UBND HUYỆN BA BỂ BTC HỘI XUÂN |
|
Số: 02 /KH – BTC
|
Ba Bể, ngày 07 tháng 01 năm 2014 |
KẾ HOẠCH
Tổ chức Hội xuân Ba Bể năm 2014
Căn cứ văn bản số 3840/UBND -VX ngày 24/12/2013 của UBND tỉnh Bắc Kạn về việc tổ chức Hội xuân Ba Bể năm 2014;
Căn cứ Quyết định số 3072/QĐ-UBND ngày 30 tháng 12 năm 2013 của UBND huyện Ba Bể về việc thành lập Ban Tổ chức Hội xuân Ba Bể năm 2014;
Ban Tổ chức Hội xuân xây dựng kế hoạch tổ chức Hội xuân Ba Bể năm 2014, cụ thể như sau:
A. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
I. Mục đích:
Thiết thực chào mừng các sự kiện chính trị trọng đại của đất nước, lập thành tích chào mừng 84 năm ngày thành lập Đảng Cộng Sản Việt Nam (03/02/1930- 03/02/2014), chào mừng Tết cổ truyền của dân tộc.
Hội xuân Ba Bể là một hoạt động văn hóa dân gian truyền thống được UBND huyện Ba Bể tổ chức hàng năm vào dịp đầu xuân năm mới. Đây là một hoạt động văn hóa lớn nhằm tiếp tục đẩy mạnh chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”; đẩy mạnh công tác Văn hóa thông tin ở miền núi và đồng bào các dân tộc thiểu số, tăng cường giao lưu văn hóa giữa các dân tộc trong và ngoài tỉnh, tạo không khí vui tươi, phấn khởi, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.
Thông qua việc tổ chức “Hội xuân Tết Giáp Ngọ năm 2014” nhằm ôn lại truyền thống văn hóa của quê hương, đất nước và tạo điều kiện cho các tầng lớp nhân dân có dịp giao lưu, vui chơi, sáng tạo các loại hình văn hóa, góp phần duy trì và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Là dịp để quảng bá du lịch của huyện, của tỉnh ngày càng phát triển; quảng bá hình ảnh hồ Ba Bể đã được công nhận là di tích Quốc gia đặc biệt.
II. Yêu cầu:
– Hội xuân Ba Bể năm 2014 phải được chuẩn bị chu đáo về mọi mặt, thể hiện tính quy mô về tổ chức các hoạt động. Do đó để đảm bảo cho sự thành công của Hội xuân cần phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành và các đơn vị liên quan.
– Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, TDTT phải thể hiện được bản sắc dân tộc, mang đậm nét truyền thống của quê hương. Là sân chơi lành mạnh, bổ ích cho công chúng.
– Các hoạt động diễn ra trong Hội xuân phải thiết thực, thu hút đông đảo nhân dân tham gia, tổ chức phải hết sức tiết kiệm, tránh lãng phí.
B. CÔNG TÁC CHUẨN BỊ
I. Thành lập Ban Tổ chức và các tiểu ban Hội xuân Ba Bể năm 2014
1. Ban Tổ chức:
a. Thành viên BTC:
Danh sách thành viên BTC kèm theo Quyết định số 3072/QĐ-UBND ngày 30 tháng 12 năm 2013 của UBND huyện Ba Bể.
b. Nhiệm vụ:
– Phân công nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng ngành, từng thành viên BTC, các tiểu ban, các xã, thị trấn.
– Ban hành đầy đủ, kịp thời các văn bản chỉ đạo như: Các Quyết định, xây dựng kế hoạch, hướng dẫn chuyên môn, lịch tổ chức Hội xuân, biên soạn nội dung bài khấn cho chủ lễ; phân công thành viên xây dựng sơ đồ bố trí các khu vực trong Hội xuân; dự kiến số lượng danh sách khách mời, chuẩn bị in thẻ Ban tổ chức và các tiểu ban; chuẩn bị cơ sở vật chất và các điều kiện cần thiết phục vụ cho nghi lễ hạ điền…
– Chỉ đạo sát sao, giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong công tác chuẩn bị, công tác tổ chức, tạo điều kiện thuận lợi cho việc điều hành của các Tiểu ban trong Hội xuân.
