Chuyển biến tích cực từ các điểm Bưu điện văn hóa xã đa dịch vụ ở Ba Bể

Sau một thời gian dài hoạt động cầm chừng không phát huy hiệu quả, đến nay từ sự đổi mới nâng cao chất lượng hoạt động theo hướng đa dịch vụ, các các điểm bưu điện văn hóa xã ở huyện Ba Bể đã trở thành thiết chế văn hóa thân thiện ở nông thôn, mang lại nhiều tiện ích cho người dân, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số. /.

Chúng tôi đến điểm Bưu điện văn hóa xã Cao Trĩ đúng vào đợt chi trả trợ cấp bảo trợ xã hội, lượng khách đến đông khiến anh Ma Thế Bình , nhân viên bưu điện ở đây không ngớt việc. Bên cạnh thực hiện chi trả trợ cấp cho các đối tượng, anh còn bận rộn với việc nhận, trả hàng, bưu phẩm, bưu kiện. Từ khi hoạt động theo hướng đa dịch vụ, tất cả các dịch vụ đều được thực hiện ở bưu điện như: Chi trả lương hưu, chi trả trợ cấp xã hội, thu tiền điện, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm ô tô, xe máy, dịch vụ bán hàng tiêu dùng… Công việc bận rộn hơn trước, người dân biết đến bưu điện nhiều hơn và các dịch vụ được triển khai cũng thu hút khách khai thác, sử dụng. Anh Bình cho biết trung bình mỗi tháng, điểm bưu điện Cao Trĩ do anh phụ trách tiếp đón khoảng trên 50 lượt người đến giao dịch. Vì thế, thu nhập và các chế độ phụ cấp của anh cũng khá ổn định từ 4 – 5 triệu đồng/ tháng.

 Bưu điện văn hóa xã Cao Trĩ cũng là nơi cung cấp các sản phẩm tiêu dùng an toàn cho người dân nông thôn.

 Đến nay, huyện Ba Bể có 11 điểm bưu điện văn hóa xã hoạt động theo mô hình đa dịch vụ. Các điểm bưu điện văn hóa xã đều mới được đầu tư cải tạo lại, có không gian rộng rãi, khang trang được đầu tư trang thiết bị theo đúng tiêu chuẩn của Tổng công ty: Bảng hiệu nhận diện, bàn quầy, máy tính, máy in, máy scan, kệ bán hàng thu hút đông người dân đến giao dịch. Các điểm bưu điện văn hóa vừa duy trì các dịch vụ bưu chính truyền thống và  còn tham gia vào các dịch vụ hành chính công như: chi trả lương hưu, trợ cấp, tiếp nhận, chuyển phát hồ sơ cấp đổi giấy phép lái xe, hồ sơ bảo hiểm xã hội, đặc biệt là các dịch vụ bán lẻ hàng tiêu dùng về nông thôn với mô hình chuỗi cửa hàng bán lẻ Post Mart…  Việc chuyển đổi  hoạt động theo mô hình đa dịch vụ đã hoàn toàn thay đổi bộ mặt của ngành Bưu điện tại các địa bàn xã, được sự đồng tình và đánh giá cao của chính quyền các cấp. Sau 2 năm triển khai mô hình bưu điện văn hóa xã đa dịch vụ, hầu hết các điểm bưu điện văn hóa xã đa dịch vụ ở Ba Bể đều hoạt động hiệu quả, doanh thu tăng trưởng mạnh qua các năm; thu nhập của nhân viên bưu điện văn hóa xã không ngừng được nâng cao. Ông Hoàng Văn Nghị – Giám đốc Bưu điện huyện Ba Bể cho biết: Năm 2017, tổng doanh thu các điểm bưu điện văn hóa xã đa dịch vụ đạt trên 2,5 tỷ đồng; Thu nhập trung bình của nhân viên bưu điện văn hóa xã  đạt từ  4 -7  triệu đồng/ tháng. Mô hình bưu điện văn hóa xã đa dịch vụ đã chấm dứt tình trạng trì trệ kéo dài của mô hình bưu điện văn hóa xã truyền thống, đưa bưu điện văn hóa xã phát triển lên một tầm cao mới. 

Việc phát triển mạng lưới bưu điện văn hóa xã đa dịch vụ hoạt động đa nhiệm gắn kết chuyên môn với dịch vụ hành chính công đã góp phần thu hút và kết nối nhân dân tại điểm sinh hoạt cộng đồng cũng như cung cấp hiệu quả những sản phẩm văn hóa cho người dân đặc biệt ở những vùng sâu vùng xa có đông đồng bào dân tộc thiểu số như Ba Bể đồng thời mang lại ý nghĩa thiết thực, trở thành “cánh tay nối dài”, góp phần cải cách thủ tục hành chính và cải thiện hình ảnh của chính quyền các cấp trong phục vụ nhân dân.

Bài trướcBa Bể: Khai mạc Lớp Bồi dưỡng kiến thức quốc phòng – an ninh đối tượng 4 năm 2018
Bài tiếp theoBa Bể khó khăn tiêu thụ Bí xanh thơm