Gương người phụ nữ cần cù chịu khó

Những năm gần đây, thực hiện phong trào phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, phát triển kinh tế gia đình, trên địa bàn huyện Ba Bể đã xuất hiện nhiều tấm gương phụ nữ làm kinh tế giỏi. Chị Nguyễn Thị Huyền, thôn Nà Lần, xã Bành Trạch là một trong những gương điển hình của phong trào này./.

      Giống như bao phụ nữ khác, sau khi được bố mẹ cho ra ở riêng, gia đình chị gặp rất nhiều khó khăn nhưng với tính cần cù, chịu khó, chị luôn có tâm nguyện sẽ cố gắng vượt qua mọi khó khăn để đưa cuộc sống của gia đình ngày càng ổn định. Năm 2001 sau khi được cán bộ Lâm trường vận động trồng rừng theo dự án Pam, gia đình chị đã mạnh dạn tham gia trồng với diện tích 5.000m2 gồm các loại cây mỡ, xoan, keo, bên cạnh đó, gia đình chị cũng đầu tư vào chăn nuôi lợn, gà. Mới đầu gia đình chị chỉ nuôi 2 – 3 con lợn thịt, sau khi có vốn từ việc bán lợn thịt chị tiếp tục đầu tư vào nuôi lợn nái để gây giống. Hiện tại trong chuồng gia đình chị lúc nào cũng có 10 con lợn thịt và 2 con lợn nái sinh sản. Ngoài chăn nuôi lợn, nhận thấy thị trường tiêu thụ trứng gà rất lớn vì vậy chị cũng chú trọng vào chăn nuôi mái đẻ, nhiều năm qua, đàn gà mái đẻ trứng thường xuyên có từ 50 đến 100 con gà ta thả đồi, tuy vậy trứng gà của gia đình chị chẳng cần phải đem ra chợ bán cũng không bị tồn đọng.

       Ngoài việc chăn nuôi lợn, gà, chị còn nuôi thêm 6 con trâu, trồng 4.000m2 lúa, gần 5.000m2 ngô, với số đất canh tác này, hằng năm, gia đình chị thu được sản lượng ngô khá lớn dành cho chăn nuôi lợn, gà và nhiều vật nuôi khác. Nhận biết được thị trường tiêu thụ của hồng không hạt ngày nay, chị đã quyết định đầu tư một phần vào cây hồng, mua giống và giâm giống để nhân rộng diện tích tại vườn của gia đình, hiện tại gia đình chị đã có trên 200 cây hồng không hạt, vụ hồng vừa qua, gia đình thu được 20 triệu đồng. Bên cạnh đó gia đình chị còn nuôi thêm dế, dúi, trồng hơn 40 cây mận sớm và 200 gốc na.

       Năm 2012, cũng qua xem trên vô tuyến, chị lại lần theo địa chỉ ở Vĩnh Phúc tìm mua được 10kg giống giun quế về nuôi, một ki-lô-gam giun quế giống  trong đó có cả đất, con và trứng chị mua với giá 5 nghìn đồng, lần mò, học hỏi, đến nay giun quế của chị nuôi bắt đầu được bán, hiện nay, chị đang bán với giá 80 nghìn đồng/kg con giống. Chưa hết, ngoài chăn nuôi, trồng hồng không hạt, trồng rừng, chị còn tìm mua cây thanh long ruột đỏ về trồng thử nghiệm, hiện cũng đã cho thu hoạch quả. Mô hình kinh tế tổng hợp của gia đình chị những năm gần đây luôn thu nhập mỗi năm khoảng từ 60-70 triệu đồng.

       Quyết tâm vượt khó bằng sự cần cù, chịu khó, dám nghĩ, dám làm. Chị là người phụ nữ đảm đang làm kinh tế giỏi, xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc. Chị đã góp phần tô thắm thêm hình ảnh đẹp của ngưòi phụ nữ nông thôn, xứng đáng là tấm gương sáng để chị em phụ nữ học tập./.

Bài trướcHội cựu chiến binh xã Khang Ninh: Tích cực hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo
Bài tiếp theoTrường PTDTNT Ba Bể: Tích cực chuẩn bị cho ngày nhà giáo Việt Nam 20/11