Hiệu quả từ các mô hình khuyến nông ở huyện Ba Bể

Những năm qua, huyện Ba Bể đã tập trung chỉ đạo, hướng dẫn nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, trong đó đặc biệt chú trọng đến việc chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người dân áp dụng vào sản xuất, làm chuyển biến tập quán canh tác của bà con và ngày càng xuất hiện nhiều mô hình đem lại hiệu quả kinh tế cao./.

 

 

Vụ mùa năm 2016, anh Nguyễn Văn Hiện thôn Bản Lài xã Chu Hương đã mạnh dạn áp dụng mô hình gieo cấy lúa Bao Thai theo phương pháp cải tiến SRI trên diện tích 1500 m2 ruộng lúa của gia đình. Anh Hiện cho biết, với phương pháp này, ngoài việc giảm được lượng giống, phân bón, lượng nước tưới so với canh tác truyền thống mà cây lúa còn có sức chống chịu ngoại cảnh tốt, năng suất ước đạt cao hơn  từ 10 -20 % so với gieo cấy theo phương pháp truyền thống nên anh rất phấn khởi.  Còn với gia đình anh Hoàng Trí Phú ở thôn Nà Vài xã Hà Hiệu, gia đình anh là 1 trong 10 hộ dân đang triển khai rất tốt mô hình nuôi lợn bằng phương pháp đệm lót sinh học tại địa phương. Anh cho biết, từ khi áp dụng chăn nuôi theo phương pháp mới từ hoạt động hỗ trợ khuyến nông trên địa bàn, đàn lợn gia đình anh chóng lớn và còn cải thiện rất tốt môi trường chăn nuôi. Hiện nay, mỗi năm gia đình anh phát triển từ 3 – 4 lứa lợn thịt, mỗi lứa từ 13 – 15 con  đem lại nguồn thu nhập khá cho gia đình.

 

Ảnh: Mô hình gieo cấy lúa theo phương pháp cải tiến SRI tại xã Chu Hương cho hiệu quả kinh tế cao.


Theo chính quyền các địa phương, những năm qua, xác định vấn đề cốt lõi là phải làm cho người dân thay đổi tư duy từ đó đổi mới nếp nghĩ, cách làm, tập quán sản xuất, cấp ủy chính quyền đã thường xuyên quan tâm, tạo điều kiện để Phòng Nông nghiệp, Trạm Khuyến nông huyện tổ chức nhiều lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật trong sản xuất qua đó, người dân đã được tiếp cận với phương pháp nuôi trồng mới; được trang bị kỹ thuật thâm canh, kiến thức phòng chống dịch bệnh; được cung cấp các thông tin về nhu cầu của thị trường nông sản… Đó là cơ sở để người nông dân từng bước nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp. Thực tế cho thấy, những năm gần đây, ngành nông nghiệp huyện Ba Bể đã phối hợp triển khai nhiều mô hình khuyến nông tại các địa phương nhằm tích cực chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân và góp phần không nhỏ trong việc giúp người dân dần thay đổi tập quán canh tác cũ, có cơ hội học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao trình độ trong chăn nuôi, trồng trọt.  Đây là sự tác động trực quan giúp bà con tự thay đổi cách nhìn, cách nghĩ, cách làm theo hướng tiến gần hơn với tiến bộ kỹ thuật sản xuất mới.  Từ 2010 đến nay, huyện đã triển khai trên 30 mô hình sản xuất mới đem lại hiệu quả cao và được nhân rộng phát triển điển hình như mô hình trồng khoai tây, sử dụng phân nén dúi sâu, mô hình trồng bí xanh thơm, mô hình nuôi gà thả đồi, mô hình cải tiến giống lúa theo phương pháp SRI, mô hình cải tạo đàn dê, nuôi cá rô phi đơn tính, cá diêu hồng, mô hình cải tạo nương chè già cỗi… Việc áp dụng triển khai các mô hình đã góp phần nâng tổng sản lượng lương thực có hạt đến năm 2015 đạt 30.326 tấn. Bình quân lương thực đầu người đạt 600kg/người/năm Tổng đàn gia súc đạt trên 90.000 con, sản lượng thủy sản đạt trên 200 tấn/năm, các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao và một số cây trồng khác được đưa vào trồng đã nâng cao giá trị canh tác trên một đơn vị diện tích.  Nhiều cánh đồng cho thu nhập từ 70 -100 triệu đồng/ năm được nhân rộng và phát triển. Bà La Thị Thuyền – Trạm trưởng Trạm  khuyến nông huyện Ba Bể cho biết: Với người nông dân thì việc khó nhất đặt ra là phải làm cho họ thấy rõ được hiệu quả trong thực tiễn. Bởi chỉ khi nào mắt thấy, tai nghe thì người dân mới tin và làm theo những gì cán bộ hướng dẫn vì vậy thời gian qua chúng tôi cũng đã phối hợp với các địa phương thực hiện được khá nhiều mô hình sản xuất cho hiệu quả tốt và được nhân rộng. Thời gian tiếp theo, chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân để nâng cao hiệu quả sản xuất trên địa bàn.

 

Ảnh: Mô hình trồng bí xanh thơm tại xã Địa Linh đem lại hiệu quả kinh tê cao.


Với cách làm sáng tạo và coi trọng chất lượng, công tác khuyến nông ở huyện Ba Bể đã và đang thu được nhiều kết quả quan trọng  không chỉ  góp phần đáng kể trong việc chuyển giao khoa học kỹ thuật, đưa nhiều giống cây trồng, vật nuôi mới, giá trị kinh tế cao vào sản xuất mà  từ đó đã hình thành nhiều mô hình kinh tế mới giúp nông dân từng bước xóa đói, giảm nghèo bền vững.

                                                                            

Bài trướcBa Bể có 13 điểm bưu điện văn hóa xã đa dịch vụ
Bài tiếp theoĐồng chí Cao Minh Hải – Phó Bí thư, Chủ tịch UBND huyện dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại thôn Bản Vài xã Khang Ninh