Ba Bể mùa thu hoạch trúc

Trong những năm qua, trúc được coi là một trong những loại cây lâm sản đem lại hiệu quả kinh tế cho người dân huyện Ba Bể. Nhờ biết tận dụng đất rừng rộng lớn, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện đã phát triển diện tích trồng trúc và đem lại nguồn thu nhập khá cao. Thời gian này, trên địa bàn huyện, người dân đang tích cực thu hoạch cây trúc.

 

Hiện nay, người dân Ba Bể đang tích cực thu hoạch và phân loại trúc

Dọc tuyến đường tỉnh lộ 258 đoạn qua các xã Địa Linh, Yến Dương và Mỹ Phương của huyện Ba Bể, người dân hiện nay đang tấp nập thu hoạch trúc và phân loại để bán cho tư thương. Với ưu điểm là cây dễ trồng, dễ chăm sóc, không tốn nhiều công sức, không phải bỏ vốn đầu tư, đặc biệt sản phẩm thu hoạch đến đâu tiêu thụ hết đến đó. Vì vậy, phong trào trồng cây trúc ở Ba Bể thời gian qua đã phát triển khá rộng.

Hiện nay, huyện Ba Bể có trên 300ha cây trúc, tăng hơn 100ha so với năm 2011. Diện tích tập trung lớn tại các xã Địa Linh, Yến Dương và Mỹ Phương. Giá bán cây cũng ngày một cao. Ở thời điểm này, trúc có giá bán cao hơn năm trước từ 1.000 – 2.000 đồng/cây. Cây có đường kính 2cm, chiều dài hơn 2m, giá bán ra từ 3000 – 4000đồng/cây. Nhờ vậy, thu nhập từ trồng trúc đã giúp nhiều gia đình ở đây thoát nghèo và ổn định cuộc sống.

Anh Trương Văn Huyền, thôn Bản Váng 2, xã Địa Linh cho biết: Gia đình anh có 5ha cây trúc, trong đó hơn 1ha đã cho thu hoạch. Mùa thu hoạch cây trúc thường bắt đầu từ khoảng tháng 9, tháng 10 trở đi. Nhưng năm nay do trúc được giá và nhu cầu thị trường ổn định, nên đầu tháng 8 thương lái đã đặt hàng. Thương lái chủ yếu là người dân địa phương đến thu mua tận nơi nên việc bán sản phẩm của bà con rất thuận lợi. Nhờ phát triển cây trúc, kinh tế gia đình anh đã bớt khó khăn và dần ổn định.

Được biết, hiện nay thị trường chủ yếu của loại cây lâm sản này là tỉnh Bắc Ninh, nơi tập trung nhiều làng nghề chế tác đồ thủ công mỹ nghệ. Do đó, nhu cầu thị trường lớn, ổn định nên số lượng tư thương thu mua cũng nhiều lên. Người dân không gặp khó khăn về đầu ra cho cây trúc như trước đây. Trái lại, trong lúc nông nhàn, họ còn có thể tranh thủ thời gian tỉa trúc quanh năm để đem bán.

Được xem là loại cây sớm cho thu hoạch, giá cả lại ổn định. Cùng với sự đầu tư của các dự án (327, 661,147, các dự án giảm nghèo), nên bên cạnh các loại cây lâm sản như keo, mỡ, nhiều người dân trên địa bàn huyện rất tích cực trong việc trồng trúc. Những năm gần đây, huyện Ba Bể đang đầu tư thực hiện trồng thử nghiệm và nhân rộng giống trúc sào. Cây trúc sào có ưu điểm là thời gian sinh trưởng nhanh, chỉ trồng và chăm sóc khoảng 3 năm là có thể thu hoạch và tỉa thưa dần. Giống để trồng mới là các cây con tỉa từ cây mẹ ngay tại chỗ nên rất thuận tiện. Bởi vậy, trúc sào đang được coi là một trong những loại cây lâm sản mũi nhọn của địa phương, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Các cánh rừng dọc tuyến tỉnh lộ 258 huyện Ba Bể hiện nay đã được phủ kín bởi những rừng trúc khoảng từ 1 – 3 năm tuổi.

Điều này cho thấy, phát triển trúc sào ở Ba Bể đang là một hướng đi đúng. Với định hướng khuyến khích hình thành các cơ sở chế biến sản phẩm từ tre, gỗ phục vụ cho việc phát triển sản xuất nông lâm nghiệp của tỉnh, triển vọng cây trúc Ba Bể sẽ thực sự trở thành một cây thế mạnh giúp cho người dân nơi đây phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo và làm giàu bền vững .     

Hiện nay, huyện đang tập trung tuyên truyền vận động người dân mở rộng diện tích. Trong đó, đối với diện tích đã cho thu hoạch, trước mắt, huyện khuyến khích người dân tự tìm các đầu mối tiêu thụ, còn về lâu dài, huyện sẽ tìm giải pháp đầu ra và giá cả ổn định./.                                                                                            

Bài trướcKiểm tra việc triển khai thực hiện Chỉ thị 08-CT/TU tại huyện Ba Bể
Bài tiếp theoBa Bể nỗ lực tạo đầu ra ổn định cho củ dong riềng