Chương trình 30a – niềm tin của người dân Ba Bể

Là 01 trong 61 huyện nghèo miền núi với tỷ lệ hộ nghèo chiếm 37,17% năm 2009 (theo chuẩn cũ), sau 03 năm triển khai thực hiện Chương trình 30a của Chính phủ về hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững, huyện Ba Bể đã có những thay đổi vượt bậc, tạo nên một bức tranh hoàn toàn mới về đời sống, kinh tế và xã hội. Tỷ lệ hộ nghèo huyện đến nay giảm còn 29,63%.

Là huyện được hưởng lợi từ chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững, ngay từ khi Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ về chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo được ban hành triển khai về địa phương, huyện Ba Bể đã phối hợp các ban ngành, đoàn thể tập trung triển khai, xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình.

 

Người dân huyện Ba Bể phát triển sản xuất với mô hình trồng cây bí đao

 

Với sự quan tâm đầu tư từ chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững thuộc Nghị quyết 30a của Chính phủ và sự hỗ trợ từ tập đoàn công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam, trong 03 năm (từ năm 2009 đến năm 2011) với tổng số vốn được hỗ trợ trên 126.572,6 triệu đồng, huyện Ba Bể đã có điều kiện thuận lợi về nguồn lực đầu tư trực tiếp, xây dựng các cơ sở hạ tầng và hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập, phát triển các chính sách về rừng, dạy nghề, hỗ trợ xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, tạo điều kiện cho người dân có nhiều cơ hội vươn lên thoát nghèo, ổn định đời sống.

Trong 03 năm thực hiện chương trình, trong lĩnh vực hỗ trợ sản xuất, phát triển kinh tế, với nguồn vốn của Nghị quyết, huyện tập trung chủ yếu vào hỗ trợ phát triển nông, lâm nghiệp – thế mạnh của huyện. Chính sách phát triển rừng khoán tại huyện đã được khoán khoanh nuôi bảo vệ tại 75 hộ, nhóm, với tổng kinh phí thực hiện 1.351,902 triệu đồng; hỗ trợ lần đầu giống cây trồng cho 6.651 hộ với 8.423 triệu đồng, xây dựng 01 vườn ươm hồng không hạt 30.000 cây với 298.184 triệu đồng; hỗ trợ giống, phân bón được 215 ha. Lương thực bình quân đầu người tăng dần qua các năm, năm 2009 đạt 563kg đến năm 2011 đạt 589kg.

Để phát triển tăng số lượng đàn trâu bò và nâng cao ý thức của người dân trong việc phòng tránh rét cho gia súc, huyện đã hỗ trợ cho 254 hộ làm chuồng trại chăn nuôi với kinh phí thực hiện 254 triệu đồng, bên cạnh đó, 981 hộ được hỗ trợ mua trâu, bò cái sinh sản với tổng số kinh phí 7,654 tỷ đồng.

Cùng với việc hỗ trợ các loại giống cây trồng, vật nuôi cho người dân, để có thể tăng năng suất lao động và phát triển sản xuất có hiệu quả, huyện tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn, triển khai kỹ thuật cho bà con, góp phần phát triển sản xuất đạt chất lượng.

Trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết, huyện đã xây dựng chương trình mục tiêu giảm nghèo lồng ghép với các kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, lập Ban chỉ đạo xóa đói giảm nghèo cấp huyện, xã, thị trấn và tăng cường công tác luân chuyển cán bộ, thu hút tri thức trẻ tình nguyện theo tinh thần Nghị quyết 30a, nhằm phát huy được khả năng, năng lực tuổi trẻ giúp địa phương thực hiện các chương trình phát triển kinh tế, xã hội và giảm nghèo tại địa phương, thực hiện với phương châm “cầm tay chỉ việc” đã hướng dẫn người dân có hiệu quả trong việc thực hiện các chương trình hỗ trợ và áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Nhiều mô hình phát triển kinh tế mới xuất hiện đem lại hiệu quả kinh tế cao.

