Ba Bể nỗ lực tạo đầu ra ổn định cho củ dong riềng

Trong thời gian trở lại đây, dong riềng đã thực sự trở thành một trong những loại cây trồng thế mạnh, giúp người dân huyện Ba Bể thoát nghèo, vươn lên phát triển kinh tế. Tuy nhiên, cũng như phần lớn các loại nông sản khác, vấn đề tìm đầu ra ổn định luôn là mối quan tâm hàng đầu của các cấp chính quyền và người dân địa phương.

Xã Mỹ Phương là địa phương đầu tiên tạo nên hương vị đặc trưng của sản phẩm miến dong huyện Ba Bể. Năm 2011, cả xã có 118,061ha đất trồng dong riềng với những cơ sở chế biến công suất nhỏ. Đến năm 2012, diện tích dong riềng của Mỹ Phương đã tăng lên hơn 120,00ha. Hiện nay, ngoài cơ sở chế biến miến dong của Công ty TNHH một thành viên Nhất Thiện có công suất chế biến khoảng 50 tấn củ/ngày, Mỹ Phương đã có thêm các cơ sở chế biến với quy mô vừa và nhỏ, công suất từ 3 – 15 tấn củ/ngày, giúp xã có đầu ra ổn định cho củ dong.

 

Công ty TNHH Hoàng Giang là cơ sở chế biến dong riềng có công suất lớn nhất hiện nay trên địa bàn huyện Ba Bể (Ảnh: Đoàn công tác của đồng chí Bí thư thăm cơ sở)

 Đối với toàn huyện Ba Bể, năm 2012, huyện nâng diện tích dong riềng lên hơn 470ha, tăng thêm 170ha so với năm 2011, năng suất ước tính 70 tấn/ha, tổng sản lượng ước đạt trên 30.000 nghìn tấn củ tươi. Để chế biến hết sản lượng này cần có các dây chuyền chế biến tinh bột với tổng công suất lớn. Nhưng với hơn 30 cơ sở chế biến nằm rải rác tại các địa phương trên địa bàn, Ba Bể hoàn toàn có thể đáp ứng được nhu cầu và có đầu ra ổn định cho củ dong riềng.

Bà Đỗ Thị Minh Hoa – Chủ tịch UBND huyện Ba Bể cho biết: Xác định dong riềng sẽ là loại cây trồng thế mạnh của tỉnh Bắc Kạn nói chung và huyện Ba Bể nói riêng, huyện đã chỉ đạo các ngành và địa phương tập trung nguồn lực, phấn đấu đưa dong riềng thành cây mũi nhọn trong phát triển kinh tế địa phương, nhất là trong việc tạo đầu ra ổn định cho loại cây trồng này. Do đó, ngoài các chính sách cho các doanh nghiệp vay vốn ưu đãi, hỗ trợ về kỹ thuật, huyện cũng đã tích cực quảng bá, giới thiệu sản phẩm miến dong ra thị trường. Đặc biệt, vừa qua, tỉnh đã xây dựng thành công nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm miến dong Bắc Kạn, đây là yếu tố quan trọng để sản phẩm miến dong Bắc Kạn có chỗ đứng trên thị trường.

Chính nhờ hiệu quả của những chính sách thu hút đầu tư bằng các nguồn vốn vay ưu đãi, sự tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp về mặt bằng xây dựng nhà xưởng, đường điện, nguồn nguyên liệu… nhiều cơ sở chế biến dong riềng đã tiếp tục được xây dựng. Trên địa bàn huyện Ba Bể, năm 2012, ngoài cơ sở chế biến của Công ty TNHH một thành viên Nhất Thiện thì các cơ sở và hộ gia đình được đầu tư xây dựng mới đã góp phần khẳng định khả năng đáp ứng được nhu cầu của vùng nguyên liệu.

Nhà máy chế biến tinh bột Miến dong Phúc Lộc của công ty TNHH Hoàng Giang là nhà máy có công suất lớn nhất hiện nay với vốn đầu tư lên đến hơn 20 tỷ đồng. Mặc dù là năm đầu tiên xây dựng đi vào hoạt động, nhưng công suất của nhà máy từ 400 – 600 tấn củ/ngày, ước tính có thể tiêu thụ hết 40% sản lượng dong riềng của cả tỉnh. Thời điểm này, đơn vị cũng đã ký hợp đồng thu mua củ dong cho người dân.

Hiện nay, bà con nông dân tại các địa phương trên địa bàn huyện Ba Bể đang tập trung thu hoạch củ dong riềng. Qua đánh giá sơ bộ cho thấy, đa số diện tích trồng dong đều sinh trưởng phát triển tốt, cho năng suất cao. Vì vậy, với sự quan tâm chỉ đạo của các cấp chính quyền và vào cuộc tích cực của các đơn vị, doanh nghiệp, người nông dân hoàn toàn có thể an tâm về đầu ra cho một vụ trồng dong riềng thắng lợi./.

Bài trướcBa Bể mùa thu hoạch trúc
Bài tiếp theoBa Bể: Phát huy vai trò hoạt động khuyến nông