Ba Bể: Hiệu quả mang lại từ phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”

Thời gian qua, nhờ triển khai thực hiện tốt phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, nền kinh tế – xã hội của huyện Ba Bể đã có bước phát triển tích cực, góp phần củng cố mạnh mẽ khối đại đoàn kết dân tộc.

Xác định phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” là cuộc vận động sâu rộng, được triển khai liên tục và lâu dài, có tác động tích cực đến nhiều phong trào thi đua khác, là phong trào có ý nghĩa quan trọng trong hình thành và phát triển nhân cách của mỗi cá nhân, ngay từ khi thực hiện phong trào, huyện Ba Bể đã thành lập ban chỉ đạo từ cấp huyện đến các xã, thị trấn, ban hành quy chế tổ chức hoạt động và phân công cụ thể nhiệm vụ của từng thành viên ban chỉ đạo. Từ đó, ban chỉ đạo thống nhất hình thức triển khai thực hiện và phương pháp tổ chức phong trào một cách dân chủ, công khai, kịp thời nhằm mang lại hiệu quả cao.

Hàng năm, bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng và phù hợp, huyện Ba Bể phối hợp với các đơn vị, địa phương tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến về chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước, về truyền thống lịch sử cách mạng dân tộc… đến các cán bộ, đảng viên và tầng lớp nhân dân, làm nâng cao nhận thức và hành động của mỗi người, phát huy tinh thần yêu nước, tự cường dân tộc, đoàn kết, cần cù lao động, sáng tạo, vươn lên làm giàu chính đáng của người dân, từng bước xóa đói giảm nghèo, xây dựng cuộc sống ngày một tốt đẹp hơn.

Các phong trào, cuộc vận động như ‘Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”, “Ngày vì người nghèo”, “Xây dựng người tốt, việc tốt”, “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”… ngày càng được nhân rộng và đem lại hiệu quả cao, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong phong trào xây dựng đời sống văn hóa và phát triển kinh tế – xã hội địa phương. Nhiều người tốt, việc tốt, mô hình kinh tế giỏi xuất hiện và trở thành tấm gương tiêu biểu, như hộ ông Lý Văn Lược (Hà Hiệu), bà Hoàng Thị Cúc (Thượng Giáo), ông Vy Văn Hữu (Yến Dương)…. Các ngành nghề truyền thống (dệt thổ cẩm, làm mắm tép, làm hương…) được khơi dậy và phát huy. Không ít địa phương đã tổ chức triển khai có hiệu quả các mô hình phát triển kinh tế tăng thu nhập, mô hình chăn nuôi, trồng rừng, nâng cao thu nhập trên một đơn vị diện tích như xã Hà Hiệu, Mỹ Phương, Địa Linh…, góp phần làm giảm số hộ nghèo của địa phương. Cuối năm 2012 toàn huyện Ba Bể chỉ còn 26,55% hộ nghèo.

Cùng với đó, hưởng ứng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, từ những hành động cụ thể, thiết thực, lực lượng đoàn viên, thanh niên trên địa bàn huyện đã giúp đỡ các gia đình chính sách, gia đình có công với cách mạng trong cuộc sống hàng ngày như: Thu hoạch lúa, ngô; sửa chữa nhà ở, cầu, đường liên thôn; tặng quà; khám chữa bệnh miễn phí cho các đối tượng chính sách, học sinh có hoàn cảnh khó khăn…; tổ chức các hoạt động hưởng ứng phong trào phòng chống tệ nạn xã hội, tham gia cuộc thi thanh niên với cải cách hành chính, vận động thanh niên lên đường làm nghĩa vụ bảo vệ tổ quốc, tuổi trẻ học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh… từ đó giúp phát huy sức trẻ, đưa đội ngũ đoàn viên, thanh niên của huyện trở thành lực lượng xung kích trên mặt trận văn hóa.