2. Các Tiểu ban Hội xuân:
a. Nhiệm vụ của Tiểu ban nội dung:
– Ban hành các văn bản liên quan đến công tác tổ chức Hội xuân Ba Bể năm 2014: Xây dựng kế hoạch tổ chức Hội xuân; hướng dẫn phần chuyên môn, nghiệp vụ của các nội dung tham gia Hội xuân.
– Phân công thành viên tiểu ban trong việc chỉ đạo, điều hành từng nội dung công việc trong Hội xuân, đặc biệt là chương trình khai mạc, bế mạc Hội xuân.
– Xây dựng kịch bản, chương trình, lịch làm việc của Hội xuân, bài phát biểu khai mạc, bế mạc, báo cáo tổng kết Hội xuân.
– Chỉ đạo điều hành các nội dung triển khai trong Hội xuân, phối hợp với các Tiểu ban điều hành phần lễ, hội, phần trại và trưng bày triển lãm.
– Phối hợp với các Tiểu ban bố trí, quy hoạch sân bãi chi tiết, cụ thể từng khu vực, đảm bảo tính hợp lý, khoa học, mỹ quan và thuận lợi cho việc tổ chức các hoạt động của Hội xuân.
b. Nhiệm vụ của Tiểu ban lễ tân, hậu cần:
– Chủ động, tích cực trong công tác chuẩn bị các điều kiện phục vụ tốt Hội xuân Ba Bể năm 2014 như: Xây dựng kế hoạch, lập dự trù kinh phí, chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất đảm bảo công tác phục vụ cho Hội xuân.
– Phân công các cán bộ thường trực tại Trại chỉ huy và các công tác hậu cần, giúp BTC trong việc lễ tân, tiếp khách, phục vụ đưa đón lãnh đạo, giải quyết công việc khi cần.
– Dựng và trang trí trại, chuẩn bị thực phẩm, nước uống, sắp xếp, bố trí địa điểm, đón tiếp, phân công công việc cho từng thành viên một cách hợp lý.
– Phát huy tinh thần trách nhiệm trong công tác phục vụ, thái độ phục vụ lịch sự, chu đáo, nhiệt tình đảm bảo đáp ứng kịp thời các yêu cầu nhiệm vụ do BTC đề ra.
c. Nhiệm vụ của Tiểu ban tuyên truyền, khánh tiết, văn nghệ:
– Chủ động xây dựng kế hoạch, dự trù kinh phí, chuẩn bị đầy đủ phông màn, bàn ghế, các loại vật liệu, dụng cụ cờ hoa trang trí đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao: Trang trí đẹp, giữ được bản sắc văn hóa dân tộc mà vẫn đảm bảo yếu tố hoành tráng, hiện đại.
– Làm tốt công tác tuyên truyền trước và trong Hội xuân: Tuyên truyền trên các phương tiện Thông tin đại chúng, cổ động trực quan, băng zôn, panô, khẩu hiệu, cờ, áp phích quảng cáo chương trình Hội xuân.
– Tăng âm, loa đài, ánh sáng đảm bảo; bố trí sắp xếp các tiết mục văn nghệ, lịch diễn hài hòa, hợp lý; dẫn chương trình, điều hành phần văn nghệ chào mừng, Trình diễn người đẹp trong trang phục các dân tộc và các chương trình khác trong Hội xuân.
– Chủ trì, phối hợp với các thành viên Tiểu ban nội dung trong việc chấm và trao giải trại, giải trình diễn người đẹp trong trang phục dân tộc.
d. Nhiệm vụ của Tiểu ban trọng tài:
– Chủ động xây dựng kế hoạch, dự trù kinh phí, phân công các thành viên trong Tiểu ban chuẩn bị tốt các điều kiện về sân bãi, trang thiết bị phục vụ thi đấu thể thao và các hoạt động vui chơi; xếp lịch thi đấu và phân công, bố trí các trọng tài điều hành từng nội dung một cách hợp lý, khoa học, đúng Luật, đúng Điều lệ.
– Chủ trì, phối hợp với các thành viên trong Tiểu ban nội dung trong việc trao giải thể thao và các trò chơi.
đ. Nhiệm vụ của Tiểu ban bảo vệ an ninh trật tự:
– Xây dựng kế hoạch chi tiết, cụ thể phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Tổ chức triển khai kế hoạch đồng bộ, khoa học và kịp thời xử lý các tình huống. Đảm bảo cho công tác bảo vệ an ninh trật tự, an toàn giao thông trong dịp Hội xuân.
