Đại thắng mùa xuân trong ký ức của cựu chiến binh Bùi Văn Định

Miền Nam được giải phóng, đất nước Việt Nam đã hoàn toàn thống nhất được 43 năm nhưng cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 và kết thúc bằng chiến thắng ngày 30/4/1975 luôn được khắc ghi trong trái tim mỗi người dân Việt Nam. Đặc biệt là đối với những cựu chiến binh tham gia cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, lịch sử ngày 30/4/1975 vẫn còn vẹn nguyên trong ký ức.

Cựu chiến binh Bùi Văn Định vinh dự là một trong những người lính Bắc Kạn đầu tiên tiến vào Dinh Độc lập, được chứng kiến những giây phút đầu tiên của ngày miền Nam giải phóng. Đã 43 năm trôi qua và tuổi đã cao (ông đã 68 tuổi) nhưng trò chuyện với chúng tôi về chiến thắng ngày 30/4/1975, ông vẫn nhớ như in bởi đó là những ngày tháng không bao giờ quên của “một thời máu lửa”. Giữa năm 1970, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, Bùi Văn Định – chàng sinh viên Trường Đại học Lâm nghiệp Đông Triều, Quảng Ninh lên đường nhập ngũ, mang theo lời hứa với nhà trường khi hòa bình sẽ tiếp tục trở về học. Vào bộ đội ông được chọn vào binh chủng tăng thiết giáp, trải qua bao trận chiến cam go, khốc liệt, ông vinh dự và tự hào là một trong những chiến sĩ của Lữ đoàn xe tăng 203, Quân đoàn 2 tiến vào Dinh độc lập vào ngày 30/4/1975 lịch sử.

Sau khi trải qua thời gian huấn luyện đến tháng 10/1971, ông cùng đồng đội lên đường tiến vào Vinh, sau đó đóng quân ở gần khu vực Hồ Cẩm Ly, Lệ Thủy (Quảng Bình). Đến đầu năm 1972, đơn vị ông được lệnh bí mật cơ động vào  A Lưới phía tây của Huế để cùng với bộ binh có sẵn trong đó làm mũi vu hồi chiến dịch khi từ ngoài này ta tiến công chính diện vào thành phố Huế. Suốt dọc đường hành quân vào Nam anh cùng đồng đội đã không biết bao nhiêu lần phải hứng những trận mưa bom của địch. Vừa hành quân, vừa tác chiến, đánh Huế, đánh chiếm đèo Hải Vân, tham gia giải phóng Đà Nẵng. Đến ngày 15/4/1975, đơn vị ông dừng chân ở Cam Ranh để chuẩn bị cho cuộc tiến công “lá chắn thép” Phan Rang, tuyến phòng thủ vòng ngoài của Sài Gòn. Lúc đó ông là trợ lý tham mưu của Tiểu đoàn 4, Lữ đoàn xe tăng 203. Trước đó Tiểu đoàn ông đã được Bộ Tư lệnh giao nhiệm vụ đi trước để làm “cây lao thép” quyết tâm chọc thủng bằng được lá chắn này. Do cấp trên quyết định phải chớp thời cơ đánh ngay nên không có nhiều thời gian đi trinh sát xem địch bố trí thế nào, công sự vật cản ra sao…

 Cựu chiến binh Bùi Văn Định kể lại quá trình tiến vào Dinh độc lập ngày 30/4/1975

Trước tình hình đó, tiểu đội trưởng Phạm Ngọc Bảng đã cử ông chỉ huy chiếc xe thiết giáp R406 vượt lên trước đi trinh sát nắm tình hình địch. Ngoài ông ra trên xe có thêm đồng chí Liêm, Trung đội trưởng công binh cùng đi với nhiệm vụ nắm tình hình đường sá, công sự, vật cản và 04 chiến sĩ của Đại đội 8.

Ông Bùi Văn Định chia sẻ: “Thực tình khi nhận nhiệm vụ mình cũng hết sức lo lắng vì hình thức trinh sát quá mới mẻ này. Nói đến trinh sát ai cũng biết là phải bí mật, lợi dụng đêm tối, địa hình, địa vật để bò vào cứ điểm địch quan sát. Đằng này lại là một chiếc xe thiết giáp to lù lù, chạy trên quốc lộ giữa trưa hè trời nắng như đổ lửa.” Lệnh cho xe thiết giáp R406 lên đường, quốc lộ số 1 rộng thêng thang, không một bóng người. Ông cho xe đi với tốc độ vừa phải và lệnh cho các chiến sỹ trên xe phải hết sức cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu cao. Xuất phát từ 13h30 mà đến 17h chiều ông và đồng đội không gặp một bóng người. Đến 18h khi phát hiện ngôi làng nằm bên phải đường tuy im lìm song lại có những ngọn khói đang bốc lên, anh quyết định dừng xe. Sau khi dừng xe ông ra lệnh cho 2 đồng chí theo anh xuống, còn lại sẵn sàng nổ súng yểm hộ.Vừa xuống xe được vài chục mét thì bất thình lình có 3 họng súng chĩa thẳng vào ông và 2 đồng đội. Nhìn thấy mũ tai bèo mà 3 người cầm súng đang đội anh hô lớn “Quân ta đây mà”. May mà phát hiện kịp thời là đồng đội không thì đã có nổ súng rồi. Thì ra 3 đồng chí đấy là lính trinh sát của Sư đoàn 3 đang ở lại chờ quân ta để báo cáo tình hình. Ngay lập tức anh phát tín hiệu cho tiểu đoàn dừng lại và đưa các chiến sỹ trinh sát về gặp tiểu đoàn trưởng để báo cáo tình hình. Về sau khi chỉ còn cách địch ở Phan Rang tầm 3 ki lô mét trong đêm ông lại một lần nữa chỉ huy chiếc thiết giáp R406 tiến lên trước làm nhiệm vụ trinh sát, sau khi gặp được nhóm trinh sát của Sư đoàn 325, phát hiện và nắm sơ qua tình hình của địch chiếc xe của anh nhường đường cho xe tăng vượt lên công kích. Chiếc xe trinh sát R406 của ông vẫn tiếp tục bám sát đội hình đại đội 3 và yểm trợ đắc lực cho những chiếc xe tăng cùng đồng đội giải phóng thị xã Phan Rang. 

