Người trưởng thôn năng động, dám nghĩ dám làm

Không chỉ là một trưởng thôn năng động, nhiệt tình trong các phong trào hoạt động của địa phương, Ông Lục Văn Đuông – thôn Nà Ngò xã Mỹ Phương còn được nhiều người dân trong xã biết đến như một tấm gương đi đầu trong việc phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê mình.

 

 

Ảnh: Ông Lục Văn Đuông đang kiểm tra những con thỏ của gia đình


Trò chuyện với chúng tôi ông Đuông tâm sự trước đây khi mới ra ở riêng cuộc sống gia đình ông hết sức khó khăn, nhưng nhờ sự cần cù chịu khó cộng thêm ý chí quyết tâm dám nghĩ dám làm nên hiện gia đình ông đã có cuộc sống khá giả. Ông cho biết thêm trước khi thực hiện mô hình nuôi thỏ, ông đã trải qua nhiều mô hình khác nhau, từ trồng mướp đắng, trồng mía đến mô hình trồng chè, tuy nhiên những mô hình trên vẫn chưa đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Đến năm 2012, qua tìm hiểu trên sách báo ông nhận thấy, thỏ là con vật dễ nuôi, phù hợp với điều kiện gia đình, không cần diện tích chuồng trại lớn; vốn đầu tư thấp, có thể tận dụng nguồn thức ăn có sẵn trong tự nhiên, mặt khác thỏ lại sinh sản nhanh, một lứa thỏ trong vòng 3 tháng đã có thể xuất chuồng… nên ông bắt tay thực hiện mô hình nuôi thỏ với 10 con thỏ giống. Là người đầu tiên áp dụng mô hình nuôi thỏ ở địa phương nên ông Đuông gặp không ít khó khăn từ kỹ thuật chăm sóc đến phòng dịch bệnh cho thỏ, thỏ con sinh ra còi cọc và chết rất nhiều. Nhưng với bản tính kiên trì, chịu khó, ông đã không nản chí; ngoài tham khảo cách chăn nuôi qua sách báo, ti vi, ông còn đi học hỏi kinh nghiệm từ những hộ chăn nuôi trong tỉnh. Từ những kinh nghiệm học hỏi được và kinh nghiệm qua thực tế của bản thân ông đã áp dụng vào mô hình nuôi thỏ của gia đình và đã thành công. Năm 2013, khi xã xây dựng mô hình nuôi thỏ theo hướng hàng hóa, nhận thấy đây là cơ hội tốt để học hỏi kinh nghiệm và mở rộng chăn nuôi, ông đã đăng ký tham gia và được cấp 10 con thỏ giống. Sau hơn 6 tháng nuôi, hiện tại gia đình ông 20 con thỏ cái sinh sản và 300 con thỏ thương phẩm. Ông cho biết, nếu chăm sóc tốt, mỗi tháng thỏ cái sẽ sinh sản 1 lần. Mỗi lần sinh từ 6-8 con. Sau 3 tháng nuôi có thể xuất bán được với giá 80.000đ/kg thỏ hơi, còn đối với thỏ giống bán được với giá 140.000/kg. Với quy mô hiện tại của gia đình, chỉ tính riêng việc bán thỏ thương phẩm 80.000đ/kg, mỗi lứa gia đình ông thu về khoảng 10 triệu đồng tiền lãi. Cùng với việc chăn nuôi thỏ, hiện nay, gia đình ông đã mở rộng diện tích trồng cỏ gilê và cây chè khổng lồ với trên 2.500 m2. Khi được hỏi về kinh nghiệm trong chăn nuôi, ông Đuông chia sẻ: trong quá trình nuôi điều quan trọng nhất là thức ăn phải cân đối, chuồng trại phải sạch sẽ thì sẽ giảm được bệnh tật, con mẹ mới đủ dinh dưỡng để nuôi con.

 

Ảnh: Ông Lục Văn Đuông đang cắt cỏ gile

 

Có nhiều cách để phát triển kinh tế đem lại thu nhập cao, nhưng cái chính là phải nhạy bén, dám nghĩ, dám làm. Theo ông Đuông, so với các con gà, lợn, trâu, bò thì nuôi thỏ dễ nuôi hơn, vì thỏ là loại động vật gặm nhấm, thức ăn chủ yếu là cỏ, thêm vào đó vốn đầu tư không lớn người nuôi chỉ cần chú ý vệ sinh chuồng trại, thức ăn là sẽ cho hiệu quả kinh tế cao. Nhận thấy hiệu quả kinh tế của mô hình nuôi thỏ rất khả quan, nên trong thời gian tới ông Đuông sẽ tiếp tục mở rộng mô hình để tăng thêm nguồn thu nhập.

Đánh giá về mô hình ông Đuông, Anh Hướng Văn Hoàng – Phó chủ tịch UBND xã Mỹ Phương cho biết: Khi xác định đưa con thỏ vào nuôi, chúng tôi rất trăn trở, gia đình Ông Đuông là hộ đầu tiên ở trong xã nuôi con này  và  khi chúng tôi đưa thỏ về ông Đuông rất phấn khởi và đã đăng ký  tham gia mô hình. Qua các lớp tập huấn về kỹ thuật chăm sóc, phòng bệnh. Hiện tại mô hình gia đình ông phát triển rất tốt với trên 300 con, cơ bản chuồng trại đáp ứng được yêu cầu. Với việc phát triển như vậy, trong thời gian tới mô hình sẽ đem lại hiệu quả kinh tế rất lớn và sẽ là mô hình điển hình cho các hộ khác học tập, noi theo.

Có thể nói mô hình phát triển kinh tế của gia đình anh Đuông là một trong những mô hình tiêu biểu của xã Mỹ Phương. Với vai trò của một trưởng thôn – có trách nhiệm và nhiệt tình, sự cố gắng, nỗ lực, dám nghĩ, dám làm của ông đã không những đưa gia đình thoát nghèo, vươn lên làm giàu mà còn đóng góp thành tích trong phong trào xây dựng nông thôn mới của địa phương./.

 

 

 

 

 

 

 

 

Bài trước1200 lượt người được tư vấn, khám chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí
Bài tiếp theoTrường Trung cấp nghề Bắc Kạn: Bế giảng lớp sơ cấp nghề thú y tại xã Bành Trạch