 

Người dân Ba Bể phát triển chăn nuôi đàn bò

 

Song song với phát triển chất lượng lao động tại địa phương, công tác xuất khẩu lao động được huyện quan tâm chú trọng, đặc biệt xuất khẩu lao động theo Quyết định 71/2009/QĐ-TTg ngày 29/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án hỗ trợ các huyện nghèo đẩy mạnh xuất khẩu lao động góp phần giảm nghèo bền vững giai đoạn 2009 – 2020 đã tạo điều kiện cho người lao động chủ động lựa chọn thị trường lao động, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn. Sự hỗ trợ trực tiếp của đội ngũ cán bộ tăng cường và tri thức trẻ tình nguyện đã giúp các xã, thị trấn triển khai có hiệu quả nhiều chương trình dự án. Sau 03 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 30a của Chính phủ, tỷ lệ hộ nghèo huyện Ba Bể giảm từ 37,17% năm 2009 (theo chuẩn cũ) xuống còn 29,63% năm 2011 (theo chuẩn mới). 346 hộ nghèo được sống trong ngôi nhà mới kiên cố từ sự hỗ trợ của chương trình; 16/16 xã có đường ô tô tới trung tâm xã, tỷ lệ lao động nông thôn qua tập huấn đào tạo đạt 20%, hệ thống cơ sở hạ tầng trên địa bàn huyện (điện, đường, trường, trạm…) phục vụ công tác an sinh xã hội ngày càng được hoàn thiện và nâng cao. Điều đó cho thấy Nghị quyết 30a đã thực sự phát huy được hiệu quả, đời sống của nhân dân không ngừng được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh.

Hơn nữa, Nghị quyết 30a là một chương trình có tính chất mở. Trong quá trình thực hiện, chương trình có sự sửa đổi, bổ sung cho đối tượng thụ hưởng và nâng mức hỗ trợ, đầu tư. Ngoài ra, chương trình sẽ xây dựng thêm một số cơ chế, chính sách và giải pháp đặc thù để phù hợp với các huyện nghèo, như: Chính sách về hỗ trợ sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập, chính sách giáo dục, đào tạo, dạy nghề, nâng cao dân trí, chính sách cán bộ đối với các huyện nghèo… Điều đặc biệt quan trọng tại chương trình là việc phân bổ nguồn vốn từ trên xuống sẽ dựa trên kế hoạch được lập từ dưới lên, phù hợp với tâm tư, nguyện vọng của người dân. Mục đích, giúp người dân từng bước cải thiện cuộc sống và chủ động xóa đói giảm nghèo một cách bền vững, tạo sự chuyển biến nhanh hơn về đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào các dân tộc địa phương, hỗ trợ phát triển sản xuất nông – lâm nghiệp bền vững theo hướng sản xuất hàng hóa, khai thác có hiệu quả tiềm năng thế mạnh của địa phương, chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ, xây dựng xã hội nông thôn ổn định, giàu bản sắc dân tộc, nâng cao dân trí, bảo vệ môi trường sinh thái, giữ vững an ninh, quốc phòng…

Vì vậy, có thể nói Nghị quyết 30a là đòn bẩy giúp người dân nghèo Ba Bể có thêm niềm tin và cơ hội để thoát nghèo, vươn lên làm giàu, tạo nên nguồn lực đầu tư trực tiếp xây dựng các công trình cơ ở hạ tầng và hỗ trợ phát triển sản xuất. Tuy nhiên, thực tiễn cũng đòi hỏi mỗi người dân cần phải biết nắm bắt cơ hội, làm chủ khoa học kỹ thuật, từ đó chủ động tìm ra hướng đi phát triển kinh tế, đồng thời biết phát huy những thế mạnh của địa phương và vận dụng có hiệu quả và hợp lý với nguồn vốn đầu tư của Chính phủ, từ đó, có những chính sách và mục tiêu cụ thể, sát thực tế để chương trình thực sự là đòn bẩy giúp Ba Bể tiến nhanh hơn đến con đường xóa đói giảm nghèo, an sinh bền vững, phấn đấu đến năm 2020 huyện Ba Bể sẽ triển khai Nghị quyết 30a trên địa bàn đạt kết quả cao nhất./.

Bài trướcKhang Ninh triển khai xây dựng nông thôn mới
Bài tiếp theoBa Bể: Tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy