Ba Bể: Hiệu quả từ những Câu lạc bộ Sinh kế và Quyền phụ nữ

Hơn 3 năm triển khai và thực hiện (2009 – 2012), các câu lạc bộ (CLB) “Sinh kế và quyền phụ nữ” tại huyện Ba Bể đã thực sự thu hút được đông đảo chị em tham gia. Qua đó, góp phần đẩy mạnh hoạt động của hội phụ nữ các cấp trên địa bàn, tham gia tích cực vào công tác xóa đói, giảm nghèo của huyện.

 
 

Mô hình trồng lạc đỏ tại xã Quảng Khê.

 

Với mục tiêu cải thiện sinh kế, xóa đói giảm nghèo bền vững và công bằng cho người nghèo nông thôn thuộc vùng dự án, thu hút tập hợp các chị em phụ nữ tham gia các câu lạc bộ “sinh kế và quyền phụ nữ” nhằm nâng cao cuộc sống, tạo điều kiện cho chị em phụ nữ được thực hiện các quyền của mình. Từ năm 2009 đến nay, với sự chỉ đạo của Ban thực hiện dự án tỉnh(Dự án 3PAD), huyện Ba Bể đã thành lập được 50 câu lạc bộ “sinh kế và quyền phụ nữ” với trên 2.500 thành viên tự nguyện tham gia, trong đó có 1.063 thành viên hộ cận nghèo, 930 thành viên là hộ nghèo.

 Đồng chí Triệu Thị Thơm – Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Ba Bể cho biết: Nếu như năm 2009, toàn huyện mới thành lập được 12 CLB sinh kế và quyền phụ nữ tại các xã Khang Ninh, Phúc Lộc, Cao Trĩ, Thị trấn Chợ Rã, Quảng Khê… Với 530 thành viên tham gia, trong đó có 217 thành viên hộ cận nghèo, 223 thành viên là hộ nghèo. Đến nay, trên địa bàn huyện Ba Bể đã có 50 CLB Sinh kế và Quyền phụ nữ ở tất cả 16/16 xã, thị trấn. Với sự hỗ trợ về nguồn vốn từ Dự án 3PAD, các CLB đều có nhà sinh hoạt kiên cố với nhiều trang thiết bị phục vụ sinh hoạt như: bàn ghế, loa đài…

 Để thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế, thông qua CLB sinh kế và quyền phụ nữ không chỉ là địa chỉ thu hút chị em hội viên phụ nữ tham gia sinh hoạt mà còn là cầu nối hiệu quả giữa Hội Phụ nữ cấp trên với chị em ở cơ sở. Qua đó, tạo điều kiện cho các chị em được  tư vấn, hỗ trợ kịp thời về thông tin kiến thức cũng như nguồn vốn để chị em đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, từng bước ổn định cuộc sống vươn lên thoát nghèo, tham gia tích cực vào công tác xóa đói, giảm nghèo của huyện.

 Trong đó, Ban chủ nhiệm 50 CLB đã tham mưu đề xuất  để các thành viên trong CLB được tiếp cận với các nguồn vốn 24%, tại địa phương là 21%, có 395 thành viên CLB được vay nguồn vốn 24%. Đặc biệt, các câu lạc bộ đã không ngừng thay đổi nội dung và phương thức hoạt động, thu hút ngày càng đông phụ nữ tham gia; tổ chức giao lưu “Bạn và tôi”, “Dinh dưỡng cho trẻ dưới 5 tuổi”; phối hợp với tổ chức CARE tập huấn nâng cao năng lực cho phụ nữ và tổ chức các chuyến tham quan, tiếp cận các mô hình phát triển kinh tế có hiệu quả tại tỉnh bạn như: tham quan mô hình CLB “Pháp luật và đời sống” tại xã Vũ Lâm, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hoà Bình; mô hình trồng mía tại xã Nông Hạ, Chợ Mới; mô hình phòng chống bạo lực gia đình tại huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình; mô hình hoạt động tín dụng tại huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ; mô hình phát triển kinh tế, kinh nghiệm quản lý, quỹ có hiệu quả tại tỉnh Bến Tre…

 Để đẩy mạnh phát triển kinh tế, Hội phụ nữ huyện phối hợp thực hiện thí điểm các mô hình kinh tế gắn với các hoạt động của CLB như: Năm 2009, triển khai mô hình trồng chuối tây tại CLB thôn Khuổi Luồm, xã Yến Dương với 10 thành viên CLB tham gia thực hiện mô hình, trong đó có 3 hộ nghèo,5 hộ cận nghèo, 3 hộ trung bình với diện tích triển khai là 1ha; Năm 2012, thực hiện 6 mô hình phát triển kinh tế  tại 6 CLB với sự hỗ trợ kỹ thuật của Trạm khuyến nông- khuyến lâm như: mô hình trồng cây lạc đỏ triển khai tại 2 CLB thôn Bản Pỵac xã Quảng Khê và thôn Bản Hon xã Bành Trạch với 40 thành viên CLB tham gia thực hiện, trong đó có 7 hộ nghèo, 11 hộ cận nghèo, diện tích thực hiện là 2ha…

 Đặc biệt, để đáp ứng nhu cầu của các thành viên CLB, Hội phụ nữ huyện đã chủ động phối hợp với Hợp tác xã dịch vụ tổng hợp và sản xuất nông nghiệp lúa vàng tỉnh Bắc Giang triển khai mô hình chăn nuôi lợn móng cái sinh sản tại 2 nhóm sở thích của 2 CLB” sinh kế và quyền phụ nữ thôn Nà Hỏi xã Phúc Lộc và thôn Bản Chiêng xã Cao Trĩ với 30 thành viên tham gia và được cung cấp 30 con giống.  

 Đến nay, các câu lạc bộ “Sinh kế và quyền phụ nữ” đã thực sự trở thành địa điểm sinh hoạt bổ ích, lành mạnh, là nơi giúp đỡ các thành viên tiếp cận, trao đổi thông tin về khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi, trồng trọt phát triển kinh tế, đồng thời nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ trong thời kỳ đổi mới./.

Bài trướcVới diện tích 560m2, chị Nguyễn Thị Thanh, Tiểu khu 4, thị trấn Chợ Rã (Ba Bể) đã có thu nhập cao từ việc trồng hoa ly ly vụ đông, đáp ứng thị trường hoa tết.
Bài tiếp theoBa Bể: Xã Hà Hiệu tập trung đẩy nhanh tiến độ quy hoạch xây dựng nông thôn mới