Ba Bể tích cực chăm sóc sức khoẻ cho người dân và củng cố, hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở

Đặc trưng với nhiều dân tộc anh em cùng sinh sống nên trình độ dân trí không đồng đều giữa các vùng đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác chăm sóc sức khoẻ và khám chữa bệnh trên địa bàn huyện Ba Bể. Nhận thức rõ điều đó, thời gian qua, các cấp chính quyền huyện Ba Bể luôn tập trung củng cố, tăng cường đầu tư về nhân lực, cơ sở vật chất cho ngành y tế và coi đó là một trong những nhiệm vụ trọng tâm nhằm từng bước đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh và chăm sóc sức khoẻ của nhân dân.

Để công tác nâng cao chất lượng ngành y tế đạt hiệu quả, trong chương trình xây dựng nhiệm vụ phát triển hàng năm, huyện luôn đề ra các chỉ tiêu về công tác đào tạo nguồn nhân lực y tế, xây dựng xã đạt chuẩn quốc gia về y tế xã …, đồng thời chỉ đạo các xã, thị trấn thực hiện tốt việc ưu tiên các nguồn lực y tế, quan tâm đến việc khám chữa bệnh cho nhân dân; củng cố, kiện toàn và đẩy mạnh hoạt động của Ban Chỉ đạo chăm sóc sức khoẻ nhân dân từ huyện đến cơ sở, quan tâm thực hiện có hiệu quả các chương trình y tế quốc gia như: Chăm sóc sức khoẻ sinh sản, vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng chống suy dinh dưỡng, phòng chống HIV/AIDS…

Công tác khám chữa bệnh cho người dân luôn được các cán bộ ngành y tận tâm thực hiện

Cùng với đó, góp phần quan trọng tác động đến ý thức phòng bệnh và nâng cao kiến thức tự chăm sóc sức khoẻ của người dân, huyện phối hợp với các đơn vị chức năng trên địa bàn tổ chức tuyên truyền các chương trình phòng chống dịch bệnh, các chiến dịch truyền thông chăm sóc sức khoẻ sinh sản, tuyên truyền, giáo dục người dân thực hiện các biện pháp vệ sinh môi trường, sử dụng nước sạch, xử lý nước, rác thải theo quy định, vệ sinh an toàn thực phẩm, dân số KHHGĐ…; triển khai các văn bản pháp luật về chăm sóc sức khoẻ nhân dân như: Luật khám chữa bệnh, Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm, Luật phòng chống nhiễm HIV/AIDS và các văn bản, quy định của pháp luật về công tác chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân. Nhờ đó, nhận thức của người dân về tiêm chủng phòng bệnh được nâng lên rõ rệt.

Hàng năm, tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi được tiêm chủng đầy đủ vắc xin phòng bệnh truyền nhiễm đạt 95%; tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng dưới 5 tuổi giảm từ 46% (năm 2002) xuống còn 20,1% (năm 2011); 11/16 xã, thị trấn trên địa bàn huyện có trạm y tế có nữ hộ sinh hoặc y tế sản nhi; 100% thôn có y tế thôn bản hoạt động. Bệnh viện huyện cùng các trạm y tế xã đã khám, điều trị những bệnh lý thông thường giải quyết được từ 70 – 80%; 100% bệnh nhân có thẻ BHYT được khám chữa bệnh tại địa phương…

Bên cạnh đó, công tác về y tế dự phòng, phòng chống dịch bệnh, các chương trình y tế quốc gia, công tác phòng, chống các bệnh xã hội luôn được huyện quan tâm thực hiện. Hoạt động tư vấn, truyền thông phòng chống HIV/AIDS, quản lý chăm sóc sức khoẻ cộng đồng cũng được huyện kết hợp với các đơn vị triển khai đồng bộ tại 16/16 xã, thị trấn. Công tác khám chữa bệnh cho đồng bào dân tộc thiểu số, người nghèo, đối tượng chính sách và trẻ em dưới 06 tuổi được huyện quan tâm triển khai thực hiện tốt.

Cùng với việc nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, cơ sở vật chất, trang thiết bị máy móc cũng được huyện quan tâm đầu tư xây dựng, đáp ứng nhu cầu phục vụ khám chữa bệnh cho nhân dân. Hiện nay, huyện có 04 trạm y tế xã đạt chuẩn quốc gia (Hà Hiệu, Bành Trạch, Thượng Giáo, Hoàng Trĩ); 05 trạm đạt chuẩn về cơ sở vật chất (Chu Hương, Mỹ Phương, Đồng Phúc, Phúc Lộc, Yến Dương).

Tại xã Hà Hiệu, là một trong 4 xã có Trạm y tế đạt chuẩn quốc gia, hiện nay nhà Trạm và các thiết bị y tế được trang cấp khá đầy đủ, đảm bảo nhu cầu chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho nhân dân. Đội ngũ nhân viên y tế được tuyển dụng đều có trình độ chuyên môn, hàng năm được bồi dưỡng nghiệp vụ đáp ứng được nhiệm vụ chăm sóc sức khoẻ nhân dân tại thôn, bản. Công tác chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho nhân dân (tập huấn, tuyên truyền nhận thức về chăm sóc sức khoẻ, sức khoẻ sinh sản, phòng và chống dịch bệnh, thăm khám và điều trị ban đầu, tiêm chủng mở rộng) được thực hiện tốt và thường xuyên, góp phần ngăn chặn được nhiều loại dịch bệnh (số rét, bệnh thường gặp ở trẻ…).

Còn với xã Mỹ Phương, tuy chưa được công nhận Trạm y tế đạt chuẩn quốc gia và là xã đặc biệt khó khăn của huyện Ba Bể, đời sống của người dân còn gặp nhiều khó khăn, trình độ dân trí không đồng đều (99% hộ dân trong xã là lao động nông nghiệp, thu nhập thấp, tỷ lệ đói nghèo cao, nhận thức của bà con trong công tác phòng và chữa bệnh còn hạn chế), tuy nhiên, với sự nỗ lực của xã cùng sự đồng tình ủng hộ của người dân, đến nay, công tác chăm sóc sức khoẻ và củng cố hoàn thiện mạng lưới cơ sở xã đã có những chuyển biến tích cực: 100% trẻ em dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ theo quy định; 100% trẻ em từ 6 – 36 tháng tuổi được uống vitamin A 2 lần/năm; 100% phụ nữ có thai được tiêm phòng uốn ván đủ liều trước khi sinh; 98% bà mẹ sinh con tại cơ sở y tế… Ngoài ra, tỷ lệ các hộ có nhà tiêu hợp vệ sinh đạt 64%, hộ gia đình sử dụng nước sạch đạt 88,8%, tỷ lệ hộ gia đình có xử lý rác thải đạt 70% (so với chuẩn đạt trạm y tế quốc gia).

 Điều đó đã cho thấy những kết quả quan trọng bước đầu trong sự nghiệp phát triển y tế của huyện, đồng thời, đây sẽ là khởi đầu thuận lợi cho quá trình hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở cũng như đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khoẻ của người dân trên địa bàn huyện Ba Bể./.

Bài trướcBa Bể chú trọng phát triển đảng viên vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Bài tiếp theoBa Bể chung tay xoa dịu nỗi đau da cam