Người tổ trưởng tín dụng vùng cao

Khi những nụ hoa mơ, hoa đào khoe sắc chào đón một mùa xuân mới, chúng tôi, những người làm công tác tuyên truyền có dịp gặp gỡ gương mặt tổ trưởng tín dụng thôn bản, họ là người đóng góp một phần không nhỏ vào thắng lợi nhiệm vụ phát triển của địa phương. Qua sự giới thiệu từ phòng giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội huyện Ba Bể, những ngày đầu xuân này, chúng tôi, những người làm công tác tuyên truyền của địa phương đã trao đổi với chị Hoàng Thị Đào, hội viên phụ nữ thôn Nà Dài, xã Hà Hiệu về những thành công sau gần chục năm làm Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) của Ngân hàng chính sách xã hội huyện Ba Bể ủy thác cho Hội Phụ nữ xã quản lý.

 

Ảnh: Chị Hoàng Thị Đào (đứng bên trái, mặc áo đen), tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn thôn Nà Dài, xã Hà Hiệu

cùng cán bộ Ngân hàng CSXH huyện Ba Bể kiểm tra việc phát triển đàn gia súc từ nguồn vốn vay ngân hàng CSXH

của hộ gia đình Bàn Mùi Lai, do chị Đào làm tổ trưởng tổ vay vốn.


Thôn Nà Dài, xã Hà Hiệu có 49 hộ dân, hầu hết là đồng bào dân tộc Dao Tiền và Dao Đỏ chuyển từ các huyện Ngân Sơn (Bắc Kạn), Nguyên Bình (Cao Bằng) về đây sinh sống. Thời điểm năm 2000 trở về trước, hầu hết các hộ dân trong thôn Nà Dài vẫn thuộc diện hộ nghèo theo tiêu chí cũ, cuộc sống các gia đình đều gặp nhiều khó khăn do nhiều nguyên nhân: Thiếu vốn, thiếu kiến thức khoa học kỹ thuật, sản xuất tự cung tự cấp, sản xuất nông, lâm sản chưa phát triển thành hàng hóa… Từ khi Đảng và  Nhà nước có chính sách ưu đãi về nguồn vốn vay thông qua Ngân hàng chính sách xã hội cho các hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, cuộc sống của đồng bào Dao thôn Nà Dài dần dần có sự thay đổi kể từ khi được vay vốn phát triển kinh tế.

Chị Đào nhớ lại: Năm 2006, chị được giao nhiệm vụ làm Tổ trưởng Tổ TK&VV của thôn, không phải nhiệm vụ lớn lao gì nhưng với một người nông dân chân lấm tay bùn, chỉ thành thạo việc đồng áng, chưa bao giờ nghĩ đến việc tính toán lỗ, lãi với những con số. Lo lắng về trách nhiệm là vậy, nhưng làm thế nào để bà con trong thôn khi nhận được đồng vốn về phát triển có lãi, không bị xâm tiêu, nợ xấu, ảnh hưởng đến tổ vay vốn, ảnh hưởng đến hoạt động của ngân hàng còn là điều làm chị lo lắng hơn cả. Đã vậy, thời gian đầu nhiều người dân trong thôn xì xèo bàn tán, sợ rằng gia đình chị cũng là một hộ nghèo, cuộc sống cũng túng thiếu như bao hộ khác trong thôn thì việc cầm đồng lãi thu về có tránh được xâm tiêu thất thoát hay không? với khả năng của chị liệu có cáng đáng được vai trò người tổ trưởng tín dụng cho bà con trong thôn hay không… Tuy vậy, với bản tính thật thà, chất phác, chị bỏ những lời bàn tán để ngoài tai, tập trung bắt tay vào công việc được giao của mình. Chị xác định, để làm tốt công việc được giao và lấy được uy tín của bà con trong thôn, trước hết mình phải cố gắng học hỏi, tham dự các lớp tập huấn đầy đủ, làm đến đâu chưa hiểu thì trao đổi kinh nghiệm với các tổ trưởng tổ khác, mạnh dạn hỏi cán bộ ngân hàng trong các buổi họp giao ban định kỳ với các tổ trưởng tín dụng. Công việc tiếp theo là tạo được lòng tin, ủng hộ của bà con trong thôn, tập hợp được mối đoàn kết của mọi nhà để cùng giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo.

Trăn trở vì điều đó nên cứ mỗi tối, mỗi buổi trưa, khi ánh đèn điện được bật lên là chị lại tất bật đến từng hộ tìm hiểu nhu cầu vay vốn, cùng nhau bàn bạc nên sử dụng đồng vốn thế nào cho hiệu quả, tùy vào điều kiện của từng gia đình để tư vấn, hộ này nên nuôi lợn, hộ kia nuôi gà, trâu, bò… hoặc nhắc nhở các hội viên đã vay vốn nộp tiền lãi, tiền tiết kiệm. Từ tấm lòng thật thà, tận tình giúp đỡ, không biết từ khi nào chị đã tạo được tình cảm gắn bó mật thiết giữa tổ trưởng với hội viên, đây là điểm thuận lợi trong công tác quản lý nợ vay cũng như huy động tiết kiệm. Chị bộc bạch: Do hầu hết hội viên vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội là hộ nghèo, hộ gia đình chính sách khác, nên để chung sức với Ngân hàng Chính sách xã hội làm nhiệm vụ xã hội hóa, giúp đỡ cho hộ vay vốn phát triển kinh tế, thoát được cuộc sống khó khăn nghèo khó, mình xác định giúp đỡ họ bằng cả tấm lòng.

