Phát triển kinh tế thủy sản ở Ba Bể – cần những chính sách hữu hiệu

Các xã phía Tây huyện Ba Bể (Nam Mẫu, Khang Ninh…) có diện tích ao hồ tự nhiên lớn hơn so với các địa phương khác trong huyện, là nơi có tiềm năng phát triển ngành kinh tế thủy sản.

Xã Nam Mẫu là một trong những xã có diện tích mặt nước tự nhiên lớn nhất của huyện, với tổng diện tích mặt nước tự nhiên lên đến trên 500ha, rất thuận lợi cho việc phát triển kinh tế thủy sản. Từ cách đây nhiều năm, một số hộ dân ở địa phương đã biết tận dụng lợi thế sẵn có về mặt nước để phát triển ngành kinh tế thủy sản.

Ông Lý Ngọc Hải đang thả thức ăn cho cá

Gia đình ông Lý Ngọc Hải, thôn Cốc Tộc, xã Nam Mẫu là một trong những hộ gia đình đã gắn bó lâu năm với nghề nuôi cá. Từ năm 1990, ông Hải đã mạnh dạn cùng gia đình bỏ vốn đầu tư, mở rộng diện tích ao hồ để thả cá. Theo ông Hải, so với làm nông nghiệp, nghề nuôi cá không tốn nhiều công sức, chi phí không quá lớn, chỉ phải bỏ vốn ban đầu đào ao và mua giống. Trong quá trình nuôi cá, bên cạnh các loại thức ăn chăn nuôi thủy sản bán trên thị trường, còn có thể tận dụng nguồn rong rêu và các loại thức ăn có sẵn (cám, bã, các loại cỏ) để làm thức ăn phụ. Bởi vậy, cùng với vốn đầu tư ban đầu không lớn và giá bán trung bình trên thị trường từ 15.000 – 20.000/kg cá thương phẩm như hiện nay, thì việc phát triển kinh tế thủy sản đã mang lại một nguồn thu đáng kể cho gia đình ông.

Tuy nhiên, cho đến nay, trên diện tích mặt nước 500ha, thì người dân hiện nay tận dụng chỉ chiếm khoảng 30ha với khoảng 10 hộ gia đình tham gia nuôi cá và chủ yếu theo hướng nhỏ lẻ, truyền thống. Một trong những nguyên nhân chủ yếu khiến người nông dân không mặn mà với ngành nghề giàu tiềm năng này là do thị trường tiêu thụ không ổn định, người nuôi chủ yếu tiêu thụ tại các chợ phiên trong và ngoài huyện, nên giá cả bấp bênh, có lúc giá cá rớt xuống đến 5.000/kg.

Bên cạnh đó, sự thiếu hụt các chính sách về khuyến khích đầu tư, bà con chưa được hướng dẫn áp dụng các cải tiến khoa học kỹ thuật, khiến người dân không mấy quan tâm đến việc nuôi cá. Các hộ dân phần lớn nuôi cá theo kinh nghiệm truyền thống, với mục đích chủ yếu để phục vụ cuộc sống gia đình. Bởi vây, thế mạnh tự nhiên này trên địa bàn huyện Ba Bể vẫn chưa được tận dụng một cách hiệu quả. Người dân chưa coi đây là một hướng thoát nghèo tiềm năng.

Trong những năm gần đây, huyện Ba Bể luôn xác định phát triển kinh tế vùng là một nhiệm vụ trọng tâm để hình thành các vùng chuyên canh hóa nông sản, tạo sự thuận lợi trong liên kết giữa nhà nông – nhà nước và doanh nghiệp, góp phần giảm tỷ lệ đói nghèo. Trong đó, có nhiệm vụ phát triển kinh tế thủy sản thành ngành kinh tế mũi nhọn của các xã phía Tây, nơi có diện ích ao hồ tự nhiên lớn như Khang Ninh, Nam Mẫu… Tuy nhiên, ngành kinh tế này vẫn chưa thực sự hình thành rõ nét.

Ông Trần Văn Lập, Chủ tịch UBND xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể cho biết: Mặc dù thời gian qua huyện đã có những chủ trương nhằm đầu tư phát triển nguồn tài nguyên này, tuy nhiên cho đến nay, việc thực hiện hầu như vẫn nằm trên giấy và chưa có những động thái cụ thể nào hữu hiệu.

Vậy nên, trong thời gian tiếp theo, để phát huy được những tiềm năng, thế mạnh ngành kinh tế thủy sản của địa phương, huyện Ba Bể cần có những chính sách ưu đãi, đầu tư hữu hiệu cho lĩnh vực này, thì đây có thể sẽ là hướng đi đột phá, giúp người dân các xã vùng cao nơi đây giảm nghèo nhanh và bền vững./.

Bài trướcKết quả triển khai Dự án 3PAD tại Ba Bể
Bài tiếp theoVới diện tích 560m2, chị Nguyễn Thị Thanh, Tiểu khu 4, thị trấn Chợ Rã (Ba Bể) đã có thu nhập cao từ việc trồng hoa ly ly vụ đông, đáp ứng thị trường hoa tết.