Dự án nuôi lợn nái Móng Cái sinh sản của Hội nông dân huyện Ba Bể

Năm 2012, từ Quỹ hỗ trợ của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Hội Nông dân huyện Ba Bể được hỗ trợ 700 triệu đồng để triển khai mô hình chăn nuôi lợn nái Móng Cái tại 02 xã Cao Trĩ và Chu Hương. Đến nay, mô hình đã bước đầu đem lại hiệu quả tích cực.

 

Đàn lợn nái Móng Cái của gia đình ông Long Hữu Đặng, thôn Kéo Pựt, xã Cao Trĩ

Mô hình chăn nuôi lợn nái Móng Cái sinh sản được triển khai với mục tiêu giúp người chăn nuôi chủ động sản xuất con giống bảo đảm chất lượng, an toàn về dịch bệnh, giảm chi phí ban đầu mua con giống và từng bước tạo thành vùng chăn nuôi lợn nái sinh sản để chủ động cung ứng con giống cho các hộ dân chăn nuôi lợn thịt trên địa bàn huyện.

Năm 2012, mô hình chăn nuôi lợn nái Móng Cái sinh sản được triển khai tại huyện Ba Bể với 24 hộ gia đình tham gia. Những hộ được lựa chọn tham gia thực hiện mô hình là các hộ có nhu cầu chăn nuôi lợn nái, có nhân lực lao động và có khả năng đóng góp vốn đối ứng. Thực hiện mô hình, các hộ dân được vay 30 triệu đồng/hộ, lãi suất 0,8%/tháng để chi phí mua lợn giống và thức ăn cám đậm đặc. Ngoài ra, các hộ còn được tập huấn quy trình kỹ thuật chăn nuôi lợn nái sinh sản.

Theo đánh giá của ngành chuyên môn huyện, đến nay, mô hình đạt hiệu quả khá. Đàn lợn nái sinh trưởng đạt tỷ lệ cao, mỗi con lợn nái đã đẻ từ 1 đến 2 lứa, tỷ lệ sống của lợn con đạt trên 90%. Trung bình 1 nái sinh sản được 10 con/lứa. Số lợn con được chăm sóc nuôi dưỡng đến 70 ngày tuổi, trọng lượng đạt từ 13 – 18 kg. Từ lứa lợn thứ hai trở đi đã đem lại hiệu quả kinh tế cho người nuôi. Thực tế cho thấy, mỗi một lứa lợn trừ hết chi phí, người dân sẽ thu lãi từ 4 đến 5 triệu đồng.

Tại xã Cao Trĩ, việc triển khai thực hiện mô hình này có nhiều thuận lợi, do người dân địa phương có truyền thống về chăn nuôi lợn nên đã có kinh nghiệm. Cùng với đó, các hộ tham gia được lựa chọn là những gia đình có điều kiện về chuồng trại, có tinh thần trách nhiệm, tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật nên mô hình đàn lợn nái sinh trưởng phát triển tốt.

Ông Long Hữu Đặng, thôn Kéo Pựt, xã Cao Trĩ cho biết: Hiện tại gia đình ông nuôi 3 con lợn nái theo dự án. Trung bình mỗi nái sinh sản được 11 con, sau gần 01 năm thực hiện, do luôn tuân thủ đúng theo quy trình kỹ thuật chăn nuôi, chuồng trại vệ sinh sạch sẽ, thoáng mát nên đàn lợn của gia đình ông không gặp rủi ro nào. Hiện nay, đàn lợn gia đình ông vẫn đang phát triển tốt và hứa hẹn sẽ cho hiệu quả cao.

Bà Nguyễn Thị Nga – Chủ tịch Hội Nông dân huyện Ba Bể cho biết: Dự án nuôi lợn nái Móng Cái sinh sản có ý nghĩa rất quan trọng trong quá trình đẩy mạnh phát triển chăn nuôi của địa phương. Mô hình được triển khai thành công đã giúp cho người dân được tiếp cận và làm quen với đối tượng chăn nuôi mới là lợn nái Móng Cái, nhằm thực hiện chủ trương Móng Cái hoá đàn lợn, giúp người dân chủ động con giống cho chăn nuôi lợn thịt trên địa bàn, không phải phụ thuộc vào nguồn giống bên ngoài, đồng thời hạn chế được dịch bệnh, giảm chi phí, mang lại nguồn thu nhập cao hơn cho các hộ gia đình. Ngoài những ưu điểm đó, qua mô hình này, bà con nông dân đã biết cách tổ chức, áp dụng tiến bộ kỹ thuật trong chăn nuôi mang lại giá trị kinh tế, góp phần xoá đói giảm nghèo tại địa phương.

Hiện nay, việc phát triển chăn nuôi trên địa bàn huyện Ba Bể vẫn chủ yếu là theo quy mô nhỏ lẻ tại hộ gia đình. Tại những xã vùng cao, nhiều gia đình vẫn còn chăn nuôi theo hình thức thả rông, chuồng trại sơ sài, không đảm bảo vệ sinh, chăn nuôi không đúng theo quy trình kỹ thuật nên hiệu quả kinh tế thấp, nguồn giống lại chủ yếu được nhập từ bên ngoài nên không tránh khỏi rủi ro về dịch bệnh. Việc thực hiện thành công mô hình nuôi lợn nái Móng Cái sinh sản tại 02 xã Cao Trĩ và Chu Hương sẽ là cơ sở để huyện tiếp tục thực hiện nhân rộng việc chăn nuôi lợn trên địa bàn, hướng tới việc chủ động được nguồn giống tốt, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người chăn nuôi./.

Bài trướcBa Bể tổ chức được trên 800 lớp tập huấn, dạy nghề cho nông dân
Bài tiếp theoBa Bể Tăng cường đảm bảo an toàn giao thông những tháng cuối năm