Gương hội viên phụ nữ làm kinh tế giỏi.

Phát triển kinh tế gia đình từ chăn nuôi và trồng trọt đã và đang là hướng đi đúng đắn và mang lại hiệu quả kinh tế cao đối với hội viên phụ nữ xã Chu Hương, huyện Ba Bể. Thông qua mô hình này, nhiều hội viên đã tự mình vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng. Chị Nguyễn Thị Phượng – Thôn Bản Lài, xã Chu Hương là một trong những tấm gương như thế.

 

 

Ảnh: Gia đình Phượng đã chọn chăn nuôi lợn nái, lợn thịt làm hướng phát triển kinh tế chính

 

Tiếp chúng tôi trong căn nhà khang trang, rộng rãi, chị Phượng không khỏi bùi ngùi khi nhớ lại quãng thời gian đầy vất vả đã qua. Sinh ra trong một gia đình nghèo, năm 2002 chị lập gia đình, lúc bấy giờ hoàn cảnh hai bên nội, ngoại đều khó khăn. Tuy vậy chị luôn có suy nghĩ là không để cái nghèo, cái đói đeo bám mãi. Bằng ý chí và nghị lực của mình chị đã vượt qua khó khăn cùng chồng gây dựng cuộc sống gia đình ấm no, hạnh phúc. Ban đầu với nguồn vốn ít ỏi, chị tiết kiệm chi tiêu trong gia đình để đầu tư vào chăn nuôi lợn, với phương châm lấy ngắn nuôi dài, dần dần chị Phượng đã tăng số lượng đàn lợn của gia đình. Trong quá trình chăn nuôi, chị luôn học tập kinh nghiệm của các mô hình chăn nuôi khác qua sách báo, nghe đài, xem ti vi, đồng thời đảm bảo tốt công tác vệ sinh chuồng trại, tiêm phòng vắc-xin định kỳ nên đàn lợn của gia đình chị sinh trưởng và phát triển nhanh… Từ kinh nghiệm tích lũy và thấy được hiệu quả kinh tế, những năm sau đó, với số vốn tích cóp được từ chăn nuôi gia đình chị tiếp tục đầu tư xây dựng thêm chuồng trại, mở rộng quy mô chăn nuôi. Tính riêng từ đầu năm đến nay, gia đình chị đã xuất bán trên 3,3 tấn lợn hơi, trừ các khoản chi phí gia đình chị thu về trên 50 triệu đồng. Chia Phượng chia sẻ: Từ khi tham gia vào tổ chức Hội phụ nữ, được tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, tôi đã mạnh dạn vay vốn để xây dựng mô hình chăn nuôi. Đến nay cuộc sống của gia đình tôi đã khá ổn định.

Ngoài phát triển chăn nuôi lợn, chị còn nấu thêm rượu để lấy bã nuôi lợn. Trung bình mỗi tháng chị nấu được gần 500 lít rượu, thu về gần 2 triệu đồng tiền lãi. Bên cạnh đó chị còn mua thêm máy say sát để phục vụ sinh hoạt gia đình và bà con trong thôn.

Kinh tế phát triển, gia đình chị đã xây được ngôi nhà khang trang, mua sắm được nhiều đồ dùng, phương tiện sinh hoạt trong gia đình. Nói về chị Nguyễn Thị Phượng – Thôn Bản Lài, chị Mã Thị Chinh – Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Chu Hương nhận xét: chị Phượng là một trong nhiều hội viên phụ nữ tiêu biểu trong phong trào Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo xây dựng gia đình no ấm,, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc; chị đã tích cực tham gia vào các lớp tập huấn do Hội Phụ nữ mở từ đó áp dụng vào mô hình kinh tế của gia đình vì vậy mô hình kinh tế của chị Phượng đã đem lại hiệu quả cao. Chị là một tấm gương để chị em trong thôn, xã học tập, noi theo.

Không chỉ đảm đang với vai trò là một người vợ, một người mẹ, chị Nguyễn Thị Phượng còn khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của mình trong các phong trào ở địa phương nhất là phong trào thi đua phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo và là một trong những hội viên phụ nữ điển hình trong công tác xây dựng tổ chức Hội của Hội phụ nữ xã Chu Hương. Có thể nói, với một địa phương kinh tế – xã hội còn nhiều khó khăn như Chu Hương, những mô hình kinh tế giỏi, cho thu nhập cao như mô hình của chị Nguyễn Thị Phượng rất cần được nhân rộng để chị em phụ nữ học tập làm theo, từng bước xóa đói giảm nghèo bền vững./.

          

 

 

Bài trướcHội nghị lần thứ 18 ban chấp hành đảng bộ huyện Ba Bể khóa XX (mở rộng)
Bài tiếp theoBa Bể: Tổ chức Hội thi “Nữ Giáo viên tài năng, duyên dáng” năm 2014