Ba Bể chú trọng phát triển đảng viên vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Trong vài năm trở lại đây, công tác phát triển đảng ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Ba Bể đã có sự chuyển biến đáng kể; công tác xóa các thôn bản “trắng” đảng viên, tạo nguồn cán bộ lãnh đạo tại chỗ được huyện đặc biệt chú trọng.

Trước năm 1997, nhiều thôn, bản ở huyện Ba Bể còn trắng đảng viên, đặc biệt là ở các thôn bản vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Do đó, Ban Thường vụ Huyện ủy Ba Bể xác định công tác xây dựng đảng, kết nạp đảng viên ở vùng sâu, vùng xa, nơi chưa có chi bộ và đảng viên là một trong những nhiệm vụ chủ yếu nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng. Hằng năm, Huyện ủy chỉ đạo các đảng bộ trực thuộc xây dựng chương trình, kế hoạch và các giải pháp khắc phục tình trạng thôn, bản chưa có đảng viên, chưa thành lập được chi bộ. Lấy việc kết nạp đảng viên và thành lập mới chi bộ làm tiêu chí đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của tổ chức cơ sở đảng hằng năm…

 Từ những nỗ lực trên, nhiều năm trở lại đây, tỷ lệ chi bộ sinh hoạt ghép và thôn trắng đảng viên ở Ba Bể đã có nhiều chuyển biến tích cực. Hằng năm, Ban Tổ chức Huyện ủy phối hợp với Trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện mở các lớp bồi dưỡng cảm tình đảng ngay tại trung tâm các xã. Nhờ vậy, số lượng đảng viên được kết nạp qua các năm tăng hơn so với trước. Riêng 9 tháng đầu năm 2012, huyện kết nạp mới được 94 đảng viên, nâng tổng số đảng viên trong toàn huyện lên 3.346 người, trong đó, đảng viên là người dân tộc Mông 34 người; Dao 347 người… Bên cạnh tăng số lượng, chất lượng đảng viên cũng được nâng lên một bước; tỷ lệ đảng viên nữ, đảng viên trẻ, có trình độ năng lực, nhiệt tình tham gia phục vụ công tác xã hội tăng đáng kể so với nhiệm kỳ trước. Hầu hết đảng viên mới được kết nạp đều hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

 

 

Lớp học cảm tình đảng cho quần chúng ưu tú tại xã Phúc Lộc (Ba Bể) tập trung phần lớn ở các thôn bản đồng bào dân tộc thiểu số.

 

Đặc biệt, các đảng viên ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã gương mẫu thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, phát huy tinh thần sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, tích cực vận động nhân dân, gia đình thực hiện các chương trình phát triển kinh tế – xã hội như làm đường bê tông nông thôn, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào thâm canh tăng năng suất cây trồng, vật nuôi…

 Anh Phùng Văn Chặn- người dân tộc Dao ở thôn Cốc Diển, xã Phúc Lộc là một trong những gương lãnh đạo thôn nhiệt huyết với công tác xã hội. Không khỏi xúc động khi được chi bộ và bà con trong bản chọn cử tham gia học lớp cảm tình đảng, anh tâm sự: “Tôi rất vui mừng khi được tham gia lớp học để trở thành người đảng viên. Là một thanh niên dân tộc thiểu số, lại đang đảm nhận trách nhiệm là trưởng thôn, với một thôn còn nhiều khó khăn như hiện nay, tôi sẽ tiếp tục cố gắng phấn đấu và có trách nhiệm làm đổi mới nhận thức của bà con, đưa cuộc sống ở thôn ngày càng đi lên; nỗ lực tuyên truyền để bà con luôn thực hiện tốt chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước…”.

Tuy nhiên, qua tìm hiểu thực tế, ở một số xã vùng sâu, vùng xa như: Phúc Lộc, Bành Trạch, Cao Thượng… nhận thức về Đảng ở một bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số chưa sâu sắc. Điều này đã dẫn tới công tác phát triển đảng hằng năm ở các địa phương gặp nhiều khó khăn. Mặc dù cấp ủy đã xác định được tầm quan trọng của công tác này nhưng để tạo nguồn, để nâng cao nhận thức chính trị cho đối tượng kết nạp Đảng, nhất là đối với quần chúng là người dân tộc thiểu số ở khu vực nông thôn không hề đơn giản. Nhiều người được kết nạp vào Đảng nhưng chưa thấy hết trách nhiệm, nghĩa vụ của một người đảng viên; phần vì cuộc sống còn nhiều khó khăn thiếu thốn, họ phải bươn chải để kiếm cái ăn, không có thời gian tham gia sinh hoạt thường xuyên…

 Trong buổi tổng kết lớp học cảm tình đảng cho quần chúng ưu tú được tổ chức tại xã Phúc Lộc, một xã có nhiều đồng bào dân tộc Mông và Dao, chúng tôi đã trao đổi với đồng chí La Xuân Tiến, Bí thư Đảng ủy xã, ông cho biết: Vấn đề phát triển đảng viên ở các thôn vùng cao, vùng đồng bào Mông, Dao ở Phúc Lộc còn gặp rất nhiều khó khăn. Toàn xã có 19 thôn bản thì có 12 thôn vùng cao với 4 thôn đồng bào Mông và 8 thôn người Dao. Tính đến thời điểm hết tháng 9 năm 2012, 8 thôn đồng bào Dao và 2 thôn đồng bào Mông đều còn sinh hoạt ghép, chỉ có duy nhất 2 chi bộ của đồng bào Mông được tách riêng. Năm 2012, Phúc Lộc phấn đấu kết nạp 20 đảng viên mới, hiện nay đã kết nạp được 11 người, qua đó, địa phương đã chú trọng tập trung ưu tiên cho các thôn nói trên nhằm mục đích tách các chi bộ còn sinh hoạt ghép hiện nay, mặc dù vậy, vấn đề tìm nguồn cho việc kết nạp ở bộ phận đồng bào này vẫn còn nhiều khó khăn. Có thể đưa ra dẫn chứng như ở thôn đồng bào Mông ở Phja Khao, trưởng thôn đã được kết nạp đảng mấy năm qua nhưng đến nay thôn vẫn chưa kết nạp được thêm đảng viên nào. Bước sang năm nay, thôn đã giới thiệu được một quần chúng cho Đảng, tuy nhiên, quần chúng này lại không đủ tiêu chuẩn, trình độ theo quy định. Còn ở xã Cao Thượng, hiện nay ở các thôn đồng bào dân tộc Mông, Dao công tác phát triển đảng cũng hết sức khó khăn. Thôn Ngạm Khét chưa phát triển được đảng viên nào; thôn Khau Luông có 1 đảng viên; thôn Tọt Còn 1 đảng viên; thôn Nà Sliến cũng chỉ có 2 đảng viên…

Việc kết nạp đảng viên ở vùng sâu, vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số được coi là những hạt giống có năng lực lãnh đạo, là điểm tựa vững chắc cho sự phát triển của các thôn bản. Thời gian tới, huyện xác định sẽ tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đối với công tác phát triển đảng viên ở các thôn bản đồng bào dân tộc ít người; phát hiện những nhân tố điển hình tiên tiến để bồi dưỡng kết nạp đảng viên; củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị, tạo sức mạnh tổng hợp tổ chức thực hiện thắng lợi các Nghị quyết của Đảng.

Bài trướcNiềm vui từ những con đường 30a
Bài tiếp theoBa Bể tích cực chăm sóc sức khoẻ cho người dân và củng cố, hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở