Ngân hàng chính sách xã hội huyện Ba Bể nỗ lực nâng cao hiệu quả hoạt động giao dịch tại cơ sở

Để thực hiện tốt chính sách tín dụng ưu đãi của Nhà nước, một trong những giải pháp căn bản, có hiệu quả thiết thực, phù hợp với thực tế là từ năm 2007 đến nay, phòng giao dịch NHCSXH huyện Ba Bể đã tổ chức thực hiện tốt mô hình các điểm giao dịch tại các xã, thị trấn./.

 

Từ nhiều năm nay, cứ đến ngày 12 hàng tháng, tất cả các Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn cũng như nhiều người dân trên địa bàn xã Nam Mẫu lại tập trung về điểm giao dịch của NHCSXH tại trụ sở UBND xã để vay vốn, trả tiền vay, nộp lãi, gửi tiết kiệm…Anh Giàng Văn Dinh – một hộ nghèo của thôn vùng cao Nà Phại xã Nam Mẫu phấn khởi cầm số tiền 30 triệu đồng vừa được ngân hàng chính sách xã hội huyện cho vay để về phát triển chăn nuôi chia sẻ: “Được vay 30 triệu đồng vốn của ngân hàng, anh về sẽ mua trâu để chăn nuôi, phát triển mong sớm thoát nghèo.”

 

Ảnh: Cán bộ Ngân hàng chính sách xã hội huyện Ba Bể giao dịch tại điểm giao dịch xã Nam Mẫu.


Không chỉ tạo điều kiện cho người dân được giao dịch thuận lợi hơn, mà với những thành viên nằm trong các ban quản lý tổ TK&VV ở cơ sở, khi có điểm giao dịch ở UBND xã, họ cũng giảm bớt được rất nhiều thời gian.

Theo bà Nguyễn thị Xuân – Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Nam Mẫu: Hiện nay, hội  nông dân đang quản lý 4 tổ tiết kiệm và vay vốn với dư nợ hơn 4,4 tỷ đồng. Ðể Tổ tiết kiệm và vay vốn hoạt động hiệu quả thì mỗi tháng tất cả các khâu từ thu nợ, lãi, tiền gửi tiết kiệm phải được thực hiện một cách kịp thời. Ðiều đáng mừng là khi các Điểm giao dịch tại xã hoạt động, với thời gian cụ thể, cũng như có cán bộ ngân hàng đến giao dịch đã tạo điều kiện thuận lợi cho Ban quản lý Tổ tiết kiệm và vay vốn. Ngay tại Điểm giao dịch, các Tổ trưởng còn được NHCSXH hướng dẫn nghiệp vụ sổ sách cũng như triển khai nhiều chính sách mới.

Hiện nay Ngân hàng chính sách xã hội huyện Ba Bể đang quản lý 240 tổ tiết kiệm tín dụng tại các thôn bản với 14 chương trình cho vay, dư nợ  đạt trên 211 tỷ đồng với trên 7.100 khách hàng vay vốn. Từ năm 2007 đến nay, ngân hàng chính sách xã hội huyện đã xây dựng được 16 điểm giao dịch  tại 16 xã, thị trấn với tỷ lệ cho vay tại các điểm giao dịch này đạt hơn 90% tổng dư nợ. Hầu hết, các điểm giao dịch tại các xã, thị trấn ngày càng hoạt động ổn định, mang lại hiệu quả cao. Định kỳ hàng tháng, đơn vị tổ chức các tổ giao dịch để thực hiện cho vay, thu nợ, lãi, thu tiền gửi tiết kiệm, cũng như thực hiện các nghiệp vụ ngân hàng đối với các hộ gia đình nằm trong diện thụ hưởng. Thông qua hoạt động này, ngân hàng vừa tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ gia đình, nhất là ở những địa bàn vùng sâu, vùng xa, vừa tăng cường được sự theo dõi quản lý, kiểm tra giám sát đối với hoạt động tín dụng, chính sách xã hội của cấp ủy, chính quyền cơ sở.

 

Ảnh: Từ nguồn vốn vay, nhiều hộ nghèo có điều kiện để phát triển sản xuất xóa đói giảm nghèo


Ông Tống Văn Mạnh – Phó Giám đốc Ngân hàng chính sách xã hội huyện Ba Bể cho biết: Thời gian tới, ngoài việc đầu tư hiệu quả vào các chương trình kinh tế trọng điểm trên địa bàn, NHCSXH huyện Ba Bể sẽ tiếp tục củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động uỷ thác qua các tổ chức hội, đoàn thể và các điểm giao dịch tại các xã, thị trấn. Ðồng thời, nâng cao chất lượng tín dụng nhằm quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước, phát triển các mô hình sản xuất, kinh doanh, thực hiện công tác giải quyết việc làm, ổn định đời sống cho người dân.

Bài trướcThôn Khuổi Tẩu xã Phúc Lộc Tổ chức “Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc” năm 2015
Bài tiếp theoTổng kết 20 năm thực hiện phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư giai đoạn (1995 – 2015) và 15 năm thực hiện cuộc vận động “ Ngày vì người nghèo”