– Dự trù kinh phí, chuẩn bị các phương tiện cứu hộ, cứu nạn, bố trí lực lượng bảo vệ an ninh trật tự, an toàn giao thông, trông giữ xe, phối hợp với Tiểu ban thuế thu lệ phí trông, giữ xe theo quy định. Bố trí nơi trực hợp lý, liên hoàn.
e. Nhiệm vụ của Tiểu ban chăm sóc sức khỏe, bảo vệ môi trường:
– Xây dựng kế hoạch chi tiết, cụ thể đảm bảo cho công tác bảo vệ sức khỏe, vệ sinh môi trường trong thời gian diễn ra Hội xuân.
– Lập dự trù kinh phí, chuẩn bị đủ cơ số thuốc dự phòng, túi xử lý rác, làm tốt công tác vệ sinh môi trường trước và sau Hội xuân. Bố trí nơi trực hợp lý, liên hoàn đảm bảo kịp thời xử lý các tình huống, cử cán bộ trực 24/24h.
g. Nhiệm vụ của Tiểu ban thuế:
– Lập dự trù kinh phí, xây dựng kế hoạch cụ thể, chi tiết quy định mức thu, chuẩn bị đầy đủ các loại vé, biên lai, địa điểm thu thuế, định mức thu và thù lao cho người thu.
– Phối hợp với Phòng Công thương chuẩn bị các loại cờ xuồng hoạt động trong Hội xuân.
II. Thời gian, địa điểm, các nội dung diễn ra trong Hội xuân Ba Bể năm 2014.
1. Thời gian tổ chức: Từ ngày 09, 10, 11 tháng Giêng âm lịch (tức ngày 08, 09, 10/02/2014).
2. Địa điểm: Tại sân bãi Hội xuân (Thôn Bó Lù, xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể).
3. Nội dung:
a. Hoạt động văn hóa, văn nghệ:
* Cắm trại kết hợp với gian hàng trưng bày sảm phẩm nông – lâm sản, thủ công nghiệp, văn hóa ẩm thực…
– Hình thức tổ chức: Mỗi xã tham gia 01 trại dùng làm chỗ nghỉ của Đoàn trong quá trình diễn ra Hội xuân và 01 gian trưng bày giới thiệu các sản phẩm nông, lâm sản, thực phẩm, văn hóa ẩm thực của địa phương để bán, biếu, tặng…
– Ban Tổ chức sẽ chấm điểm, trao giải (Giao cho tiểu ban Tuyên truyền, văn nghệ thực hiện).
Dự kiến trao giải: 01 giải nhất, 02 giải nhì, 03 giải ba, 10 giải khuyến khích.
* Thi vẽ tranh Thiếu nhi.
– Hình thức tổ chức: Vườn Quốc gia Ba Bể phối hợp với các tổ chức, ban, ngành tổ chức thi vẽ tranh cho thiếu nhi chủ đề Bảo vệ môi trường. (Giao cho Vườn Quốc gia Ba Bể tham mưu thành lập Ban Tổ chức, Ban Giám khảo chấm thi vẽ tranh).
– Cơ cấu giải thưởng: Do Vườn Quốc gia Ba Bể quy định tùy thuộc vào số lượng tham gia và kinh phí tổ chức.
* Tổ chức biểu diễn ca múa nhạc phục vụ Hội xuân tối mùng 09 và buổi sáng mùng 10 tháng giêng âm lịch của Đoàn Nghệ thuật dân tộc tỉnh Bắc Kạn.
* Tổ chức trưng bày triển lãm hiện vật (nếu có) – Đơn vị thực hiện Bảo tàng tỉnh Bắc Kạn.
* Tổ chức Hội diễn Nghệ thuật quần chúng (ngày 10 tháng giêng sau lễ khai mạc):
– Hình thức tổ chức: Mỗi xã chuẩn bị từ 02- 03 tiết mục văn nghệ tham gia Hội diễn Nghệ thuật quần chúng (Giao cho Phòng VH&TT hướng dẫn về nội dung và hình thức thi, tham mưu thành lập Ban giám khảo chấm, trao giải).
– Dự kiến cơ cấu giải thưởng: 05 giải A, 10 giải B, 15 giải C, 10 giải khuyến khích.
* Tổ chức trình diễn người đẹp trong trang phục dân tộc của các xã, thị trấn (Do Huyện đoàn Ba Bể phối hợp với Đoàn Nghệ thuật dân tộc Bắc Kạn tổ chức).
– Hình thức tổ chức: Các xã, thị trấn chuẩn bị 01 đội tham gia từ 3-5 người đẹp trình diễn trang phục dân tộc Mông, Dao, Tày, Nùng, Kinh (Giao cho Huyện đoàn Ba Bể xây dựng kế hoạch, hình thức tổ chức, chuẩn bị nội dung gửi các xã, Thị trấn cử người tham gia)
Trình diễn trang phục dân tộc
Viết lời giới thiệu về bộ trang phục của dân tộc mình
– Dự kiến cơ cấu giải thưởng các tiết mục: 02 giải A, 04 giải B, 10 giải C.
* Màn Văn nghệ chào mừng trước giờ khai mạc: Đoàn nghệ thuật dân tộc tỉnh Bắc Kạn chuẩn bị chương trình chào mừng với thời lượng khoảng 35 phút.
b. Hoạt động Thể dục – Thể thao:
Tổ chức các môn thể thao truyền thống và quần chúng như: Đua thuyền, kéo co, đẩy gậy, bắn nỏ, bóng chuyền.
* Môn bóng chuyền: Mỗi xã tuyển chọn 01 đội bóng chuyền tham gia thi đấu (Gồm 6-10 VĐV).
* Môn đua thuyền: Chuẩn bị khoảng 06 thuyền. Giao cho xã Nam Mẫu chuẩn bị thuyền. Các xã đăng ký vận động viên đua thuyền không hạn chế số lượng đăng ký ( Mỗi thuyền 02 VĐV: 01 nam, 01 nữ mặc trang phục dân tộc).
* Môn kéo co: Mỗi xã thành lập 01 đội tham gia.
* Môn Đẩy gậy: Mỗi xã tham gia 4 người gồm 02 nam, 02 nữ ( 02 cặp).
* Môn Bắn nỏ: Chuẩn bị 6 khung Bia bắn nỏ, tên bắn và nỏ… với hình thức thi đấu trao giải (hoặc bán vé cho người tham gia, trao giải).
* Môn Chọi bò: Giao cho xã Nam Mẫu chuẩn bị 6 con bò để chuẩn bị tham gia thi đấu.
– Cơ cấu giải và kinh phí thực hiện từng môn thể thao: Giao cho Tiểu ban trọng tài đề xuất xây dựng.
– Tổ trọng tài phân công thành viên phụ trách từng môn.
c. Hoạt động vui chơi: (Đoàn thanh niên tổ chức)
* Tổ chức các trò chơi: Tung còn, ném vòng cổ chai, ném bóng vào chậu, bịt mắt đánh trống, nhảy bao bố, đi cà kheo, đánh quay, đánh yến…
– Tung còn: Giao cho mỗi xã chuẩn bị 50 cái còn.
– Các trò chơi khác:
Ném vòng cổ chai (Cổ vịt), ném bóng vào chậu…
Bịt mắt đánh trống, bịt mắt thổi còi, đi cầu kiều, lày cỏ…
Hình thức chơi, cơ cấu giải thưởng do Tiểu ban trọng tài và Huyện Đoàn đề xuất, xây dựng.
III. Công tác tuyên truyền Hội xuân
1. Tuyên truyền trên trục đường vào Hội Xuân:
Trên trục đường Thị trấn Chợ Rã, Phòng VH&TT huyện phối hợp với các đơn vị tài trợ (Trung tâm Viễn thông và Trung tâm VIETTEL Ba Bể) treo cờ đuôi nheo, băng zôn, khẩu hiệu với nội dung:
Câu 1: Nhiệt liệt chào mừng các vị khách quý đến với Hội Xuân Ba Bể năm năm 2014!
Câu 2: Chúc mừng năm mới!
Câu 3: Mừng Đảng, mừng Xuân, mừng Đất nước, ra sức thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kinh tế- xã hội năm 2014!
Câu 4: Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc là trách nhiệm của các cấp, các ngành và của mọi người dân!
Câu 5: Cán bộ và nhân dân các dân tộc huyện Ba Bể tích cực hưởng ứng phong trào “ Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”!
Câu 6: Đảng cộng sản Việt Nam quang vinh muôn năm!
Câu 7: Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam muôn năm!
Câu 8: Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta!
Câu 9: Đảng bộ, nhân dân các dân tộc tỉnh Bắc Kạn quyết tâm gìn giữ, bảo vệ và phát huy những giá trị của Di tích danh lam thắng cảnh Quốc gia đặc biệt Hồ Ba Bể.
Ngoài ra, UBND các xã, thị trấn chỉ đạo các hộ gia đình treo cờ Tổ quốc; UBND huyện chỉ đạo các xã, thị trấn, các cơ quan đơn vị treo cờ Tổ quốc và khẩu hiệu “ Chúc mừng năm mới xuân Giáp Ngọ năm 2014”.
2. Tuyên truyền trong Hội xuân:
Căng treo 04 câu khẩu hiệu tại bến xuồng, đường vào Hội xuân, cổng lên xuống, Trại chỉ huy:
Nhiệt liệt chào mừng các vị khách quý đến với Hội xuân Ba Bể năm Giáp Ngọ năm 2014!
3. Tuyên truyền và trang trí khán đài, sân hoạt động lễ hội:
a. Khán đài:
* Phần khán đài: Trên cùng của phông chính cắm cờ chuối 3 màu, bên dưới là băng zôn, khẩu hiệu: Nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam muôn năm!
Hai bên đầu hồi căng 02 bạt in hình Du lịch Hồ Ba Bể và các hoạt động tượng trưng của Hội xuân
Bên trái phông (nhìn từ dưới lên) là cờ xếp với tượng Bác Hồ đặt chính giữa, bên phải là dòng chữ in trên nền bạt: Hội xuân Ba Bể năm Giáp Ngọ – 2014!
Phía trên sân khấu sát với phông kê 01 dãy bàn để bày các mâm cỗ.
Hai đầu sân khấu sát phông trang trí 2 cành đào to với các dây đèn nháy và vật liệu trang trí.
Hai bên cột cánh gà, trước mặt sân khấu, mỗi cột treo một cờ đuôi nheo và 1 chùm bóng bay.
Hai bên cánh gà, mỗi bên cắm cờ chuối, cờ Tổ quốc và băng zôn, khẩu hiệu:
– Đảng bộ, nhân dân các dân tộc tỉnh Bắc Kạn ra sức thi đua thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội, an ninh – quốc phòng năm 2014!
– Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc là trách nhiệm của các cấp, các ngành và của mọi người dân!
Trên nền sân khấu chính giữa kê 01 trống hội, mặt trống phủ vải đỏ, 1 dùi trống có buộc tua rua đỏ ở đuôi cán và kê 1 chân micrô.
Dưới mặt sân từ dưới lên (gần sân khấu) kê 2 dãy bàn ghế kiểu hình chữ V, có khăn trải bàn, lọ hoa, nước uống cho đại biểu (theo số lượng khách mời).
b. Sân hoạt động lễ hội:
Dựng cột “Còn phoỏng”; Các điểm dự kiến diễn ra các trò chơi đều cắm cờ Hội (thấp hơn cờ Đảng và cờ Tổ quốc).
Vòng quanh sân dọc theo các trại của các đơn vị cắm cờ Đảng, cờ Tổ quốc theo số lượng đã chuẩn bị. Đồng thời trước trại của các đơn vị cắm cờ Tổ quốc do đơn vị tự chuẩn bị sẵn.
Các vật liệu, trang thiết bị phục vụ cho các hoạt động như làm khán đài, trang trí sân bãi Hội xuân, dựng và trang trí Trại chỉ huy, làm bãi giữ xe, phục vụ công tác bảo vệ an ninh trật tự, an toàn giao thông, thu thuế, chăm sóc sức khỏe, bảo vệ môi trường, hoạt động văn hóa, văn nghệ, thi đấu thể thao và tổ chức các trò chơi… chuẩn bị theo đề xuất của từng tiểu ban (do các tiểu ban trình kèm theo dự trù kinh phí).
