Du lịch cộng đồng Làng văn hóa Pác Ngòi – Tiềm năng cần phát triển

Thôn Pác Ngòi, xã Nam Mẫu nằm trong vùng lõi của Vườn Quốc gia Ba Bể, có điều kiện tự nhiên phong phú thích ứng với phát triển du lịch, là địa danh lưu giữ nhiều nét văn hoá độc đáo của người Tày Bắc Kạn. Từ những yếu tố thuận lợi trên, năm 2007 Sở Văn hóa thông tin đã phối hợp với phòng Văn hóa thông tin huyện Ba Bể triển khai Dự án bảo tồn và phát triển làng văn hóa truyền thống dân tộc Tày thôn Pác Ngòi. Sau gần 7 năm nỗ lực triển khai thực hiện đã đem lại cho người dân nơi đây cơ hội tốt để phát triển du lịch cộng đồng gắn với xây dựng nông thôn mới, góp phần gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của địa phương./.

  Toàn cảnh Thôn Pác Ngòi, xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể

Gia đình anh Ngôn Văn Sơn (Nhà nghỉ Khánh Toàn) là một trong những hộ gia đình làm dịch vụ du lịch đầu tiên ở thôn Pác Ngòi, xã Nam Mẫu. Mới đầu gia đình anh chỉ cho khách ăn, nghỉ cùng gia đình. Nhưng sau đó do nhu cầu của khách tăng hơn và lượng khách đến thăm quan cũng nhiều hơn, nên gia đình anh đã đầu tư xây dựng mở rộng thêm nhà cửa, dịch vụ ăn, nghỉ để phục vụ nhu cầu du khách. Trò chuyện cùng chúng tôi, anh Sơn cho biết: Trước đây gia đình anh cũng như hầu hết các hộ gia đình trong thôn sống chủ yếu bằng nghề nông nghiệp, chài lưới, nên cuộc sống rất vất vả. Trong vài năm trở lại đây lượng khách du lịch đến nghỉ tại gia đình anh nhiều hơn, để phục vụ khách du lịch được tốt hơn và tăng nguồn thu nhập của gia đình, anh Sơn đã tự tìm hiểu qua các kênh thông tin về cách làm du lịch nông hộ ở một số địa phương khác. Hiện nay anh đã mở rộng mô hình du lịch tại gia đình với nhiều loại dịch vụ từ ăn, nghỉ đến dẫn khách đi thăm quan các điểm du lịch trên Hồ Ba Bể hay lên rừng thăm bản người Dao để khám phá nét văn hóa đặc sắc của người dân tộc. Trung bình một tháng gia đình anh đón từ 100 – 120 lượt khách, trừ các khoản chi phí anh thu về trên 20 triệu đồng/tháng. Anh Sơn chia sẻ:Trước đây khoảng 10 năm bố tôi đã làm du lịch, khách đến càng ngày càng đông lên nên gia đình tối đã đàu tư mở thêm một số dịch vụ để phát triển du lịch. Trong quá trình làm du lịch gia đình tôi đã được đi tập huấn và học hỏi một số  mô hình, được dự án hỗ trợ tập huấn về buồng, bàn, nấu ăn…Sau một thời gian dài làm di lịch tôi thấy có phần thu nhập khá hơn so với các ngành nghề khác…”

Bản Pác Ngòi hiện có 91 hộ, trong đó có 14 hộ đã xây dựng mô hình nhà nghỉ và dịch vụ ăn uống cho khách du lịch ngay tại nhà với các món ăn mang đậm văn hóa ẩm thực của đồng bào dân tộc miền núi như các món ăn từ thịt gà đồi, tép chua, cá nướng, cá chép hồ om măng chua, rau rớn, rượu ngô… Với dịch vụ này, nhiều gia đình trong thôn đã có nguồn thu nhập khá, xây dựng nhà ở khang trang, sạch đẹp, mua sắm đầy đủ tiện nghi mở rộng dịch vụ phục vụ du khách. Một số hộ gia đình còn đầu tư đóng thêm xuồng để chở khách đi thăm quan, thưởng ngoạn những vẻ đẹp kỳ vĩ trên Hồ Ba Bể… Những hoạt động du lịch cộng đồng này bước đầu đã  tạo công ăn việc làm cho nhiều người dân trong thôn, đồng thời nâng cao nhận thức về du lịch đối với cộng đồng dân cư, góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tại địa phương.

