Phong trào hiến đất làm đường ở Lủng Mình

Lủng Mình là thôn vùng cao của xã Đồng Phúc, nơi sinh sống của 40 hộ đồng bào Dao. Mặc dù còn nhiều khó khăn, song hưởng ứng phong trào chung tay xây dựng nông thôn mới, người dân nơi đây luôn có tinh thần đoàn kết, sẵn sàng hiến đất, góp tiền, góp công, cùng chính quyền địa phương để mở đường lên thôn.

Ngay sau khi cấp ủy, chính quyền địa phương có chủ trương xây dựng, bê tông hóa tuyến đường từ nguồn vốn chương trình nông thôn mới, 135, xã Đồng Phúc, huyện Ba Bể đã khai phá mở tuyến đường lên thôn. Gia đình ông Triệu Khải Sinh, thôn Lủng Mình là một trong những hộ đầu tiên của thôn đồng ý hiến hơn 500m2 đất để làm đường nông thôn, không những vậy ông Sinh còn trực tiếp vận động các hộ dân có đất dọc tuyến đường liên thôn hiến tặng để con đường được thẳng và rộng rãi sạch sẽ, người dân đi lại thuận tiện. Ông Triệu Khải Sinh, người dân thôn Lủng Mình, xã Đồng Phúc chia sẻ: Được Chi bộ Đảng, chính quyền địa phương tuyên truyền vận động các hộ gia đình hiến đất, gia đình tôi và mọi gia đình khác cũng hiến rất nhiều đất để tạo điều kiện thuận lợi cho công trình thi công, hoàn thành thời gian ngắn nhất.

Ảnh: Ông Triệu Khải Sinh, Thôn Lủng Mình trao đổi với Phó chủ tịch UBND xã Đồng Phúc về thực hiện tuyên truyền vận động người dân trong thôn hiến đất làm đường nông thôn mới.

Lủng Mình là thôn vùng cao của 40 hộ dân dân tộc Dao sinh sống với 171 nhân khẩu, đường xá đi lại khó khăn, thôn cách trung tâm xã hơn 4km, đời sống người dân chủ yếu dựa vào trồng trọt, chăn nuôi gia súc gia cầm là chính, trình độ dân trí thấp, tỷ lệ hộ nghèo còn cao. Mấy năm gần đây, cùng với sự đầu tư hỗ trợ từ các chương trình như: 135, 30a, 3Pad đến nay người dân trong thôn đã có điện lưới quốc gia, nước sinh hoạt tập trung và nhiều hộ dân cũng đã mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế xóa đói giảm nghèo. Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, Ban công tác Mặt trận và các đoàn thể thôn đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người tham gia hiến đất, góp công, góp tiền làm đường giao thông nông thôn. Những năm về trước đường vào thôn vô cùng gian nan, là đường mòn toàn đá hộc, nhiều tảng đá to nằm chắn ngang đường, khiến đường lên thôn chỉ vừa người đi bộ, việc vận chuyển hàng hóa bằng xe máy và phương tiện khác là điều vô cùng khó khăn. Nhận thấy việc mở đường và vô cùng quan trọng, giúp người dân đi lại thuận tiện hơn, Ban Mặt trận thôn đã vận động bà con đóng góp tiền, huy động quỹ của thôn được tổng số tiền 40 triệu đồng để thuê máy xúc san gạt mở đường vào thôn. Nhiều đoạn đường đi qua phần đất của thôn bên cạnh, bà con cũng bàn bạc, thống nhất đóng góp tiền để mua đất mở rộng đường. Đến nay tuyến đường dài hơn 4 km từ thôn Nà Thẩu lên đến thôn Lủng Mình đã được bê tông hóa. Đồng chí Triệu Xuân Phương, Trưởng thôn Lủng Mình, xã Đồng Phúc chia sẻ: Những buổi họp thôn tuyên truyền cho bà con nắm để biết, cùng với mặt trận các đoàn thể cùng nhau tuyên truyền để hoàn thành đường nông thôn mới, vì từ xưa đến nay đường chưa có bê tông hóa, cho nên bà con nhất trí và ủng hộ rất cao.

Ảnh: Ông Triệu Xuân Phương, Trưởng thôn Lủng mình trao đổi với đồng chí Phó chủ tịch UBND xã Đồng Phúc công tác tuyên truyền vận động người dân làm đường nông thôn mới.

Có thể dễ dàng nhận thấy phong trào hiến đất làm đường xây dựng nông thôn mới ở xã Đồng Phúc đã và đang được phát triển rộng khắp thu hút đông đảo người dân tham gia. Để đạt được điều đó, chính quyền địa phương đã phát động tốt vai trò tiên phong, đầu tầu gương mẫu của đội ngũ cán bộ đảng viên, người có uy tín trong các thôn bản. Đồng chí Hoàng Văn Quỳnh – Phó Chủ tịch UBND xã Đồng Phúc cho biết thêm: Vai trò của Ban công tác Mặt trận của các thôn vùng cao có ý nghĩa rất to lớn trong công cuộc vận động, tuyên truyền cho bà con, đặc biệt là khâu giải phóng mặt bằng. Thì nhà nước mới có thể đầu tư nguồn vốn như xi măng, cát sỏi để đổ giải, tạo được mặt bằng như các thôn Tẩn Lùng, Lủng Mình, Nà Phạ, Khưa Quang, quá trình thực hiện chính quyền địa phương đã chỉ đạo rất quyết liệt, sát sao.

Với sự đồng lòng, đồng thuận của chính quyền và Nhân dân đến nay Đồng Phúc có 5 thôn vùng cao đã có đường giao thông đạt chuẩn nông thôn mới, để đạt được những kết quả to lớn, đây cũng sẽ là bài học kinh nghiệm quý báu cho các địa phương khác học tập, trên cơ sở có giao thông thuận lợi, xã mới có điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, là hướng xây dựng các tiêu chí của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tại địa phương./.

Hoàng Chúc

Bài trướcTHÔNG BÁO TIẾP NHẬN VIÊN CHỨC VỀ CÔNG TÁC TẠI CÁC ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP HUYỆN BA BỂ
Bài tiếp theoPhó Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra tiến độ xây dựng nông thôn mới tại huyện