  Nhóm tình nguyện “Vì trẻ em vùng cao” huyện Ba Bể tặng đồ dùng học tập cho các em thiếu nhi có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện

Ngoài ra, các xã, thị trấn định kỳ hàng tháng đều tổ chức sinh hoạt thôn, bản, tổ dân phố để phổ biến các văn bản pháp luật của Đảng, Nhà nước, học tập quy chế dân chủ ở cơ sở, xây dựng quy ước, hương ước thôn bản, tổ phố về việc cưới, việc tang, việc tổ chức lễ hội để mọi người dân ký cam kết; đồng thời hướng dẫn sửa đổi các nội dung quy định của hương ước, quy ước phù hợp với tiêu chí của phong trào, nhằm xây dựng nếp sống văn minh trong cộng đồng. Các danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Làng văn hóa”, “Đơn vị văn hóa” tại các địa phương đều tăng qua từng năm, tạo nên khí thế thi đua sôi nổi thúc đẩy phong trào ngày càng phát triển.

Không chỉ giúp nhau phát triển kinh tế, phát huy truyền thống uống nước nhớ nguồn, tương thân tương ái, các phong trào đền ơn đáp nghĩa, từ thiện, nhân đạo cũng được các cấp ngành quan tâm thực hiện. Cuộc vận động “Ngày vì người nghèo” của huyện từ năm 2000 đến nay đã kêu gọi quyên góp được 723.684.398 đồng. Quỹ ‘Đền ơn đáp nghĩa” (trong 15 năm) quyên góp được 375.575.300 đồng.  Từ năm 2000 đến nay, huyện đã hỗ trợ xây dựng được 85 ngôi nhà chính sách; 174 ngôi nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo với tổng số tiền 937.000.000 đồng. Hiện nay, 16/16 xã, thị trấn của huyện đã được công nhận xóa nhà tạm.

Hà Hiệu là địa phương vùng cao huyện Ba Bể, toàn xã có 621 hộ với 9,98% hộ nghèo và 4,5% hộ cận nghèo. Thực hiện phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, bà con nơi đây luôn ý thức giữ gìn và phát huy những đạo lý tốt đẹp của gia đình Việt Nam, nêu cao vai trò gương mẫu của các bậc cha, mẹ, xây dựng một gia đình hạnh phúc, hòa thuận. Nhân dân các dân tộc trong xã luôn phát huy truyền thống tinh thần yêu nước, tự cường dân tộc, cần cù lao động, phấn đấu vươn lên làm giàu chính đáng. Nhờ đó, hàng năm, tỷ lệ hộ nghèo của xã đều giảm, các tấm gương tiêu biểu xuất hiện trong phát triển kinh tế ngày càng nhiều (hộ ông Lý Văn Lược, Đàm Văn Vụ, Hoàng Văn Bích…), đưa xã trở thành 1 trong những địa phương đi đầu về phát triển kinh tế của huyện. Cuối năm 2012, toàn xã có 458 hộ gia đình đạt chuẩn văn hóa, 04 thôn đạt khu dân cư văn hóa và các cơ quan, đơn vị, trường học, trạm y tế trên địa bàn xã đều đạt chuẩn đơn vị văn hóa.

Có thể nói, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” là một hoạt động lớn, mang tính xuyên suốt và có ý nghĩa rất quan trọng trong đời sống văn hóa mỗi người, là động lực đưa các phong trào ngày một khởi sắc. Từ khi được triển khai, phong trào luôn nhân được sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền và đặc biệt là sự đồng thuận của đông đảo tầng lớp nhân dân trên địa bàn huyện Ba Bể, từng bước đi vào nền nếp, tạo động lực thúc đẩy nền kinh tế phát triển, nâng cao đời sống vật chất, góp phần giữ vững, ổn định tình hình chính trị, xã hội ở địa phương.

Bà Ma Thị Cử – Trưởng phòng Văn hóa thông tin huyện Ba Bể cho biết: Trong thời gian tới, huyện tiếp tục tập trung vào hoạt động tuyên truyền đến mọi cán bộ và người dân, trong đó thực hiện lồng ghép tại các buổi họp thôn, tổ và bằng nhiều hình thức phong phú, linh hoạt để đưa phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” của huyện ngày càng phát triển sâu rộng, trở thành hoạt động thường ngày trong xã hội./.

Bài trướcBa Bể: Tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp
Bài tiếp theoBa Bể: Tập huấn rà soát, cập nhật biến động thông tin thị trường lao động năm 2013