Cùng với những kết quả đạt được trên lĩnh vực nông, lâm nghiệp của huyện nhà, hoạt động khuyến nông cơ sở huyện Ba Bể cũng đã được hình thành, phát triển và củng cố, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu Nghị quyết của địa phương, trong sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, xóa đói giảm nghèo tiến tới xây dựng nông thôn mới.
Nếu như trước đây, số lượng cán bộ khuyến nông huyện Ba Bể chủ yếu là cán bộ của phòng Nông lâm nghiệp kiêm nhiệm; các cơ chế chính sách hoạt động và cơ sở vật chất phục vụ còn khó khăn; phương pháp khuyến nông được thực hiện chủ yếu từ trên xuống, làm giảm sự sát thực trong công tác đánh giá điều kiện cũng như nhu cầu thực tế của địa phương. Đến nay, huyện thực hiện kết hợp hài hòa giữa 2 phương pháp (từ trên xuống và từ dưới lên), vừa xuất phát từ thực tế, thực trạng và nhu cầu của người dân, vừa có được những thông tin mới, làm tăng hiệu quả công tác. Đội ngũ khuyến nông cơ sở được thành lập, mở rộng làm nâng cao chất lượng hoạt động của mạng lưới khuyến nông viên các xã, thị trấn. Cán bộ có trình độ, năng lực đáp ứng được yêu cầu công việc và thực hiện có hiệu quả trong việc chuyển giao khoa học kỹ thuật đến người dân (tuyên truyền, khuyến cáo, tập huấn, xây dựng các mô hình, dự án), làm chuyển biến nhận thức của người dân trong sản xuất nông, lâm nghiệp địa phương. Đồng thời, làm thay đổi một phần nhận thức, phong tục tập quán, cơ chế chính sách, cơ cấu nông lâm nghiệp, làm tăng hiệu quả kinh tế và tiếp cận dần kinh tế thị trường của bà con địa phương. Các chương trình khuyến nông đã hỗ trợ tích cực và hiệu quả trong các chương trình phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp.
Từ việc chỉ sản xuất lúa một vụ và chủ yếu chọn giống địa phương, nay bà con chuyển sang sản xuất hai vụ trong năm, cơ cấu giống chuyển sang sử dụng giống lai cho năng suất cao, làm tăng diện tích lúa qua từng năm (hệ số sử dụng đất năm 2001 là 1,67 lần đến năm 2011 tăng lên 1,86 lần), kéo theo bình quân lương thực đầu người tăng (năm 2001 đạt 353 kg/người/năm, đến năm 2011 đạt 580 kg/người/năm). Đặc biệt là việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cơ cấu giống có bước chuyển biến rõ rệt. Trước những năm 2000, cây ngô, lúa chủ yếu gieo trồng giống địa phương, từ năm 2006 cơ bản diện tích ngô và lúa được sử dụng giống lai.
Ngoài lúa, ngô là hai cây trồng chính, các cây có giá trị kinh tế cao như đậu tương, dong riềng, dưa hấu, khoai tây hàng hoá, cây rau màu… cũng phát triển tập trung theo vùng, tạo thành sản phẩm hàng hóa, nâng cao thu nhập cho nhân dân. Diện tích cây ăn quả như hồng không hạt, cam, quýt, mận… được mở rộng, nhiều hộ gia đình đã thoát nghèo và có thu nhập cao (vài trục triệu đồng đến 100 triệu đồng/năm) từ vườn cây ăn quả.
Trong chăn nuôi, người dân biết áp dụng khoa học kỹ thuật về giống, thức ăn, chăm sóc và tiêm phòng dịch cho đàn gia súc, gia cầm. Tổng đàn gia súc gia cầm được tăng lên từng năm cả về số lượng và chất lượng vật nuôi, đặc biệt là đàn lợn và đàn gia cầm.
Được hưởng lợi từ các nguồn vốn đầu tư của các dự án nước ngoài, các chương trình dự án như 134, 135, 30a, PAM, 661… cũng góp phần thúc đẩy sự phát triển của sản xuất nông lâm nghiệp địa phương, đặc biệt là trong công tác phát triển rừng. Từ chỗ còn phát rừng làm nương rẫy, đến nay người dân đã thấy được hiệu quả của việc phát triển trồng rừng, chăm sóc, khoanh nuôi bảo vệ rừng, góp phần nâng độ che phủ rừng tăng lên rõ rệt. Năm 2001, độ che phủ rừng đạt 47%, đến năm 2011 nâng lên 57%.
Cùng với đó, hoạt động khuyến nông cũng đã tác động không nhỏ đến phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, từng bước đưa sản xuất nông nghiệp mang tính tự cung tự cấp là chủ yếu chuyển sang sản xuất theo hướng hàng hóa với các sản phẩm chính như: Ngô, thóc, đậu tương, hồng không hạt, chè, dong riềng…
Ngoài ra, Ba Bể là huyện nghèo, được hưởng các cơ chế chính sách đặc thù từ các chương trình hỗ trợ. Trong những năm qua, từ nguồn vốn của chương trình khuyến nông và các chương trình dự án khác trên địa bàn, huyện đã tổ chức được nhiều lớp tập huấn, đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Qua đó, dần nâng cao kiến thức kỹ thuật cho người dân trong sản xuất nông lâm nghiệp. Nhiều lớp tập huấn (đào tạo) đã đem lại hiệu quả kinh tế thực sự, như: Chăn nuôi lợn nái (Địa Linh, Hà Hiệu); trồng nấm sò; khoai tây vụ đông; thâm canh cây lúa, ngô lai…
Với những bước chuyển biến tích cực trong sản xuất nông nghiệp giúp cuộc sống của người dân Ba Bể ngày được cải thiện và nâng cao; tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn giảm dần; an ninh lương thực được đảm bảo; đàn gia súc, gia cầm được duy trì và phát triển mạnh; nhiều loại cây trồng đã trở thành thế mạnh của địa phương (cây hồng không hạt, cây dong riềng). Hoạt động khuyến nông huyện Ba Bể đã và đang phát huy vai trò tích cực, là cầu nối cho sự phát triển nông, lâm nghiệp huyện nhà./.