Sau đó khi tiến vào giải phóng Sài Gòn, Lữ đoàn 203 xe tăng nhận nhiệm vụ đi đầu làm lực lượng thọc sâu vào nội đô với mục tiêu chủ yếu là Dinh Tổng thống ngụy quyền Sài Gòn. 10h ngày 29/4/1975 ông cùng đồng đội đã đánh chiếm được ngã ba Thái Lan. Đến 5h ngày 30/4 đã đến cầu Long Bình, tầm 8-9h đến cầu Sài Gòn. Ngay gần đầu cầu là những chướng ngại vật được xếp bằng thùng phuy đứng sừng sững. Bất chợt những chiếc xe tăng của địch nấp sau chướng ngại vật phát hỏa, trên đầu là máy bay địch quần lượn định nhào xuống cắt bom, pháo tầm xa của địch cũng liên tục bắn vào Lữ đoàn 203. Ngay loạt đạn đầu tiên của địch, 2 xe tăng của ta đã bị cháy, chiếc xe thiết giáp của phân đội trinh sát cũng trúng đạn pháo. Tiểu đoàn trưởng Ngô Văn Nhỡ và một số chiến sỹ hy sinh. Các đồng đội của ông đã anh dũng chiến đấu, xung phong vượt cầu, bắn trả khiến cho quân địch bị tê liệt. Vượt qua cầu Sài Gòn vào thành phố, đã chạy hết một dãy phố anh và đồng đội vẫn chưa biết Dinh Tổng thống ngụy ở đâu, đường phố thì vắng tanh, nhà nào nhà đấy đóng cửa im lìm. Đồng đội ông mỗi xe chạy một hướng, xe nhanh, xe chậm, nhưng cuối cùng cũng đến được Dinh Độc lập để chứng kiến thời khắc lịch sử khi chiếc xe 390 lao thẳng vào cổng làm một cánh cổng đổ sập xuống, cánh kia bung bản lề đổ nghiêng và cảnh Đại đội trưởng Thận cắm lá cờ giải phóng trên nóc Dinh độc lập.

Hòa bình lập lại, sau khi hoàn thành các nghĩa vụ của người lính, người chiến sỹ của Lữ đoàn xe tăng 203 ấy vẫn nhớ lời hẹn cùng các thầy cô, bạn bè. Sau 6 năm khoác trên mình màu xanh áo lính, bảo vệ Tổ quốc, tháng 8/1976 ông lại trở về Khoa Kinh tế Trường Đại học Lâm nghiệp ở Đông Triều, Quảng Ninh để thực hiện ước mơ còn dang dở ngày nào. Ra trường trải qua nhiều vị trí công tác, đến năm 2008 ông là Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Kạn, Chi Cục trưởng, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bắc Kạn. Đến năm 2011 ông về nghỉ hưu tại thị trấn Chợ Rã, huyện Ba Bể.

 Cựu chiến binh Bùi Văn Định chia sẻ với phóng viên những kỷ niệm về ngày đại thắng mùa xuân năm 1975 qua những bức ảnh in đậm dấu mốc tự hào của dân tộc.

Hơn 40 năm đã trôi qua nhưng ngày đại thắng mùa xuân năm 1975 và những ngày tuổi trẻ anh hùng tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ vẫn mãi trong ký ức của người cựu chiến binh Bùi Văn Định. Lần giở tập ảnh ghi lại chuyến thăm chiến trường xưa nhân kỷ niệm 40 năm Ngày Giải phóng Miền Nam thống nhất đất nước, ông  Định giới thiệu với chúng tôi mỗi tấm ảnh là một địa điểm đáng nhớ và ông lại tự hào kể cho chúng tôi nghe những ngày tháng chiến đấu gian khổ mà không nhụt chí trước quân thù của bộ đội ta để giành độc lập, tự do cho dân tộc. Với ông, hàng năm, cứ đến dịp kỷ niệm Ngày giải phóng Miền Nam, ký ức lại ùa về, những hình ảnh về năm tháng lịch sử ấy cứ dần hiện lên như thước phim quay chậm.

Bài trướcHội nghị tuyên truyền phòng, chống ma tuý tại huyện Ba Bể
Bài tiếp theoTuyên truyền BHXH, BHYT thông qua Hội Nông dân và Hội Liên hiệp Phụ nữ