lớn, được phủ kín bởi rừng trồng, cây ăn quả, rất thích hợp cho việc chăn thả gia cầm. Tận dụng lợi thế này, cấp ủy chính quyền xã Hà Hiệu đã chủ trương phát triển mạnh việc chăn nuôi gà đồi. Đến nay chủ trương này đã và đang đem lại nhiều khởi sắc.

       Gia đình Chị Đồng Thị Bích, thôn Nà Vài, xã Hà Hiệu là một trong những hộ chăn nuôi gà thả đồi có quy mô lớn theo hướng hàng hóa của xã Hà Hiệu. Năm 2012, nhận thấy trên địa bàn xã, phong trào nuôi gà thả đồi bắt đầu phát triển, chị Bích quyết định đầu tư mua hơn 200 con gà về nuôi thử trên diện tích đồi rừng của gia đình. Thấy đem lại hiệu quả kinh tế cao, chị tiếp tục học hỏi và đầu tư nuôi thêm. Hiện nay chị có đàn gà trên 300 con, mỗi năm gia đình chị nuôi gối vụ được 3- 4 lứa, trừ các khoản chi phí cho thu nhập gần 80 triệu đồng. Từ khi áp dụng, mô hình chăn nuôi gà thả đồi, chị Bích cho biết hiệu quả kinh tế cao hơn so với nuôi gà theo phương pháp truyền thống. Quy trình chăn nuôi gà không quá phức tạp, tốn ít thức ăn và tốn ít công chăm sóc nhưng cần phải giữ chuồng trại sạch sẽ, thoáng mát và đảm bảo về nguồn thức ăn, nước uống; lựa chọn con giống khỏe mạnh và tiêm phòng đầy đủ. 

       Để chăn nuôi gà đồi đạt hiệu quả cao, những năm qua, thông qua các chương trình Dự án như chương trình 30a, dự án 3PAD… xã Hà Hiệu đã hỗ trợ xây dựng nhiều mô hình gà thả đồi, thường xuyên phối hợp với trạm thú y, trạm khuyến nông huyện tổ chức tập huấn cho các hộ chăn nuôi. Nhờ đó, số lượng các mô hình phát triển chăn nuôi gà ngày càng tăng. Theo thống kê của xã Hà Hiệu, số hộ nuôi từ 150 – 400 con/lứa trên địa bàn xã hiện có 21 hộ; còn các hộ nuôi từ 50-100 con/lứa thì rất nhiều. Đặc biêt, trong năm 2013, xã đã mạnh dạn đầu tư xây dựng 1 cơ sở ấp trứng để cung ứng giống gà cho địa phương. Ông Lê Ngọc Lợi – Chủ tịch UBND xã Hà Hiệu, huyện Ba Bể cho biết: “ Cấp ủy chính quyền  cũng như Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới xã Hà Hiệu đã thống nhất tập trung duy trì mô hình chăn nuôi gà thả đồi. Cụ thể xã đã sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuát đầu tư hơn 3.000 con giống gà và gần 1.000 con giống vịt cho các hộ gia đình nhằm thay đổi tập quán chăn nuôi tự cung tự cấp của nhân dân chuyển sang chăn nuôi theo hướng hàng hóa nâng cao thu nhập cho người dân”.

       Nắm bắt được chủ trương và xu hướng phát triển chăn nuôi gà trên địa bàn, nhiều hộ nông dân đã chuyển sang đầu tư nuôi gà đẻ trứng, ấp thành con giống cung cấp ngay trên địa bàn xã. Ông Chu Đức Phương, một chủ hộ chăn nuôi gà đẻ trứng, ấp nở ở thôn Bản Mới, xã Hà Hiệu là một điển hình. Năm 2008 nhận thấy nguồn giống đi mua về chất lượng không đảm bảo nên ông Phương đã mạnh dạn mua lò ấp trứng để tự cung cấp con giống cho gia đình và bà con quanh vùng. Ông Phương cho biết: Bước đầu, ông cũng gặp nhiều khó khăn và trải qua thất bại. Nhưng đến nay, nhờ tích lũy kinh nghiệm, học hỏi kỹ thuật, sau hơn 5 năm triển khai, từ quy mô chỉ hơn 100 con gà mái đẻ và một máy ấp trứng, hiện nay ông đã có hơn 150 con gà mái đẻ và gần 600 con gà thương phẩm cùng 2 máy ấp liên tục, mỗi tuần cung cấp khoảng 300 con gà giống và 1 năm ông xuất bán gần 2.000 con gà thương phẩm ra thị trường. Do chất lượng thịt gà đồi đảm bảo nên đầu ra cho sản phẩm này khá dễ dàng, mỗi khi gia đình ông có nhu cầu xuất bán với số lượng lớn là các tư thương từ nhiều nơi lại sẵn sàng đến mua. Sau khi trừ hết chi phí, một năm gia đình ông thu lãi gần 200 triệu đồng. ông Phương cho biết “ Tôi chọn rừng trồng để nuôi gà vì trong rừng trồng có nhiều loại cỏ gà ăn được đây là nguồn thức ăn phụ của gà, thứ hai nữa là trong rừng có nhiều mối mọt, gà được ăn mối mọt nhiều gà rất khỏe mà thịt ăn lại rất ngon. Gà thương phẩm bán ra thị trường rất dễ bán, mà nuôi thả thế này sẽ làm cho môi trường sạch hơn và hạn chế được các bệnh dịch cho gà …”

Anh Chu Đức Phương – Thôn Bản Mới, xã Hà Hiệu bên mô hình gà thả đồi của gia đình

       Với những lợi thế riêng, nuôi gà dưới tán cây, tán rừng đang là một hướng chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao và được nhiều hộ gia đình ở xã Hà Hiệu triển khai thực hiện. Đây là hướng đi đúng trong phát triển chăn nuôi của xã Hà Hiệu nói riêng và huyện Ba Bể nói chung. Hy vọng, việc phát triển và mở rộng mô hình chăn nuôi gà thả đồi theo hướng hàng hóa sẽ tạo ra hướng đi mới, giúp bà con nông dân ở xã Hà Hiệu từng bước nâng cao hiệu quả kinh tế, cải thiện đời sống gia đình và vươn lên làm giàu chính đáng./.

Bài trướcBức xúc tình trạng xuống cấp ở tuyến đường Cao Trĩ – Quảng Khê
Bài tiếp theoBa Bể chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục