Trước đây, việc sản xuất của nông dân trên địa bàn huyện Ba Bể chỉ mang tính chất manh mún, nhỏ lẻ, chưa khai thác triệt để được giá trị sản phẩm, nên sản lượng cũng như chất lượng cây trồng chưa cao. Trong những năm trở lại đây, nhận thức được vai trò của tiến bộ khoa học kỹ thuật đối với phát triển sản xuất nông nghiệp, huyện Ba Bể đã chú trọng áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa các giống cây, con mới vào sản xuất và đã đạt được những kết quả nhất định. Nhiều sản phẩm từ cây trồng của huyện đã có vị trí trên thị trường, chiếm được cảm tình của người dân trong và ngoài tỉnh.
Hiện nay, huyện Ba Bể đang thực hiện mô hình trồng cây chuối tây thâm canh ở xã Quảng Khê bằng việc ứng dụng các biện pháp khoa học mới |
Việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất có thể dễ nhận thấy nhất tại huyện Ba Bể hiện nay là vào mỗi vụ sản xuất, trên các cánh đồng, việc lao động bằng chân tay và sức người của bà con nông dân đã dần được thay thế cơ bản bằng những thiết bị máy móc hiện đại chạy bằng động cơ. Cùng với đó, huyện tích cực đưa các giống cây, con cho năng suất, chất lượng cao vào sản suất, đồng thời tổ chức tập huấn cung cấp những kiến thức mới cho người dân, nhằm đạt được giá trị cao nhất của sản phẩm; phối hợp với các hội, đoàn thể tổ chức chuyển giao khoa học kỹ thuật tại các điểm trình diễn và hội thảo đầu bờ cho các hộ nông dân trong vùng, từ đó trên cơ sở kết quả sản phẩm sẽ nhân rộng diện tích nhằm đem lại hiệu quả cao trên một đơn vị diện tích. Các chương trình khuyến công quốc gia cũng được huyện tích cực đẩy mạnh, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân tham gia phát triển sản xuất công nghiệp nông thôn và các dịch vụ khuyến công theo quy hoạch phát triển công nghiệp của tỉnh và địa phương; chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá, phát triển sản xuất một cách bền vững.
Từ việc chỉ sản xuất lúa một vụ, nay bà con chuyển sang sản xuất hai vụ trong năm, làm tăng diện tích lúa qua từng năm, kéo theo bình quân lương thực đầu người tăng (năm 2001 đạt 353 kg/người/năm, đến năm 2011 đạt 580 kg/người/năm và năm 2012 lên 600kg/người/năm). Đặc biệt, việc chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng có bước chuyển biến rõ rệt. Trước những năm 2000, cây ngô, lúa chủ yếu gieo trồng giống địa phương, từ năm 2006 đến nay, huyện đã cơ bản sử dụng giống lai cho năng suất cao.
Ông Nguyễn Văn Dong – Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Bể cho biết: Để nâng cao sản lượng lương thực, huyện đã đưa các giống lúa thuần vào sản xuất, thực hiện thí điểm mô hình gieo sạ nhân rộng, các chương trình khuyến nông khuyến lâm, đồng thời hướng dẫn bà con áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất, nhằm tăng số lượng và chất lượng sản phẩm.
Đầu năm 2013, huyện Ba Bể trồng thử nghiệm giống ngô nếp tím Fancy 111 trên diện tích 1ha với 21 hộ gia đình tại xã Cao Trĩ tham gia. Kết quả cho thấy, giống ngô nếp tím Fancy 111 đạt nhiều ưu điểm vượt trội hơn hẳn so với giống ngô bình thường. Mặc dù cùng thời gian sinh trưởng với giống ngô khác, nhưng giống Fancy 111 cho bắp to, cây cứng khỏe. Sản phẩm ngô không chỉ đạt về năng suất, có màu sắc đẹp mà còn có độ ngọt cao hơn so với các loại giống ngô khác, lại ít có biểu hiện sâu bệnh, dễ thích ứng với điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Nếu thực hiện đúng quy trình kỹ thuật, trên diện tích 01ha ngô sẽ cho thu nhập trên 100 triệu đồng. Từ thành công đó, huyện Ba Bể dự định sẽ tiếp tục đầu tư, hỗ trợ và mở rộng diện tích trồng giống ngô nếp tím Fancy này trong những vụ tới.
Ngoài lúa, ngô là hai cây trồng chính, các cây có giá trị kinh tế cao cũng được huyện phát triển tập trung theo vùng, tạo thành sản phẩm hàng hóa, nâng cao thu nhập cho nhân dân. Năm 2010, huyện Ba Bể đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Viện Nghiên cứu rau quả Hà Nội tập huấn kỹ thuật, cung cấp cây hồng không hạt giống cho người dân. Kết quả, mô hình đã đem lại hiệu quả kinh tế khá cao, chiếm được cảm tình của người tiêu dùng trên thị trường trong và ngoài tỉnh. Tháng 9/2010, hồng không hạt Bắc Kạn, trong đó có Ba Bể được cấp văn bằng chỉ dẫn địa lý đã khẳng định tiềm năng kinh tế của loại cây ăn quả này đối với người nông dân của huyện vùng cao Ba Bể. Trên địa bàn huyện, nhiều hộ dân đã phát triển cây hồng không hạt với quy mô trang trại như: Gia đình ông Đàm Văn Vụ (xã Hà Hiệu), gia đình ông La Dương Hoàn (xã Địa Linh), chị La Thị Nhói (xã Cao Trĩ)… với thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Hiện nay, huyện cũng đang tiếp tục có nhiều giải pháp để nhân rộng giống hồng không hạt này.
Dong riềng là một trong những cây trồng đạt hiệu quả kinh tế cao ở huyện Ba Bể (Ảnh: Người dân đang thu hoạch củ dong) |
Đặc biệt, đối với cây dong riềng, bằng việc áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật, huyện Ba Bể đã đưa cây trồng này trở thành sản phẩm hàng hóa của địa phương đem lại lợi ích kinh tế. Năm 2011, toàn huyện trồng được khoảng 300ha dong giềng, khi thu hoạch đạt năng suất cao, thu nhập hơn 100 triệu đồng/ha. Năm 2012, huyện mở rộng diện tích trồng dong giềng lên hơn 470ha, đạt 156,8% kế hoạch. Trong đó, có các xã như Yến Dương, Mỹ Phương, Phúc Lộc… dong giềng phủ kín đến tận thôn, bản với năng suất trung bình mỗi gốc đạt từ 12 – 15kg củ. Giá thu mua của các doanh nghiệp, hợp tác xã dao động từ 1.300 – 1.700đ/kg. Như vậy mỗi cây dong giềng sẽ thu về khoảng 20.000 đồng. Mỗi vụ trồng dong cho người dân thu nhập hàng chục, hàng trăm triệu đồng. Mới đây, tỉnh Bắc Kạn vừa được Cục Sở hữu trí tuệ – Bộ Khoa học và Công nghệ cấp Giấp chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho tập thể miến dong Bắc Kạn, trong đó sản phẩm miến dong của Ba Bể đã chiếm được ưu thế lớn trên địa bàn tỉnh.
Trong chăn nuôi, người dân cũng đã dần biết áp dụng khoa học kỹ thuật về giống, thức ăn, chăm sóc và tiêm phòng dịch cho đàn gia súc, gia cầm. Nhờ đó, tổng đàn gia súc, gia cầm được tăng lên từng năm cả về số lượng và chất lượng vật nuôi, đặc biệt là đàn lợn và đàn gia cầm.
Mô hình nuôi lợn Móng Cái của huyện Ba Bể nhờ tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật trong quá trình chăn nuôi nên đã cho kết quả khá cao. Tỷ lệ sống của lợn con đạt trên 90%. Hiện nay, mô hình chăn nuôi lợn nái Móng Cái sinh sản đang được huyện tiếp tục triển khai với mục tiêu giúp người chăn nuôi chủ động sản xuất con giống bảo đảm chất lượng, an toàn về dịch bệnh, giảm chi phí ban đầu mua con giống và từng bước tạo thành vùng chăn nuôi lợn nái sinh sản để chủ động cung ứng con giống cho các hộ dân chăn nuôi lợn thịt trên địa bàn huyện
Mô hình nuôi cá lồng với hình thức nuôi cá thâm canh ở môi trường nước lưu thông do dự án 3PAD (phát triển nông lâm nghiệp) huyện hỗ trợ các hộ dân kinh phí để tập huấn, mua vật liệu làm lồng cho bà con phát triển và nhân rộng cũng đã đem lại kết quả ban đầu. Hay mô hình gà an toàn sinh học được triển khai đã góp phần giúp các hộ dân và chính quyền địa phương hiểu rõ tầm quan trọng trong việc áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào chăn nuôi trong chuyển đổi cơ cấu giống vật nuôi tại địa phương, mở ra một hướng đi mới trong phát triển kinh tế, giúp bà con nông dân dần thay đổi tập quán chăn nuôi nhỏ lẻ số lượng ít, sang chăn nuôi tập trung số lượng lớn theo hướng sản xuất hàng hóa, đồng thời tạo ra những sản phẩm thịt an toàn đối với người tiêu dùng.
Không chỉ có cây hồng không hạt, cây dong riềng hay mô hình nuôi lợn, mà trong thời gian qua, nhờ được áp dụng khoa học kỹ thuật, nhiều các giống cây, con của huyện Ba Bể đã đem lại năng suất, chất lượng cao, qua đó giúp cho bà con nông dân nâng cao nhận thức, thay đổi tập quán sản xuất cũ để sản xuất theo hướng bền vững, ổn định và khoa học. Và cũng nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật, trong những năm gần đây, Ngành Nông nghiệp huyện Ba Bể đã đạt được những thành tựu đáng kể. Sản lượng lương thực của huyện Ba Bể luôn đạt và vượt chỉ tiêu. Năm 2011, tổng sản lượng lương thực có hạt của huyện đạt hơn 27.800 tấn. Năm 2012, nâng lên trên 28.200 tấn, bằng 102,86% kế hoạch, lương thực bình quân đầu người đạt 600kg/năm. Tại huyện đã hình thành một số vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, có triển vọng phát triển thành sản phẩm hàng hóa như cây cam, quýt, hồng không hạt, dong riềng…
Có thể khẳng định, thông qua việc ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp, huyện Ba Bể đã từng bước tăng năng suất vật nuôi, cây trồng, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, góp phần đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn huyện, đáp ứng lòng mong mỏi cũng như sự kỳ vọng của nhân dân trong việc xây dựng nông thôn mới ở địa phương./.