Ba Bể – một tiềm năng du lịch lớn

Nằm trong vùng du lịch miền núi Đông Bắc, khu du lịch Ba Bể (huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn) có một hệ thống hang động, thác ghềnh đặc sắc và độc đáo với nhiều loại hình du lịch phong phú với gần 20 điểm di tích danh lam thắng cảnh, đã hấp dẫn được đông đảo du khách thập phương đến tham quan, trở thành nơi có một tiềm năng du lịch sinh thái và văn hoá lớn mạnh

Vườn Quốc gia Ba Bể – di sản ASEAN

Vườn Quốc gia Ba Bể với những cánh rừng già nguyên sinh, hệ động thực vật phong phú, đa dạng, là nơi bảo tồn và lưu giữ các nguồn gen quý hiếm, đã được công nhận là di sản ASEAN. Vườn Quốc gia Ba Bể có diện tích 23.340 ha (bao gồm một phần diện tích của các xã Nam Mẫu, Cao Thượng, cao Trĩ, Quảng Khê). Nơi đây có một hệ thống rừng nguyên sinh trên núi đá vôi bao bọc xung quanh hồ nước, là một di sản thiên nhiên quý giá. Vườn cũng là nơi bảo tồn sinh cảnh rừng. Ở đây có tới 660 loài thực vật và 527 loài động vật với nhiều loài quý hiếm (phượng hoàng đất, gà lôi, voọc mũi ếch, voọc đen má trắng, cầy vằn bắc…) còn được lưu giữ ở đây. Riêng khu hệ bướm hiện đã ghi nhận 332 loài, trong đó có 20 loài mới được tìm thấy lần đầu ở Việt Nam. Các loài cá nước ngọt sống trong hồ Ba Bể có 87 loài, chiếm khoảng 1/3 số loài khu hệ cá nước ngọt miền Bắc Việt Nam, trong đó có 11 loài quý hiếm được ghi trong sách đỏ Việt Nam.

Hồ Ba Bể

Không chỉ có một hệ thống sinh cảnh rừng phong phú, Vườn Quốc gia Ba Bể còn có một thắng cảnh đẹp và hấp dẫn. Nằm ở trung tâm Vườn quốc gia Ba Bể, hồ kiến tạo tự nhiên lớn nhất Việt Nam, được UNESCO xếp vào một trong 20 hồ nước ngọt tự nhiên đẹp nhất trên thế giới cần được bảo vệ và phát triển. Đến du lich hồ Ba Bể, du khách sẽ được đắm mình trong ao Tiên trong lành, mát mẻ mang câu chuyện cổ tích huyền bí; được thưởng ngoạn suối thác, ăn rau rừng, cá suối, gà đồi…; khám phá hang động (động Puông, động Hua Mạ) với nhiều hình thù, cột đá hùng vĩ, trong động còn có đàn dơi hàng chục vạn con sinh sống và trú ngụ; được chiêm ngưỡng một thác Đầu Đẳng ngoạn mục của những tảng đá lớn nhỏ xếp chồng lên nhau và đảo bà Góa độc đáo nằm giữa lòng hồ… Nước hồ Ba Bể bốn mùa một màu xanh ngắt đầy quyến rũ, được bao bọc bởi rừng nhiệt đới tạo nên khí hậu nơi đây rất mát mẻ và trong lành.

Ba Bể – tiềm năng du lịch


Động Hua Mạ với nhiều nhũ đá độc đáo

Không chỉ có một môi trường sinh thái với vẻ đẹp hoang sơ của những di tích danh thắng đặc sắc, độc đáo, gắn liền với sự tích, huyền thoại, mà với 5 dân tộc anh em sinh sống (Tày, Mông, Dao, Nùng và Kinh), du lịch Ba Bể là nơi hội tụ nhiều nền văn hóa phong phú và đặc sắc. Những nét sinh hoạt văn hóa của đồng bào Tày, Dao, Mông… với các làn điệu dân ca như hát Then, Sli, Lượn, múa khèn, các lễ hội truyền thống (hội Lồng tồng, hội xuân)…, trò chơi dân gian (đua thuyền độc mộc, chọi bò, võ dân tộc, bắn cung, bắn nỏ…) đã tạo nên sự hấp dẫn, khiến nơi đây thu hút được một lượng lớn khách du lịch hàng năm.

Năm 2010, lượng du khách đến nghỉ dưỡng tại vùng hồ Ba Bể là 150.578 lượt khách, trong đó có 5.334 lượt khách quốc tế, mang lại doanh thu cho tỉnh Bắc Kạn 75,2 tỷ đồng. Năm 2011, số lượng khách du lịch đến với Ba Bể ước tính đạt 24.538 lượt, trong đó khách quốc tế có 4.468 lượt, khách nội địa có 19.890 lượt. Doanh thu năm 2011 ước đạt 1,030 tỷ đồng.

Sự phát triển của khu du lịch Ba Bể không chí có ý nghĩa quan trọng trong phát triển du lịch của địa phương Bắc Kạn mà còn với du lịch cả nước. Sự phát triển du lịch sinh thái ở đây, ngoài ý nghĩa về kinh tế còn góp phần rất quan trọng vào nỗ lực bảo tồn đa dạng sinh học, môi trường tự nhiên của Vườn quốc gia. Vườn Quốc gia Ba Bể là một trong những khu bảo vệ có ý nghĩa về bảo tồn đa dạng các sinh cảnh đất ngập nước, hồ nội địa tự nhiên lớn nhất ở Việt Nam. Bởi vậy, với cảnh quan địa chất độc đáo và đa dạng sinh học đó, Vườn quốc gia Ba Bể được công nhận là 1 trong 21 khu du lịch quốc gia Việt Nam.

Vị trí của du lịch hồ Ba Bể đã được xác định rõ trong chiến lược phát triển du lịch Việt Nam thời kỳ 2011 – 2020 và tầm nhìn đến 2030, trong quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam thời kỳ đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Theo đó, Ba Bể được xác định là khu du lịch sinh thái chuyên đề cấp Quốc gia trong hệ thống 30 khu du lịch Quốc gia đã được xác định. Hội nghị quốc tế về hồ nước ngọt tại Mỹ đã xếp hồ Ba Bể là một trong những hồ nước ngọt đặc biệt cần được bảo vệ.

Tuy nhiên, so với nhiều khu du lịch khác ở nước ta, lượng du khách đổ về khu du lịch hồ Ba Bể hiện vẫn còn ở mức thấp, do những khó khăn về cơ sở hạ tầng cũng như sự phát triển nguồn nhân lực, hệ thống đường sá đi kèm với nét văn hóa đặc trưng đồng bào dân tộc. Việc khai thác các tiềm năng du lịch sinh thái Vườn quốc gia Ba Bể nói riêng và tỉnh Bắc Kạn nói chung để phục vụ nhu cầu tham quan, nghiên cứu, nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái… còn nhiều hạn chế. Các sản phẩm du lịch còn kém hấp dẫn chưa tương xứng với tiềm năng.

Đảo Bà Góa

Cuối năm 2011, Dự án 3PAD tỉnh Bắc Kạn đã phối hợp với Trung tâm nghiên cứu tư vấn về phát triển (DRCC) tổ chức hội thảo về “Xây dựng chiến lược phát triển du lịch sinh thái hồ Ba Bể và các vùng tiềm năng tỉnh Bắc Kạn” với mục đích khai thác có hiệu quả những tiềm năng du lịch đặc sắc của Vườn quốc gia Ba Bể, đáp ứng nhu cầu tham quan, du lịch, nghiên cứu của khách du lịch, góp phần tích cực vào việc bảo tồn các giá trị cảnh quan, sinh thái, đa dạng sinh học Vườn quốc gia và công tác nỗ lực xóa đói giảm nghèo, phát triển bền vững ở địa phương. Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh cũng tổ chức các lớp tập huấn đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác du lịch.

Cùng với đó, tỉnh Bắc Kạn nói chung và huyện Ba Bể nói riêng cũng đã xây dựng kế hoạch, chính sách nhằm phát triển du lịch cũng như đào tạo phát triển nguồn nhân lực về du lịch, chú trọng đầu tư, nâng cấp, hiện đại hóa hệ thống cơ sở vật chất phục vụ cho du lịch, nâng cao chất lượng phục vụ, đa dạng hóa các loại hình dịch vụ, tăng cường các biện pháp đảm bảo an toàn cho du khách. Đặc biệt, tỉnh phối kết hợp với huyện cải tạo nâng cấp những tuyến đường vòng quanh hồ, đường đi bộ lên núi, xây dựng khách sạn cao cấp, đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình, hệ thống đường giao thông để phục vụ cho việc phát triển du lịch.

Ngoài ra, huyện đẩy mạnh việc tuyên truyền, quảng bá về du lịch hồ Ba Bể, chủ động liên hệ, liên kết, kết nối du lịch Hồ Ba Bể với các tua du lịch khác ở các vùng miền trong cả nước, tập trung phát triển các loại phương tiện du lịch như: Xuồng, thuyền độc mộc, thành lập các đội văn nghệ phục vụ du khách, quảng bá những mặt hàng đặc sản của địa phương…

Song bên cạnh đó, đối với việc đầu tư, nâng cấp khu du lịch Vườn Quốc gia, huyện Ba Bể còn gặp không ít khó khăn, nhất là nguồn kinh phí đầu tư cho phát triển cơ sở hạ tầng du lịch còn hạn chế; các khu di tích và nhiều hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian (lễ hội, hoạt động của các làng nghề truyền thống) chưa được đầu tư, phát triển đúng mức.

Đua thuyền – Trò chơi dân gian trong dịp Hội xuân đầu năm

Bởi vậy, có thể thấy với một địa thế cùng khung cảnh thiên nhiên, con người được tạo hóa ban tặng, nhưng đến nay, du lịch Ba Bể vẫn chỉ mới ở dạng tiềm năng và đang phát triển. Để có thể phát huy tối đa và có hiệu quả các tiềm năng du lịch đó thì cần có sự quan tâm, tạo điều kiện của các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương và sự nỗ lực của người dân địa phương. Có như vậy, du lịch Ba Bể mới có thể cất cánh, xứng đáng với những gì thiên nhiên ban tặng và đóng góp tích cực cho phát triển du lịch của địa phương nói riêng và cả nước nói chung./.

Bài trướcTrùng tu chùa Phố Cũ: Giữ bản sắc một vùng biên
Bài tiếp theoKhu du lịch Vườn quốc gia Ba Bể – tuyệt tác thiên nhiên