Ba Bể khó khăn tiêu thụ Bí xanh thơm

Bí xanh thơm được người dân huyện Ba Bể trồng nhiều năm nay, là loại cây chuyển dịch cơ cấu cây trồng, phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu địa phương, cho năng suất cao, có hương thơm đặc trưng, chất lượng tốt. Đây là loại cây trồng được đánh giá là góp phần không nhỏ vào công tác xóa đói giảm nghèo ở địa phương tuy nhiên hiện nay loại nông sản này đang gặp nhiều khó khăn về đầu ra./.

Là một trong những hộ có kinh nghiệm trồng Bí xanh thơm  ở xã Địa Linh huyện Ba Bể, năm nay gia đình ông Dương Văn Biên ở thôn Nà Đúc tiếp tục duy trì trồng 2000m2 Bí thơm. Nhờ có kinh nghiệm trong trồng chăm sóc Bí thơm nên năm nay gia đình ông đã thu hoạch trên 12 tấn Bí quả. Tuy nhiên ông Biên cho biết giá Bí xanh thơm năm nay rất thấp và khó khăn trong tiêu thụ. Vào thời điểm này năm ngoái, bí xanh đã bán gần hết nhưng năm nay dù bán giá chỉ từ 4000 – 6000 đồng 1 kg nhưng cũng không có người mua, trong nhà ông hiện  vẫn còn trên 2 tấn chưa bán được.

 Bí xanh chủ yếu bán ven đường với số lượng nhỏ

  Tổ hợp tác Bí xanh thơm xã Địa Linh hiện có 35 thành viên, trung bình mỗi hộ trồng 2000 m2 thì vụ Bí xanh năm nay thu về khoảng gần 200 tấn quả.  Bà Vi Thị Lọc – Tổ trưởng Tổ hợp tác Bí xanh thơm Địa Linh chia sẻ:Từ đầu vụ đến nay, hầu như không có các tư thương đến thu đến nay hầu như gia đình nào cũng còn từ 3 – 5 tấn Bí không có nơi tiêu thụ.

 Các hộ dân Tổ hợp tác Bí xanh thơm Địa  Linh chật vật vì không có nơi tiêu thụ quả Bí xanh

       Bà Ma Thị Ninh – Giám đốc HTX Yến Dương huyện Ba Bể cho biết: HTX Yến Dương được thành lập từ tháng 6 năm 2018 từ sự chuyển tiếp của Tổ hợp tác sản xuất chế biến và tiêu thụ nông sản Yến Dương với các hoạt động sản xuất. chế biến rau củ quả và dịch vụ sau thu hoạch. Thời điểm này, HTX cũng đang tích cực hỗ trợ các thành viên và các hộ trồng Bí xanh tìm đầu ra. Hiện HTX cũng đã thu mua trên 20 tấn Bí xanh thơm cho các thành viên và bà con trong xã tuy nhiên vấn đề liên kết tìm nơi tiêu thụ  của HTX này cũng đang gặp nhiều khó khăn.

         Năm nay huyện Ba Bể trồng 40ha bí xanh thơm, tăng hơn 10ha so với năm 2017. Và được trồng chủ yếu ở các xã Yến Dương, Địa Linh, Hà Hiệu, Cao Trĩ. Theo người dân cho biết, những năm trước, toàn huyện trồng khoảng hơn 20 ha thì không đủ cung cấp cho thị trường, hai năm trở lại đây diện tích tăng lên thì việc tiêu thụ đã trở nên khó khăn. Bên cạnh đó, nhiều địa phương lân cận cũng đã đến mua giống để phát triển loại cây trồng này nên nhu cầu thị trường dần thu hẹp. Để góp phần tiêu thụ sản phẩm cho nông dân, thời gian vừa qua huyện Ba Bể đã đưa bí thơm xuống các tỉnh Thái Nguyên, Hà Nội giới thiệu, mời gọi doanh nghiệp liên kết với nông dân trồng, tiêu thụ sản phẩm tuy nhiên, sản lượng tiêu thụ cũng chưa nhiều. Theo kinh nghiệm của người dân, quả Bí xanh thơm nếu được bảo quản tốt trong điều kiện thoáng mát sẽ để tối đa 4 tháng, nếu điều kiện bảo quản ẩm thấp thì cũng chỉ để được 2 tháng vì vậy sản lượng Bí xanh hiện tồn đọng đang là nỗi lo lắng của người dân Ba Bể khi mà bài toán đầu ra cho nông sản chưa có lời giải!

Bài trướcChuyển biến tích cực từ các điểm Bưu điện văn hóa xã đa dịch vụ ở Ba Bể
Bài tiếp theoQUYẾT ĐỊNH Về việc ban hành Nội quy tiếp công dân tại Trụ sở Tiếp công dân huyện Ba Bể