Hiện nay, huyện Ba Bể có khoảng 4.500 hộ nghèo. Mặc dù, các hộ đều có ruộng và đất rừng để sản xuất nông, lâm nghiệp, được hưởng các chương trình đầu tư của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo, nhưng so với tình hình thực tế của địa phương, nhìn chung, đời sống của các hộ nghèo còn gặp rất nhiều khó khăn, nhất là các hộ nghèo vùng sâu, vùng cao, giao thông đi lại khó khăn, ít được tiếp cận với các thông tin về phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, đặc biệt là thiếu kiến thức phát triển kinh tế nên hiệu quả sản xuất đạt thấp. Điều đó, đã ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển kinh tế- xã hội tại địa phương, nhất là việc triển khai các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đối với hộ nghèo vùng sâu, vùng cao.
Theo chuẩn nghèo quy định tại Quyết định số 30/2007/QĐ-TTg ngày 05/3/2007 của Thủ tướng Chính phủ, năm 2010, toàn huyện Ba Bể có 17.193 khẩu nghèo vùng khó khăn, huyện thực hiện hỗ trợ theo Quyết định 102/2009/QĐ-TTg với tổng kinh phí là 1.639.760.000 đồng. Năm 2011, chính sách hỗ trợ cho người nghèo vùng khó khăn được thực hiện cho 20.814 khẩu với tổng số tiền là 1.990.740.000 đồng. Năm 2012, huyện hỗ trợ cho 13.667 khẩu với 1.321.300.000 đồng, hiện nay còn 17 khẩu bổ sung, các xã đang thực hiện rút kinh phí.
Việc hỗ trợ được thực hiện theo nguyên tắc đúng đối tượng, kịp thời, công khai, dân chủ, khách quan và có hiệu quả thiết thực. Huyện thực hiện bằng phương pháp cấp phát trực tiếp tiền mặt cho các hộ nghèo và việc công khai chính sách được thực hiện thông qua công tác tuyên truyền, phổ biến các chế độ chính sách và niêm yết danh sách hộ nghèo tại nhà họp thôn, trụ sở xã để nhân dân giám sát quá trình triển khai thực hiện chính sách.
Quyết định 102/2009/QĐ-TTg đi vào cuộc sống đã góp phần thay đổi đời sống của bà con nghèo vùng khó khăn trong huyện, thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, giúp cho người dân có điều kiện đầu tư giống cây trồng, vật nuôi để sản xuất cải thiện đời sống, vươn lên thoát nghèo.
Từ việc hỗ trợ này, không những đời sống bớt khó khăn, mà thông qua đó người dân đã sản xuất được những giống cây trồng, vật nuôi có chất lượng cao. Đồng thời, người dân đã tự biết nâng cao năng suất, chất lượng nông sản, từng bước tiếp cận với sản xuất hàng hoá và đây cũng chính là một trong những giải pháp để thực hiện có hiệu quả các chính sách giảm nghèo nói chung của huyện./.