Ban Tổ chức dự kiến sắp xếp các vị trí trại, khu kinh doanh dịch vụ ăn uống, khu bán hàng, khu vui chơi, khu vệ sinh… thuận lợi cho việc tổ chức các hoạt động, đảm bảo mỹ quan, hợp vệ sinh…phù hợp với điều kiện sân bãi của Hội xuân.
IV. Chương trình hoạt động của lễ hội
1. Ngày mùng 7 tháng Giêng âm lịch (tức ngày 06/02/2014)
Lãnh đạo huyện, Ban Tổ chức, các Tiểu ban tiến hành kiểm tra điều kiện sân bãi, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ Hội xuân lần cuối.
2. Ngày mùng 8 tháng Giêng âm lịch (tức ngày 07/02/2014)
Từ 8h đến 17h: Tiểu ban trang trí khánh tiết, trọng tài, bảo vệ tiến hành dựng, trang trí khán đài, chuẩn bị sân bãi, cơ sở vật chất phục vụ cho thi đấu các môn Thể thao, các hoạt động vui chơi (Sân bóng chuyền, kéo co, đẩy gậy, bến bãi đua thuyền, khu bắn nỏ, chọi bò, khu vệ sinh, khu gửi xe…) của Hội xuân.
3. Ngày mùng 9 tháng Giêng âm lịch (tức ngày 08/02/2014)
*Buổi sáng: Từ 8h đến 11h 30:
– Các xã, các đơn vị, nhà hàng, doanh nghiệp tập kết tại sân bãi Hội xuân, dựng trại, trang trí gian hàng…
– Các Tiểu ban tiếp tục hoàn thiện các công việc được giao; dựng Trại Chỉ huy, Trại bảo vệ, Trại phòng Văn hóa, trang trí cờ hội, cờ Tổ quốc, dựng cột “Còn phoỏng”…
*Buổi chiều: Từ 13h30 đến 17h:
– Các xã, thị trấn các đơn vị, nhà hàng, doanh nghiệp tiếp tục dựng trại, trang trí gian hàng.
– Tiểu ban văn nghệ, khánh tiết chuẩn bị âm thanh, ánh sáng, cơ sở vật chất cho lễ khai mạc Hội xuân; hướng dẫn các xã, thị trấn tập dượt chương trình buổi lễ khai mạc Hội xuân, khớp nhạc, chạy sân khấu.
– Tiểu ban Trọng tài tổng hợp danh sách các xã đăng ký tham gia các môn Thể thao, trò chơi tại Hội xuân, xếp lịch thi đấu.
– BTC tiến hành kiểm tra, nghiệm thu sân khấu, sân bãi…
*Buổi tối: Từ 19h đến 22h:
Từ 19h 30’ đến 22h Chương trình biểu diễn Nghệ thuật của Đoàn Nghệ thuật dân tộc tỉnh Bắc Kạn.
4. Ngày mùng 10 tháng Giêng Âm lịch: (tức ngày 09/2/2014):
*Buổi sáng: Từ 7h30 đến 11h : Khai mạc Hội xuân
Từ 7h30 đến 8h30: Lãnh đạo huyện, BTC, đại diện các ban, ngành, đoàn thể, các xã, Thị trấn, Vườn Quốc gia Ba Bể … dâng lễ tại Đảo An Mã.
Từ 8h30’– 11h: Khai mạc Hội Xuân Ba Bể năm 2014.
a. Phần lễ:
Tập kết cỗ, rước cỗ, bày cỗ: Mỗi xã, thị trấn chuẩn bị 01 mâm cỗ, (và 01 cờ Tổ quốc cán cao 3,5m do phòng VH&TT đã chuẩn bị sẵn).
Thắp hương, khấn lễ (Chủ lễ, BTC);
Tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu ( BTC);
Phát biểu khai mạc Hội Xuân (Trưởng BTC);
Mời Lãnh đạo huyện lên đánh trống khai Hội;
Phát biểu của lãnh đạo tỉnh (nếu có);
Hạ cỗ (BTC, đội múa lân, các xã, thị trấn);
Lãnh đạo huyện, BTC, du khách thực hiện “nghi lễ hạ điền”
b. Phần hội:
Màn hát múa chào mừng: 35 – 40 phút do Đoàn Nghệ thuật dân tộc tỉnh Bắc Kạn thực hiện
Tung còn khai hội (Lãnh đạo tỉnh, huyện, khách mời, du khách…), cùng lúc trên sân Hội diễn ra các nội dung:
Biểu diễn võ thuật, thi đấu TDTT…
Các trò chơi: Thi vẽ tranh, các trò chơi vui Xuân có thưởng…
Các đội văn nghệ chạy sân khấu chương trình thi Hội diễn nghệ thuật quần chúng.