Khi được hỏi kinh nghiệm để tổ tín dụng hoạt động hiệu quả, giảm được xâm tiêu, nợ xấu trong các hộ vay, chị Đào cho biết: “Khi được cấp trên giao nhiệm vụ làm Tổ trưởng Tổ TK&VV, mình phải xác định nâng cao tinh thần trách nhiệm, tự đặt mình vào cương vị một cán bộ ngân hàng thực thụ, tích cực tham gia tập huấn trau dồi kiến thức từ cách ghi sổ sách, theo dõi hộ vay và đặc biệt là cùng nhau xây dựng quy định bắt buộc riêng của tổ vay vốn…”. Đến nay, toàn thôn có 49 hộ thì có 31 hộ vay vốn ngân hàng phát triển sản xuất. Từ tổ vay vốn ban đầu luôn có nhiều hộ vay chậm trả lãi trên địa bàn xã, nay đã nhiều năm thực hiện tốt việc trả lãi, tiền gốc và gửi tiết kiệm. Được Phòng giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội khen là Tổ TK&VV điển hình thực hiện tốt các quy định của ngân hàng và sử dụng có hiệu quả đồng vốn vay.

Hiện nay, toàn thôn Nà Dài có 31/49 hộ vay vốn ngân hàng phát triển sản xuất vơí tổng dư nợ trên 700 triệu đồng. Từ tổ vay vốn ban đầu luôn có nhiều hộ vay chậm trả lãi trên địa bàn xã, nay đã nhiều năm thực hiện tốt việc trả lãi, tiền gốc và gửi tiết kiệm. Đặc biệt qua gần 9 năm thực hiện chương trình vay vốn thông qua Ngân hàng chính sách xã hội huyện, tỷ lệ hộ nghèo trong thôn giảm từ 50% năm 2006 xuống còn trên 6% năm 2014, toàn thôn không còn hộ cận nghèo. Với những kết quả đã đạt được Tổ TK&VV do chị Đào quản lý đã được Phòng giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội khen là Tổ TK&VV điển hình thực hiện tốt các quy định của ngân hàng và sử dụng có hiệu quả đồng vốn vay.

Gia đình ông Bàn Mùi Lai, một trong những hộ vay vốn đầu tư phát triển chăn nuôi trâu bò trong thôn cho biết: “Năm 2009, lần đầu tiên được vay vốn, tôi cũng như nhiều gia đình khác trong thôn cầm trong tay 30 triệu đồng tiền của Nhà nước chưa biết phải sử dụng thế nào cho thật sự hiệu quả. Thế rồi, qua sự hướng dẫn của cán bộ ngân hàng và giám sát chặt chẽ của Tổ trưởng Tổ TK&VV của thôn, gia đình tôi đã quyết định đầu tư vào chăn nuôi gia súc. Với sự đầu tư đúng hướng, đến nay, kinh tế gia đình tôi đã ổn định đi lên, trả được 15 triệu đồng vốn gốc và hiện nay gia đình đã phát triển được đàn trâu bò béo tốt trị giá hàng trăm triệu đồng. Bây giờ vay vốn Ngân hàng CSXH đơn giản lắm. Tất cả mọi giấy tờ, thủ tục vay vốn, trả lãi, gốc hàng tháng đều được Tổ trưởng Tổ TK&VV của thôn hướng dẫn rất nhiệt tình, chi tiết. Không những thế, thông qua các tổ trưởng này, người dân chúng tôi còn nắm bắt được nhiều chủ trương, chương trình vay vốn của Ngân hàng CSXH”.

Hiện nay, toàn huyện Ba Bể có 241/241 tổ TK&VV tham gia gửi tiền tiết kiệm. Tổ tiết kiệm và vay vốn, điều đó cũng đồng nghĩa với việc có 241 cán bộ tín dụng ở cơ sở, đây là những cánh tay nối dài quan trọng góp phần thành công trong hoạt động của Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Ba Bể. Mỗi Tổ trưởng chính là một “nhịp cầu” thiết thực nhất để đưa ngân hàng đến gần hơn với người dân. Bởi không ai khác, họ chính là những người trực tiếp tìm hiểu nhu cầu vay vốn, trực tiếp thu lãi, gốc và động viên người dân sử dụng đồng vốn thế nào cho có hiệu quả, góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn huyện Ba Bể.

 

 

Bài trướcHội Chữ thập đỏ huyện Ba Bể: Thăm, tặng quà và chúc tết nạn nhân chất độc da cam tại xã Bành Trạch
Bài tiếp theoBa Bể đẩy mạnh kiên cố hoá kênh mương nội đồng