Thôn Nà Lìn, nơi có diện tích trồng bí xanh thơm nhiều nhất xã Địa Linh với khoảng 4 ha mà hầu hết đều được chuyển đổi từ đất ruộng sang trồng bí xanh. Trung bình mỗi hộ gia đình có khoảng 3000 m2 trồng bí xanh thơm. Diện tích gieo trồng năm 2017 cũng tăng gấp đôi so với năm 2016, sản lượng ước đạt 150 tấn. Để tạo được chỗ đứng vững chắc cho bí xanh thơm trên thị trường, chủ động trong việc tiêu thụ sản phẩm, tháng 5 năm 2016, Tổ hợp tác nông lâm ngư thôn Nà Lìn được thành lập ban đầu với 18 thành viên và sau đó phát triển lên 35 thành viên. Tổ hợp tác là đầu mối thu mua bí xanh thơm cho các thành viên để tiêu thụ ra thị trường trong và ngoài tỉnh. Ngoài việc các hộ dân bán nhỏ lẻ thì trung bình mỗi ngày, Tổ hợp tác thu mua và tiêu thụ cho các thành viên hơn 1 tấn bí xanh. Theo Bà Vi Thị Lọc- Tổ trưởng Tổ hợp tác nông lâm ngư thôn Nà Lìn xã Địa Linh cho biết: Từ khi tham gia vào Tổ hợp tác tới nay, các hộ dân đều tuân thủ chặt chẽ về quy trình sản xuất sạch như: Sử dụng nước sạch và phân hữu cơ, chủ yếu là phân chuồng ủ hoai mục trong suốt quá trình chăm sóc; việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật được kiểm tra, giám sát chặt chẽ, từng bước hạn chế và chuyển dần sang các chế phẩm sinh học an toàn… Đây cũng là nguyên nhân chính làm cho sản phẩm bí xanh thơm trở thành một trong những loại rau sạch được rất nhiều người tiêu dùng ưa chuộng.
Các tổ viên tổ hợp tác Nông lâm ngư thôn Nà Lìn tập kết Bí xanh thơm để tiêu thụ ra thị trường trong và ngoài tỉnh.
Còn tại xã Mỹ Phương, dù là vùng núi nhưng những đồi chè ở Mỹ Phương không có độ dốc quá lớn. Từng vạt chè được trồng theo lối thẳng hàng rất thuận tiện cho sử dụng máy móc hỗ trợ sản xuất. Toàn xã hiện đã có khoảng 500ha chè trong đó có 455ha đã cho thu hoạch hứa hẹn một vùng nguyên liệu dồi dào. Tháng 3 năm 2017 vừa qua, HTX chè Mỹ Phương được thành lập kỳ vọng sẽ là khâu quan trọng trong chuỗi giá trị sản xuất chè an toàn tại địa phương. Hợp tác xã ban đầu có 7 thành viên, với diện tích chè 38ha, mỗi thành viên đóng góp 5 triệu đồng vốn ban đầu. Hợp tác xã đang vận động thành viên trồng mới thêm 7ha chè đồng thời vận động thêm các hộ dân khác cùng tham gia vào Hợp tác xã, phối hợp với các đơn vị tổ chức tập huấn kỹ thuật trồng chè an toàn cho 34 học viên. Phía UBND huyện Ba Bể đang nghiên cứu để đưa ra phương án hỗ trợ Hợp tác xã xây dựng nhà xưởng; hỗ trợ máy sao chè bằng ga công nghiệp và máy hút chân không đóng gói chè . Đối với xây dựng thương hiệu, tem nhãn, mã vạch, UBND huyện Ba Bể sẽ hỗ trợ Hợp tác xã thực hiện. Với quy trình trồng chè an toàn đã được tập huấn, huyện Ba Bể đang nỗ lực để có thể đưa Hợp tác xã vào sản xuất trong năm 2017 này.
Chè Mỹ Phương đang đem lại hiệu quả kinh tế cho người dân địa phương.
Đến nay, toàn huyện đã có 4 HTX và 9 Tổ hợp tác với khoảng trên 100 thành viên đang tham gia hoạt động trong các lĩnh vực chủ yếu là sản xuất nông sản và chế biến tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ. HTX, tổ hợp tác có mức doanh thu đạt khá từ 500 – 600 triệu đồng/ năm trong đó mỗi thành viên có mức thu nhập trung bình 4,2 triệu đồng/tháng.
Bà Nguyễn Thị Nga – Trưởng Phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Ba Bể cho biết: Mục tiêu của huyện sẽ tập trung phát triển các loại hình hợp tác xã, tổ hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp trong chuỗi giá trị sản xuất hàng hóa và chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới vì vậy những chuyển biến tích cực từ hiệu quả hoạt động của các mô hình HTX, Tổ hợp tác hiện nay đang là một cầu nối quan trọng tạo sự liên kết giữa 4 nhà và hiện thực hóa các chủ trương của Ðảng và Nhà nước về việc xây dựng chuỗi liên kết bền vững trong sản xuất – chế biến – tiêu thụ nông sản an toàn tại địa phương.