Trên cánh đồng thôn Nà Đúc 1 xã Địa Linh, tranh thủ thời tiết nắng ấm, 2 mẹ con bà Bế Thị Nhượng đang tập trung bón phân vun gốc cho 1000 m2 ruộng trồng khoai tây của gia đình. Bà cho biết, gia đình mới trồng cây khoai tây từ năm 2011, mỗi năm gia đình bà thu hoạch khoảng 1,5 tấn củ, với giá thu mua trung bình 5000đ/kg thì mỗi vụ gia đình bà cũng thu về trên 7 triệu đồng. So với những loại cây trồng khác cây khoai tây cho hiệu quả cao hơn và đầu ra cũng ổn định.
Có mặt tại cánh đồng thôn Nà Giảo xã Yến Dương những ngày này chúng tôi nhận thấy được không khí tất bật hối hả của bà con nơi đây. Nếu như trước đây, diện tích đất nông nghiệp này thường bị bỏ hoang sau khi kết thúc hai vụ lúa thì vài năm trở lại đây, ngay sau khi thu hoạch lúa mùa, người dân đã gieo trồng các cây vụ đông. Bên cạnh những gốc lúa vừa gặt, những ruộng khoai tây đã xanh mướt đang được bà con tập trung bón phân vun gốc. Không khí lao động của người dân ở đây cho thấy những thay đổi rõ rệt về nhận thức của bà con đối với sản xuất vụ đông. Đánh giá về hiệu quả trong phát triển cây khoai tây thương phẩm trên địa bàn xã, ông Triệu Văn Nông – Chủ tịch UBND xã Yến Dương cho biết: Cây khoai tây là cây trồng đem lại hiệu quả cao so với những loại cây khác nên xã đã có chủ trương khuyến khích người dân mở rộng diện tích sản xuất để tăng nguồn thu cho người dân.
Là loại cây dễ trồng, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng địa phương, chi phí đầu tư ít, không tốn công chăm sóc nên trong những năm gần đây, cây khoai tây được bà con các xã trên địa bàn huyện Ba Bể đầu tư mở rộng diện tích. Vụ đông năm 2013 huyện Ba Bể mở rộng diện tích trồng khoai tây đạt 65ha trong đó xã Địa Linh 21ha, Hà Hiệu 9ha, Chu Hương 8ha, Yến Dương 8ha, Cao Trĩ 9ha, Nam Mẫu 6ha, Mỹ Phương 5ha…, tăng hơn 30 ha so với vụ đông năm 2012.
Mô hình trồng khoai tây thương phẩm được triển khai tại huyện Ba Bể từ năm 2011 do Quỹ xúc tiến đầu tư Nông lâm nghiệp (gọi tắt là APIF) thuộc dự án 3PAD phối hợp với Trung tâm tư vấn ứng dụng phát triển Khoa học nông nghiệp và Môi trường tỉnh Thái Bình thực hiện nhằm hỗ trợ người nông dân sản xuất nông sản có năng suất chất lượng cao theo hướng hàng hóa giúp người dân khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của địa phương trong lĩnh vực nông – lâm nghiệp, giải quyết việc làm tại chỗ và nâng cao thu nhập. Và năm nay toàn bộ diện tích khoai tây của huyện cũng đã được Trung tâm tư vấn ứng dụng phát triển Khoa học nông nghiệp và Môi trường tỉnh Thái Bình ký hợp đồng bao tiêu toàn bộ sản phẩm chính vì vậy người dân càng yên tâm hơn trong sản xuất.
Xác định khoai tây là cây màu giữ vị trí chủ lực về diện tích và giá trị thương phẩm, trong những năm tới huyện Ba Bể sẽ tiếp tục tập trung vận động bà con mở rộng diện tích, đầu tư thâm canh tăng vụ, góp phần tạo hướng đi mới cho bà con nông dân sản xuất khoai tây hàng hóa để đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn.