Học Bác đức tính “Cần, kiệm”

Không chỉ là một bí thư chi bộ gương mẫu, ông Chu Đức Phương- ở Bản Mới, xã Hà Hiệu còn là người luôn đi đầu trong các phong trào phát triển kinh tế ở địa phương. Theo ông “cần, kiệm” là đức tính cơ bản, then chốt mang đến thành công khi ông học và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

 

       Không chỉ thành công trong nghề nuôi ong lấy mật mà trong vài năm trở lại đây ông Phương còn tự học hỏi, tự nhân giống và bước đầu thành công trong nghề nuôi gà mía thả vườn đồi. Hiện gia đình ông có trên 200 con con gà mái, gần 300 con gà thương phẩm và mỗi tuần gia đình ông lại cho ấp nở thành công trên dưới 300 con gà con để bán ra thị trường , đem lại nguồn thu không nhỏ cho gia đình. Với những kết quả đạt được trong phát triển kinh tế, liên tiếp trong nhiều năm liền, gia đình ông đã được công nhận là hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh. Theo ông Phương: “Cần, kiệm” là đức tính cơ bản và quan trọng nhất đối với người nông dân khi học tập và làm theo Bác. Chữ “cần” mà Bác Hồ nói có nghĩa là siêng năng, chăm chỉ, cố gắng, bền bỉ trong công việc cụ thể của mình. Tôi gắn chữ “cần” với mọi kế hoạch định làm trong năm để mọi việc hiệu quả hơn. Qua mỗi năm, tôi cũng tự học hỏi, tích cóp kinh nghiệm trong chăn nuôi bởi “cần” không phải chỉ thuần tuý là cần cù làm việc mà quan trọng hơn là phải có chất lượng, có hiệu quả, có năng suất cao. Còn “kiệm” là tiết kiệm thời gian và phải biết tận dụng những nguồn thức ăn sẵn có trong việc phát triển kinh tế gia đình.

       Ngoài phát triển kinh tế gia đình, ông Phương còn luôn sẵn lòng tư vấn, giúp đỡ, hỗ trợ con giống, phổ biến kỹ thuật chăn nuôi gà, nuôi ong cho những ai có nhu cầu, trong đó, riêng với các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn trong thôn ông còn cho ứng trước toàn bộ giống, thuốc thú ý để giúp họ có điều kiện phát triển chăn nuôi, từng bước thoát nghèo. Gia đình chị Đồng Thị Bích là một ví dụ điển hình. Đất sản xuất ít, lại thiếu vốn, thiếu kiến thức để phát triển sản xuất, chăn nuôi nên trước đây gia đình chị thuộc diện nghèo, khó khăn nhất thôn nhưng từ khi được ông Phương hỗ trợ cho con giống, hướng dẫn cách nuôi gà dưới tán cây rừng nên vợ chồng chị tích cực chăn nuôi, đến nay, gia đình chị đã xuất bán được 1,5 tấn gà thương phẩm, thu về hơn 70 triệu đồng tiền lãi, nhờ đó gia đình chị giờ đã thoát nghèo một cách bền vững.

 

       Khi hỏi về Ông Chu Đức Phương, Ông Đàm văn Khoát – Bí thư Đảng ủy xã Hà Hiệu, huyện Ba Bể cho biết: Ông Chu Đức Phương không chỉ cần cù, chịu khó trong lao động sản xuất và gặt hái được thành công trong phát triển kinh tế. Ông Chu Đức Phương còn là một bí thư Chi bộ gương mẫu là tấm gương sáng trong việc thực hiện cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương, đạo đức Hồ Chí Minh tại địa phương.

       Bên cạnh việc tiếp tục phát triển mô hình hiện tại, trong thời gian tới ông Phương sẽ mở rộng mô hình nuôi chim Trĩ – loại chim có giá trị kinh tế rất cao, đồng thời nghiên cứu tìm ra phương pháp gieo ngô không cần vun và làm cỏ nhưng vẫn cho năng xuất cao, tạo điều kiện thuận lợi cho bà con nhân dân trong phát triển sản xuất, chăn nuôi./.

Bài trướcGhi nhận từ buổi học ngoại khóa tại trường Trung học cơ sở Thượng Giáo
Bài tiếp theoNăm 2013 – Ngành y tế huyện Ba Bể khám và chữa bệnh cho hơn 69 nghìn lượt người