Ban Tổ chức hướng dẫn khách tham quan gian trưng bày các trại và gian hàng các xã, thị trấn, các đơn vị, doanh nghiệp…
* Buổi chiều: Từ 13h30’– 17h cùng lúc diễn ra các nội dung;
– Chấm trại các xã, thị trấn.
– Tiếp tục thi đấu TDTT.
– Các trò chơi: Chọi bò, bắn nỏ, các trò chơi vui xuân có thưởng…
– Tiếp tục thi Văn nghệ giữa các xã, thị trấn.
* Buổi tối: Từ 19h00’– 22h30’.
– Chương trình nghệ thuật của Đoàn nghệ thuật dân tộc tỉnh Bắc Kạn trình diễn người đẹp trong trang phục dân tộc của các xã, thị trấn.
– Vui đốt lửa trại.
– Tiểu ban nội dung, văn nghệ, trọng tài chuẩn bị nội dung cho chương trình Bế mạc Hội Xuân Ba Bể năm 2014 như: Quyết định khen thưởng, cờ thưởng, các giải thưởng, báo cáo tổng kết…
5. Ngày 11 tháng Giêng (tức ngày 10/02/2014)
* Buổi sáng:
Từ 8h00’ – 10h30’: Tiếp tục thi đấu chung kết môn bóng chuyền, đua thuyền độc mộc và các trò chơi còn lại…
Từ 10h30’ – 11h00’: Tổng kết, bế mạc Hội xuân
– Giới thiệu đại biểu, khách mời dự lễ bế mạc Hội xuân (Ban tổ chức).
– Thông qua Quyết định, công bố kết quả thi đấu các môn Thể thao, Văn nghệ…trao giải (Ban tổ chức, Tiểu ban Văn nghệ, Trọng tài).
– Phát biểu bế mạc Hội xuân (Trưởng ban tổ chức).
* Buổi chiều: Từ 13h30 – 17h00’
– Dỡ trại;
– Tổng vệ sinh sân bãi.
V. Các phần việc khác
1. Ban hành văn bản hướng dẫn các xã, thị trấn, cơ quan đơn vị chuẩn bị các điều kiện tham gia Hội xuân như:
– Xây dựng Kế hoạch, dự trù kinh phí, đăng ký nội dung tham gia Hội xuân.
– Chuẩn bị nguyên vật liệu dựng trại, các sản phẩm văn hoá, hàng hoá trưng bày tại Hội xuân.
– Tổ chức luyện tập văn nghệ, thể thao, trình diễn người đẹp trong trang phục dân tộc để tham gia Hội xuân.
– Xã Nam Mẫu chuẩn bị 01 thửa đất bừa sẵn lần 1 cạnh bãi hội xuân, chuẩn bị trâu, cày để phục vụ “nghi lễ hạ điền”.
2. Chuẩn bị các khẩu hiệu tuyên truyền về Hội xuân.
3. Tiểu ban Tuyên truyền, Khánh tiết chuẩn bị các điều kiện như: Vật liệu, khẩu hiệu, ma két trang trí khánh tiết…phục vụ Hội xuân.
4. Đại biểu, khách mời tham dự Hội xuân do BTC dự kiến số lượng mời, thành phần mời, thời gian tham dự… giao cho Văn phòng HĐND&UBND huyện ra giấy mời.
Trên đây là Kế hoạch tổ chức Hội xuân Ba Bể năm Giáp Ngọ của BTC Hội xuân Ba Bể năm 2014. Đề nghị các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức triển khai thực hiện./.
Nơi nhận: – TT UBND tỉnh; – Sở VHTT&DL; – TT HU, TT HĐND; – CT, PCT UBND huyện; – Thành viên BTC, Các Tiểu ban HX; – Các cơ quan liên quan; – UBND các xã thị trấn; – LĐVP; – Lưu:VT.
|
TRƯỞNG BAN
PHÓ CHỦ TỊCH UBND HUYỆN Nguyễn Văn Dong |
|