Nam Mẫu là một xã vùng trũng của huyện Ba Bể, hầu như năm nào xã cũng phải gánh chịu những thiệt hại nặng nề nhất trong mùa mưa bão. Sống chung với lũ là điều bà con nhân dân nơi đây tự xác định. Cũng chính nhờ đó mà vấn đề phòng ngừa, đối phó với những thiệt hại do thiên tai gây nên ở đây trở nên chủ động hơn. Cũng như một số hộ gia đình nằm trong vùng nguy cơ, gia đình ông Hứa Văn Cầm ở thôn Pác Ngòi xã Nam Mẫu trước đây ở dưới chân đồi, mỗi khi mùa mưa bão đến, đất đá thường sạt lở vào nhà rất nguy hiểm. Cuối năm 2015, được hỗ trợ của nhà nước 20 triệu đồng, cùng với sự giúp đỡ của bà con làng xóm, gia đình ông đã di chuyển đến nơi ở mới an toàn và yên tâm ổn định sản xuất.
Ảnh: Công trình kè chống sói lở Trường Tiểu học xã Địa Linh được xây dựng trong năm 2016.
Còn theo ông Hoàng Văn Hôn – Chủ tịch UBND xã Đồng Phúc, trên cơ sở những nguyên nhân và bài học kinh nghiệm từ các trận mưa bão trước, bước vào mùa mưa bão năm nay, xã Đồng Phúc đã chủ động xây dựng phương án phòng chống lụt bão sát với thực tế, thực hiện phương châm “ 4 tại chỗ” đồng thời tiến hành kiểm tra, rà soát sửa chữa kịp thời những công trình hư hỏng, những khu vực có nguy cơ sạt lở và di dời những hộ dân ở khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn.
Ông Cao Minh Hải – Chủ tịch UBND huyện Ba Bể cho biết: Trong năm 2015, huyện Ba Bể đã chịu ảnh hưởng của nhiều cơn bão, gió lốc và mưa đá gây thiệt hại không nhỏ cho các địa phương trên địa bàn huyện. Cụ thể đã có 63,6ha đất ruộng bị sạt lở, 1,7 ha bị vùi lấp, trên 1.100 con gia súc gia cầm,70% diện tích ao nuôi thủy sản bị thiệt hại, 15 công trình thủy lợi và 40 nhà dân bị sạt lở vùi lấp hoặc tốc mái….Năm 2016, qua rà soát, huyện Ba Bể có 480 điểm dân cư nằm trong vùng nguy cơ thiên tai cao tập trung chủ yếu ở các xã Địa Linh, Cao Trĩ, Đồng Phúc, Nam Mẫu, Yến Dương, Quảng Khê, thị trấn Chợ Rã…Để chủ động trong công tác phòng chống thiên tai trước mùa mưa bão, huyện Ba Bể đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn kiểm tra, đánh giá chất lượng các công trình kè chống sạt lở, công trình giao thông, thủy lợi để có phương án sửa chữa, nâng cấp, gia cố nhằm bảo đảm an toàn. Đồng thời kiện toàn Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn của huyện, xây dựng phương án, phân công nhiệm vụ cho các thành viên, kiểm tra việc thực hiện phương châm “4 tại chỗ” bảo đảm về hậu cần, kỹ thuật, lực lượng, phương tiện từ huyện đến cơ sở… đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến cho nhân dân phương án phòng chống lốc xoáy, mưa đá, ngập úng và tinh thần đoàn kết, tương trợ giúp đỡ lẫn nhau trong công tác ứng cứu, khắc phục hậu quả thiên tai. Một mùa mưa bão lại đang về mang theo nhiều nỗi lo lắng nhưng với tinh thần chủ động ứng phó cùng những giải pháp tích cực, chính quyền và người dân huyện Ba Bể đã và đang sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống thiên tai có thể xảy ra với quyết tâm hạn chế tới mức thấp nhất những thiệt hại về người và tài sản khi có mưa bão.