Gia đình chị Nguyễn Thị Dung – Thôn Nà Dụ, xã Bành Trạch trong năm 2013 đã mạnh dạn chuyển đổi trên 2.000m2 diện tích đất đất soi bãi sang trồng dong riềng, cho sản lượng hơn 14 tấn dong củ. Tuy nhiên do giá thấp và không tiêu thụ được nên hiện nay gia đình chị vẫn còn tồn 7 tấn củ dong. Chị Dung cho biết không chỉ gia đình chị mà nhiều hộ trong thôn đào dong lên nhưng không bán được. Trò chuyện với chúng tôi Chị Dung buồn rầu nói: Năm 2013, gia đình tôi trồng được 2.000m2 dong, sản lượng thu được hơn 14 tấn nhưng mới bán được 7 tấn, hiện nay con hơn 7 tấn nữa chưa bán được. Năm nay gia đình tôi không trồng nữa vì sợ không bán được, tôi sẽ chuyển số diệnt ích trồng dong này sang để trồng sắn và ngô”.
Một số củ dong năm 2013 của người dân đã thu hoạch nhưng chưa tiêu thụ được |
Mặc dù diện tích dong riềng năm 2013 của xã Mỹ Phương cơ bản đã thu hoạch và tiêu thụ hết. Thế nhưng, theo tính toán của các hộ trồng dong, giá thu mua củ dong quá thấp, không bõ ngày công lao động nên vụ dong riềng năm nay tuy xã được huyện giao trồng mới 110 ha nhưng qua thực tế triển khai, đến nay diện tích trồng đạt rất thấp, khó thực hiện đạt chỉ tiêu do huyện giao. Trao đổi với PV xung quanh vấn đề này, Ông Sằm Văn Kinh – Bí thư, Chủ tịch UBND xã Mỹ Phương cho biết: Năm 2014 xã Mỹ Phương được UBND huyện giao chỉ tiêu trồng mới 110ha, sau khi nhận chỉ tiêu giao chúng tôi đã tổ chức phân bổ chỉ tiêu cho các thôn và tổ chức ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với cơ sở miến dong Nhất Thiện với giá 1.200đ/kg tại mặt đường tỉnh lộ 258. Năm 2013 tuy số dong củ của xã Mỹ Phương cơ bản tiêu thụ hết nhưng giá cả quá thấp, nên năm nay sau khi tuyên truyền vận động nhưng đến nay mới đăng ký được hơn 18ha. Đây là một trong những khó khăn trong công tác điều hành thực hiện chỉ tiêu pháp lệnh nhà nước. Hiện nay chúng tôi vẫn tiếp tục vận động nhân dân trồng nhưng kết quả có lẽ khó đạt được chỉ tiêu 110ha trong năm 2014 theo kế hoạch”.
Theo thống kê của Phòng NN&PTNT huyện Ba Bể, diện tích mà người dân đăng ký trồng dong riềng trong năm 2014 chỉ là 139 ha và thực tế trồng đến nay mới được 86ha. Lý giải nguyên nhân của vấn đề Bà Đặng Thị Anh Thơ – Trưởng Phòng NN&PTNT cho biết: Một trong những vấn đề khó khăn cho việc triển khai kế hoạch trồng dong năm 2014 là diện tích dong riềng trồng năm 2013 hiện nay bà con vẫn chưa tiêu thụ được hết và giá cả của năm 2013 cũng rất thấp so với công lao động của bà con bỏ ra cũng như giá của năm 2012 mà bà con đã bán được trên thị trường. Trước thực tế khó khăn tiêu thụ sản phẩm dong riềng năm 2013 đã ảnh hưởng đến việc triển khai kế hoạch năm 2014. Với chức năng chuyên môn Phòng NN&PTNT sẽ tham mưu cho TT UBND huyện cũng như hướng dẫn chỉ đạo các xã tăng cường công tác tuyên truyền, vận động bà con tận dụng những diện tích đất bãi, đất vườn thuận lợi cho việc vận chuyển để mở rộng diện tích trồng dong riềng trong những vùng đã giao kế hoạch cũng như trong những vùng đã quy hoạch”.
Trước thực tế trên, trong thời gian vừa qua, UBND huyện Ba Bể đã tích cực chỉ đạo và có những giải pháp cụ thể nhằm khuyến khích bà con nông dân trồng đạt số diện tích theo kế hoạch giao của UBND tỉnh. Cụ thể: UBND huyện đã chỉ đạo và giao nhiệm vụ cho cơ quan chuyên môn và Công ty TNHH Hoàng Giang, Cơ sở chế biến Miến dong Nhất Thiện phối hợp với UBND các xã thống nhất thực hiện việc ký kết hợp đồng bao tiêu, thu mua củ dong cho bà con nông dân, với mức giá sàn là 1.200đồng/kg, trường hợp giá thị trường biến động lên thì cơ sở sẽ mua lên, giá thị trường thấp hơn 1.200đồng/kg thì cơ sở vẫn mua đúng giá đã ký kết, điểm khác nữa là năm nay thay vì trồng đại trà, dàn trải diện tích dong riềng ra tất cả các xã thì huyện Ba Bể đã chủ động quy hoạch và chỉ trồng ở những xã có điều kiện phù hợp và gắn với việc phát triển vùng nguyên liệu bền vững.
Các cơ chế, chính sách liên quan đến công tác trồng, sản xuất, chế biến củ dong trên địa bàn huyện Ba Bể trong năm 2014 đã rõ, vấn đề là người dân có tiếp tục trồng cây dong riềng hay không, thật khó để có câu trả lời chính xác./.