Tại huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn, mỗi khi nhắc đến nghệ nhân Mã Trung Trực (Thôn Bản Hon, xã Bành Trạch, huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn). Người dân nơi đây lại bày tỏ sự ngưỡng mộ, trân quý. Đến với hát Then, đàn Tính bằng niềm đam mê, đeo đuổi nghề bằng sự nhiệt huyết, nỗ lực bền bỉ, nghệ nhân đã trở thành “ngôi sao sáng” trong hoạt động bảo tồn nét đẹp văn hóa của người Tày, góp phần nhân lên giá trị của di sản văn hóa phi vật thể.
Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất có bề dày truyền thống văn hóa, ngay từ nhỏ, anh Trực đã được nghe những làn điệu Then mang đậm “hơi thở” cuộc sống núi rừng. Với cậu bé Trung Trực khi ấy, ca từ của hát Then vừa xúc động, ý nghĩa, lại ẩn chứa bao điều thú vị. Những câu hát giải hạn, cầu phúc, cầu lộc, chào đón năm mới… cứ thế theo nghệ nhân Mã Trung Trực lớn lên.
Đến năm 14, 15 tuổi, anh Trực bắt đầu tham gia các hội diễn nghệ thuật của huyện, tỉnh. Những lần biểu diễn hát Then trước hàng chục, hàng trăm người đã giúp nghệ nhân Mã Trung Trực rèn luyện sự tự tin, chất giọng ngày một ấm áp, những ngón đàn ngày càng mượt mà, điêu luyện.
Thấy tôi tò mò về điệu hát, anh Trực lấy chiếc đàn Tính ở gần đó, vừa gảy đàn, vừa cất giọng: “Thương điếp căn mạy khôm cụng van ơi/Lồng sức lèng hưa căn hắp ta khuối/Ngoác nà mà bản lán nặm kheo râu/Khẩu bắp mà têm cài têm các lô/Khắp bản Mường chin ím nùng đo…” (Mình yêu nhau cây đắng cũng ngọt/Cùng đồng sức đắp suối đắp mương/Để dẫn nước về đồng về ruộng/Lúa ngô sẽ chất đầy nhà/Khắp bản mình ăn no mặc ấm…).
Nghệ nhân Mã Trung Trực trong trang phục Tày và cây đàn tính ( Ảnh: NVCC)
Dừng lời, anh Trực cho biết, hát Then bắt buộc phải đi đôi với đàn Tính. Trong huyện Ba Bể, anh Trực là một trong số ít những người biết chế tác đàn Tính. Nghệ nhân Mã Trung Trực cho biết thêm, ban đầu anh làm đàn vì đam mê. Sau thấy nhu cầu sử dụng đàn Tính ngày một nhiều, anh Trực bắt đầu mở rộng sản xuất.
Làm đàn Tính đòi hỏi sự khéo léo, tỉ mỉ trong từng công đoạn. Bầu đàn được làm từ quả bầu già, cần đàn làm bằng gỗ Thừng mực… Thời gian làm đàn, nếu làm thủ công sẽ mất khoảng 1 tuần. Tùy vào nguyên liệu, họa tiết mà giá đàn sẽ dao động từ 1.200.000-5.000.000 đồng. “Muốn làm một cây đàn Tính thành công không hề đơn giản. Làm thành hình thù một cây đàn thì ai cũng có thể làm được. Nhưng phần âm thanh của đàn có tốt hay không, lại phụ thuộc rất nhiều vào khả năng cảm thụ âm nhạc của mỗi người. Nhiều khi đã hoàn thành xong rồi, nhưng đàn lên không hay, tôi lại phải tháo ra sửa lại”, nghệ nhân Mã Trung Trực cho hay.
Vừa mân mê cây đàn Tính trên tay, anh Trực vừa tâm sự, năm 2011-2013, anh công tác tại Trung tâm Văn hóa tỉnh Bắc Kạn, nhưng vì “duyên nợ” với hát Then quá lớn, nên anh đã nghỉ làm để dành trọn thời gian cho việc ca hát.
Nhận thấy hát Then, đàn Tính đang dần mai một, nghệ nhân Mã Trung Trực đã có nhiều hoạt động nhằm bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, thông qua việc giảng dạy hát Then trong các trường học tại xã Bành Trạch và các xã lân cận. Vào dịp hè, anh còn mở lớp dạy hát Then, đàn Tính cho các em nhỏ có nhu cầu học.
Ngoài ra, nhằm tập hợp những người đam mê hát Then, đàn Tính, t7/2016, “Câu lạc bộ hát Then, đàn Tính Trung Trực” đã được thành lập, quy tụ nhiều thành viên. “Trong câu lạc bộ, mọi người trao đổi, học hỏi lẫn nhau, cùng nhau cố gắng để giữ lại những giá trị văn hóa của dân tộc mình”, nghệ nhân Mã Trung Trực cho biết.
Câu lạc bộ hát then, đàn tính Trung Trực lan tỏa tình yêu hát Then đến với mọi người ( Ảnh: NVCC)
Anh Nông Văn Hoàn, thành viên của “Câu lạc bộ hát Then, đàn Tính Trung Trực” chia sẻ: “Chú Trực truyền dạy hát Then rất kỹ lưỡng, tỉ mỉ. Chú Trực nói riêng, những thành viên trong nhóm nói chung luôn mong muốn có thể lan tỏa tình yêu hát Then đến với mọi người, để hát Then không bị mai một”.
Phải yêu nghề, kính nghiệp, nghiêm túc theo đuổi đam mê, phương châm ấy đã theo nghệ nhân Mã Trung Trực gần 30 năm qua, giúp anh gặt hái được nhiều “trái ngọt” như Giải B Liên hoan Tiếng hát dân ca Việt Nam (2009); Giải B Liên hoan Tuyên truyền lưu động và Triển lãm tỉnh Bắc Kạn (2010); Giải A Liên hoan Nghệ thuật hát Then, đàn Tính toàn quốc lần thứ IV Lạng Sơn (2012)… Mới đây nhất là Huy chương Vàng với tiết mục “Ơn Đảng, đi theo Đảng” trong Hội thi Tuyên truyền về Bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Mỗi ngày một chút, chắt chiu kinh nghiệm, vốn sống và sự đam mê, nghệ nhân Mã Trung Trực đã đưa hát Then đến gần hơn với công chúng.
Dù đã có những “hào quang”, được đánh giá là sở hữu giọng hát mượt mà, trầm ấm hiếm thấy, song trong quá trình trò chuyện cùng chúng tôi, anh Trực vẫn khiêm tốn, chỉ nhận mình là “người có đam mê với Then”. Anh luôn thúc giục bản thân phải không ngừng học hỏi, tìm hiểu về hát Then để xứng đáng với danh hiệu “Nghệ nhân”. Trước thực trạng hát Then không còn được nhiều người biết tới, nghệ nhân Mã Trung Trực bày tỏ quan điểm: “Tôi hy vọng chính quyền địa phương sẽ xây dựng, tạo những điều kiện tốt nhất để các câu lạc bộ hát Then phát triển. Câu lạc bộ sẽ là nơi lưu giữ những làn điệu Then cổ, để những lời Then mãi song hành cùng đời sống người Tày”.
Tác giả: CTV Nông Tịnh
Nguồn tin: Trung tâm VHTT&TT