Không chỉ các dịch vụ ăn, nghỉ tạo công ăn, việc làm cho người dân nơi đây mà anh, chị em trong đội văn nghệ của thôn cũng có được nguồn thu nhập khá từ những đêm biểu diễn phục vụ du khách. Trò chuyện với chúng tôi anh Triệu Duy Thủ – Đội trưởng đội văn nghệ thôn Pác ngòi cho biết: được thành lập năm 2007 từ Dự án Bảo tồn giá trị truyền thống văn hóa thôn Pác Ngòi xã Nam Mẫu, từ đó đến nay Đội văn nghệ thôn Pác Ngòi luôn duy trì hoạt động biểu diễn phục vụ du khách. Trung bình một tháng đội biểu diễn phục vụ từ 4-5 buổi, thu về từ 4-5 triệu đồng. Với số tiền thu được đội đã đầu tư mua thêm trang phục, một số đạo cụ cần thiết, chi phí bảo dưỡng tăng âm, loa đài và bồi dưỡng cho anh, chị em trong đội Nhờ đó đã tạo thêm được việc làm, tăng thêm nguồn thu cho anh chị em, đồng thời duy trì và lưu giữ được những nét văn hóa đặc sắc của địa phương, thu hút ngày càng nhiều hơn khách đến tham quan du lịch tại địa phương. Cùng giao lưu và xem đội văn nghệ biểu diễn, chị Hoàng Thị Tuyên – du khách đến từ Hà Nội vui vẻ cho biết:Đến khu vực này mình thấy rất gần gũi và mới lạ, khác với những điểm du lịch mà mình hay thường đi, mình cảm thấy rất hứng thú và ấm cúng như sống ở gia đình, người dân ở đây phục vụ mang tính chất tình cảm như gia đình”.

Anh IanSaran – du khách đến từ nước Anh cho biết thêm: “Tôi sống và làm việc ở Việt Nam và đã đi du lịch ở nhiều nơi và nhiều điểm tham quan. Tôi thấy các dịch vụ ở đây rất tốt. Đây là lần đầu tiên tối đến khu vực phía Bắc này, trên đường đi đến đây tôi cũng đã dừng thăm quan một số nhà dân ở bên đường và được người dân đón tiếp rất nồng hậu và ấm cúng, tôi thấy các dịch vụ ở đây rất tuyệt vời…”. 

Trong những năm gần đây lượng du khách trong và ngoài nước đến với Hồ Ba Bể ngày càng tăng. Mặc dù khách du lịch đến tham quan, tổ chức ăn nghỉ tại nhà dân đã và đang phát triển ở thôn Pác Ngòi và thôn Bó Lù xã Nam Mẫu, nhưng hình thức du lịch này hoàn toàn mang tính tự phát, chưa được đầu tư, chưa có quy mô và khoa học, chưa có sự quản lý, hướng dẫn của các cấp, ngành liên quan; người dân chưa có kỹ năng khai thác, bảo tồn những giá trị văn hóa độc đáo của dân tộc để phát triển du lịch. Để Hồ Ba Bể thực sự trở thành điểm hấp dẫn du khách, bên cạnh việc xây dựng khu đón tiếp văn hóa Buốc Lốm, Vườn quốc gia và các làng văn hóa: Cốc Tộc, Pác Ngòi, Bó Lù… thì việc xây dựng du lịch cộng đồng như các dịch vụ nhà ăn, nhà nghỉ, khôi phục các làng nghề truyền thống dệt thổ cẩm, đan chài, lưới để đánh bắt cá trên hồ, xây dựng các đội văn nghệ dân tộc để phục vụ du khách rất cần được tỉnh và huyện đầu tư xây dựng. Có như vậy sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các làng văn hóa trên địa bàn huyện đặc biệt là làng văn hóa thôn Pác Ngòi phát triển du lịch tương xứng với tiềm năng sẵn có./.

Bài trướcBa Bể: Tập trung chăm sóc cây trồng vụ mùa 2014
Bài tiếp theoĐại hội Đại biểu Hội Liên hiệp Thanh niên ViệtNam Huyện Ba Bể lần thứ III, nhiệm kỳ 2014 – 2019