Thực hiện lời dạy của Bác “Thương binh tàn nhưng không phế”, bằng ý chí, nghị lực của bản thân, cần cù lao động, vươn lên làm giàu. Thương binh Hoàng Văn Tặng, ở thôn Thiêng Điểm, xã Phúc Lộc, huyện Ba Bể là một điển hình như vậy.
Đến thăm vườn cây ăn quả của gia đình, Cựu chiến binh, thương binh Hoàng Văn Tặng, khi ông đang chăm sóc hơn 5ha vườn cây ăn quả, rừng trồng. Năm nay đã bước sang tuổi 72, nhưng ông vẫn còn nhanh nhẹn, niềm nở đón chúng tôi, ông cho biết: Năm 1973, sau khi xuất ngũ trở về địa phương với mức thương tật trên 45%, ông tiếp tục theo học lớp Trung cấp Giao thông vận tải tại tỉnh Bắc Thái. Sau 3 năm học tập, tốt nghiệp ra trường, trải qua các vị trí công tác ở Hạt quản lý đường bộ của huyện Ba Bể. Năm 2005 được về nghỉ chế độ, không chùn bước trước khó khăn, phát huy phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, thương binh Hoàng Văn Tặng đã không ngại khó khăn gian khổ, cần mẫn học hỏi, sáng tạo và phát triển kinh tế bằng chính đôi bàn tay và sức lực của mình. Trước đó, đầu những năm 90, Nhà nước có chủ trương giao khoán và bảo vệ rừng cho các hộ dân, gia đình ông mạnh dạn nhận hơn 5ha đất rừng, khi đó rừng còn hoang sơ, cỏ dại mọc um tùm. Sau khi tham quan một số mô hình trồng cây ăn quả có năng suất cao, năm 2010 ông đã mua hơn 200 gốc ổi Đài Loan, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nhận thấy có hiệu quả ông tiếp tục mở rộng diện tích đất trồng ổi, đến nay đã phát triển được hơn 1ha. Theo ông giống ổi Đài Loan dễ trồng, ít công chăm sóc, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, lại cho năng suất cao và cho quả quanh năm, trồng từ 6-8 tháng đã bắt đầu cho thu hoạch, trái ngọt, cùi giòn, giá cả ổn định. Mỗi năm ông bán ra thị trường hơn 5 tấn quả, với giá trung bình 20 nghìn đồng/1kg, trừ chí phí ông thu lãi hơn 80 triệu đồng. Ông Tặng chia sẻ: Sau khi về nghỉ chế độ hưu trí, tôi luôn có một tâm niệm rằng, làm cái gì để giúp con cháu có thêm thu nhập, sau này tôi nảy ra ý tưởng trồng cây ăn quả, trồng những cây lâu năm, sau khi trồng được rồi thì sẽ thu hoạch được lâu dài và bền vững hơn.
Ảnh: Cựu chiến binh, Thương Binh Hoàng Văn Tặng chăm sóc vườn ổi của gia đình.
Ngoài ra, ông còn trồng các loại cây ăn quả khác như: Dẻ, cam, quýt, trám đen… Số đất rừng còn lại, ông tiếp tục phát triển các loại cây xoan, keo, mỡ… đến nay đã cho thu hoạch. Kinh tế gia đình ngày càng ổn định, con cái được học hành đến nơi, đến chốn. Nói về sự phát triển kinh tế của Cựu chiến binh, thương binh Hoàng Văn Tặng, Chủ tịch Cựu chiến binh xã Phúc Lộc, Hoàng Văn Tâm chia sẻ: Thương Binh Hoàng Văn Tặng ở thôn Thiêng Điểm, xã Phúc Lộc là một tấm gương điển hình trong lao động sản xuất, mặc dù mang trên mình thương tật nhưng ông và gia đình đã vượt qua khó khăn, vươn lên làm ăn kinh tế hiệu quả. Qua mô hình của ông, chúng tôi đã tuyên truyền, vận động các hội viên Cựu chiến binh, người dân học tập và nhân rộng.
Không chỉ chăm lo phát triển kinh tế vườn rừng ông còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội, đặc biệt là phong trào đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn, chung tay xây dựng nông thôn mới. Những việc làm thiết thực của Cựu chiến binh, thương binh Hoàng Văn Tặng luôn được cấp ủy, chính quyền địa phương, Hội Cựu chiến binh các cấp và người dân ghi nhận đánh giá cao. Nhiều năm liền ông được Hội Cựu chiến binh các cấp biểu dương, khen thưởng về làm kinh tế giỏi, xứng đáng là tấm gương để các hội viên Cựu chiến binh cùng mọi người học tập, làm theo./.
Hoàng Chúc