Công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả lũ lụt năm 2012

Trong mùa mưa bão năm 2011, bão và áp thấp nhiệt đới tuy không đổ bộ trực tiếp vào địa bàn tỉnh Bắc Kạn, nhưng do ảnh hưởng hoàn lưu của cơn bão số 2, số 4, số 5 và những đợt mưa lũ từ tháng 6 đến tháng 10, đã làm cho một số tuyến đường giao thông trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn bị sạt lở ta luy dương, xói lở ta luy âm, làm ách tắc giao thông và gây thiệt hại không nhỏ về kinh tế. Tổng giá trị thiệt hại của hệ thống đường tỉnh là 1,97 tỷ đồng và 132 triệu đồng của đường quốc lộ 279; 9/15 tuyến đường tỉnh bị sạt lở ta luy âm và ta luy dương, nhiều đoạn đường bị hư hỏng nặng.

Với phương châm “chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả trong đó lấy phòng là chính”, chủ động đối phó trong mọi điều kiện thời tiết xấu năm 2012, nhằm hạn chế tới mức thấp nhất thiệt hại và đảm bảo giao thông an toàn, thông suốt trong mùa mưa bão, Ngành Giao thông Vận tải tỉnh Bắc Kạn đã triển khai công tác phòng, chống lụt, bão năm 2012 đến các đơn vị chức năng với những nội dung cụ thể:

Sở Giao thông Vận tải: Triển khai Pháp lệnh phòng, chống lụt, bão và các Nghị định về công tác phòng, chống thiên tai, lụt, bão đến các đơn vị; xây dựng kế hoạch PCLB năm 2012, phân công nhiệm vụ cụ thể, tăng cường hệ thống thông tin giữa các Ban chỉ huy phòng, chống lụt, bão và liên hệ chặt chẽ với chính quyền, Ban chỉ huy phòng, chống lụt, bão địa phương, các đơn vị đóng trên địa bàn để phối hợp hiệu quả trong công tác phòng, chống lụt bão; rà soát các phương tiện vận tải, xe máy chuyên dùng, vật tư trên địa bàn tỉnh để huy động ứng cứu khi có sự cố xảy ra; xây dựng phương án phân luồng đảm bảo giao thông; thực hiện tốt công tác bảo dưỡng thường xuyên trước, trong và sau mùa mưa, bão.

Đơn vị quản lý đường bộ: Thường xuyên kiểm tra hệ thống cầu, đường nhằm phát hiện, sữa chữa kịp thời những hư hỏng gây mất an toàn giao thông để có biện pháp, phương án kịp thời khi sự cố xảy ra;    thực hiện tốt công tác bảo dưỡng thường xuyên, trước, trong và sau mùa lụt, bão, đặc biệt là giữ mặt đường êm thuận, các công trình thoát nước được thông thoát, hệ thống báo hiệu đầy đủ, rõ ràng; chuẩn bị, bố trí các loại vật tư, phương tiện dự phòng (rọ đá, đá hộc..) cho từng khu vực, tuyến đường hợp lý và thuận lợi, đảm bảo tốt cho công tác ứng cứu.

Ban quản lý dự án sự nghiệp đường bộ: Sửa chữa kịp thời những hư hỏng gây mất an toàn giao thông; khi có sự cố xảy ra: Triển khai khắc phục thông xe, phối hợp với đơn vị quản lý đường bộ xử lý và tổng hợp số liệu thiệt hại, tổ chức, điều hành công tác sửa chữa, khắc phục hậu quả lụt, bão “bước 1”.

Thanh tra Sở GTVT: Xây dựng phương án, kế hoạch thường trực và ứng cứu giao thông trong mùa mưa, bão; tăng cường công tác kiểm tra hệ thống cầu, đường, phát hiện kịp thời những hư hỏng gây mất an toàn giao thông; phối hợp với các Ban QLDA, đơn vị quản lý đường bộ kiểm tra thường xuyên các nhà thầu thi công nâng cấp, sửa chữa cầu đường, các công trình trên tuyến, đôn đốc nhà thầu thực hiện tốt các biện pháp đảm bảo giao thông theo quy định; phối hợp với các đơn vị chức năng kiểm tra, xử lý kịp thời các phương tiện, đảm bảo đầy đủ điều kiện an toàn khi tham gia giao thông; kiểm tra chặt chẽ các thuyền, đò hoạt động trên sông Năng và Hồ Ba Bể.

Ban Quản lý dự án giao thông: Tăng cường kiểm tra, giám sát, chỉ đạo các nhà thầu xây dựng phương án phòng, chống, bảo vệ cơ sở vật chất, phương tiện hoạt động của đơn vị, đồng thời phối hợp với các đơn vị quản lý đường bộ, ban chỉ huy lụt, bão địa phương kịp thời ứng cứu, khắc phục đảm bảo giao thông khi lũ lụt xảy ra; đôn đốc các nhà thầu chấp hành nghiêm chỉnh công tác phòng, chống lụt, bão khi thi công, có phương án ứng cứu, đảm bảo giao thông được thông suốt.

Phòng Công thương các huyện, phòng Quản lý đô thị thị xã: Xây dựng phương án phòng, chống lụt, bão, đảm bảo giao thông trên các tuyến đường do huyện, thị quản lý; tăng cường công tác kiểm tra hệ thống cầu, đường, đặt biệt là các cầu treo, để phát hiện kịp thời những hư hỏng gây mất an toàn giao thông, đề nghị sửa chữa kịp thời; phối hợp với ban chỉ huy phòng chống lụt bão của Sở, các đơn vị quản lý và các nhà thầu đóng trên địa bàn tổ chức phân luồng và ứng cứu giao thông khi có sự cố xảy ra.

Trong thời gian xảy ra lụt, bão, thiên tai các đơn vị thực hiện tốt công tác trực 24/24h, ngoài việc báo cáo bằng văn bản theo quy định, khi có sự cố lớn xảy ra phải trực tiếp báo cáo bằng điện thoại qua một trong các số máy: 3870 150; 3870 109; 3870 161, 0913 340 879; 3872 993, 0913 270 065; 3871 826, 0912 211 536; 3811 989, 0912 533 126; 3870 162, 0913 270 153. Fax: 02813 871247./.

Bài trướcBa Bể: Đẩy nhanh tiến độ gieo cấy lúa vụ xuân
Bài tiếp theoBa bể với mô hình trồng mướp đắng cho thu nhập cao