Ba Bể thực hiện Đề án “Mỗi xã một sản phẩm”

Đề án “Mỗi xã một sản phẩm” (viết tắt là OCOP) được hiểu là mỗi xã tùy theo điều kiện cụ thể của địa phương sẽ lựa chọn ra sản phẩm đặc trưng có thế mạnh, tiềm năng để phát triển. Trên cơ sở của Đề án OCOP, huyện Ba Bể đã tập trung phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh các sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm truyền thống, sản phẩm dịch vụ có lợi thế tại địa phương, có khả năng cạnh tranh trên thị trường để lựa chọn thành sản phẩm tiêu biểu, mang tính hàng hóa. Qua đó, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, nâng cao thu nhập cho nhân dân./.

Quảng Khê là xã phía Tây của huyện Ba Bể có khí hậu thổ nhưỡng phù hợp với việc phát triển cây Hồng không hạt. Những năm qua, loại cây ăn quả này được xem là ưu thế đặc biệt mang lại nguồn thu nhập cao cho nhiều hộ dân ở các thôn bản trên địa bàn . Mỗi héc ta trồng khoảng 400 cây, giá bán trung bình 20.000 đồng/kg thì cho thu vài trăm triệu đồng.Theo đánh giá của xã Quảng Khê, hồng không hạt  là cây mũi nhọn, đẩy mạnh kinh tế và xóa đói, giảm nghèo, tạo việc làm cho bà con vì vậy thực hiện đề án mỗi xã một sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu, Quảng Khê đã lựa chọn cây hồng không hạt là sản phẩm của địa phương. Hằng năm, xã đưa vào nghị quyết chuyên đề về phát triển kinh tế đối với loại cây trồng này, song song với đó, tăng cường đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động bà con nhân dân cải tạo vườn tạp, tận dụng các khoảng đất trống để thực hiện mở rộng diện tích, để đưa hồng không hạt vào trồng đại trà trên toàn xã. Tích cực phối hợp với các ngành chức năng tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học công nghệ; thực hiện hỗ trợ giống, phân bón cho bà con mở rộng diện tích hồng không hạt, tạo sự yên tâm sản xuất cho bà con. Từ năm 2013 đến nay, thông qua các chương trình dự án nông nghiệp và giảm nghèo, xã Quảng Khê đã hỗ trợ cho người dân nhân giống phát triển được gần 30 ha. Hiệu quả kinh tế mà cây hồng không hạt đem lại trong những năm vừa qua và những nỗ lực của địa phương cho thấy, đây là hướng phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo có hiệu quả cho địa phương. Hồng không hạt Bắc Kạn là sản phẩm đã được bảo hộ chỉ dẫn địa lý, đây là một tín hiệu vui mở ra cho người dân huyện Ba Bể nói chung, xã Quảng Khê nói riêng hướng thoát nghèo và cơ hội từng bước làm giàu. Để đưa sản phẩm hồng không hạt đạt tiêu chuẩn OCOP trong năm nay, ông Triệu Văn Chinh – Chủ  tịch UBND xã Quảng Khê huyện Ba Bể cho biết xã đang tích cực phối hợp với BCĐ của  huyện và HTX Đồng Lợi xây dựng các phương án sản xuất, tiêu thụ và các điều kiện theo quy định.

 Người dân xã Quảng Khê phát triển cây hồng trở thành thế mạnh

Còn tại xã Mỹ Phương, Trà Lê Hà của HTX chè Mỹ Phương là sản phẩm được chọn để tham gia chương trình OCOP. Hiện, toàn xã có trên 530ha chè trong đó có 455ha đã cho thu hoạch . Mỗi năm sản lượng chè thu hoạch đạt trên 1.550 tấn chè búp khô. Với những chính sách, khuyến khích hỗ trợ người dân trong việc đầu tư, mở rộng diện tích, nâng cấp, cải tạo và áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất chètừ thu nhập cao mà cây chè mang lại, cùng với nhiều chính sách, giải pháp của cấp ủy chính quyền địa phương được triển khai đã là đòn bẩy để vùng chè xã Mỹ Phương tiếp tục mở rộng và phát triển đưa cây chè trở thành một trong những cây trồng mũi nhọn trong phát triển kinh tế và nâng cao thu nhập cho người nông dân tại địa phương. Ông Đồng Văn Dược – Chủ tịch UBND xã Mỹ Phương huyện Ba Bể cho biết: Đến nay, HTX chè Mỹ Phương đã có sản phẩm Trà Lê Hà được dán tem nhãn và trích xuất nguồn gốc theo quy định , xây dựng thương hiệu riêng vì vậy đây sẽ là điều kiện rất thuận lợi để sản phẩm chè của địa phương vươn xa ra thị trường rộng lớn.

 Chè của HTX chè Mỹ Phương đã trở thành sản phẩm hàng hóa chất lượng

 Để triển khai mỗi xã một sản phẩm,  từ đầu  năm 2017 huyện Ba Bể đã phối hợp với Văn phòng điều phối xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo của tỉnh đồng thời chỉ đạo các xã, thị trấn xây dựng sản phẩm đặc trưng đảm bảo các tiêu chí: Lợi thế về nguồn gốc, thế mạnh của địa phương và sản phẩm phải chất lượng và sức cạnh tranh trên thị trường, có tính bền vững. Trên cơ sở đó, các xã, thị trấn tiến hành lựa chọn và đăng ký 17 sản phẩm đặc trưng của địa phương. Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện đã tổng hợp, xây dựng phương án hỗ trợ kinh phí cho các địa phương triển khai thực hiện. Huyện cũng thành lập Ban Điều hành Chương trình OCOP cấp huyện; hướng dẫn các xã, thị trấn tập trung thực hiện tuyên truyền sâu rộng để người dân phân biệt được sản phẩm chủ thể, xây dựng mô hình sản xuất thích hợp theo đúng nguyên tắc, phương pháp “Mỗi xã một sản phẩm”. Song hành với đó, huyện tập trung nguồn lực hỗ trợ sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại, xây dựng nhãn mác, bao bì sản phẩm. Tổ chức tập huấn, hướng dẫn nhân dân quy trình sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ. Vận dụng linh hoạt các cơ chế, chính sách vay vốn theo hình thức hợp tác xã để sản xuất hàng hóa, tạo động lực cho nông nghiệp hàng hóa Ba Bể phát triển.Trong năm 2018, huyện đang tập trung hỗ trợ 4 xã nâng cao chất lượng xây dựng thương hiệu Rau bồ khai  của HTX Sang Hà xã Cao Trĩ, Trà Lê Hà của HTX chè Mỹ Phương, Bí xanh thơm của Tổ hợp tác Bí xanh thơm Địa Linh và Hồng không hạt của HTX Đồng Lợi xã Quảng Khê . Đây là 4 sản phẩm được xét chọn sơ bộ tham gia chương trình xét hạng sản phẩm OCOP của tỉnh Bắc Kạn trong năm nay.

Ông Nông Quốc Thụy – Phó trưởng phòng NN & PTNT huyện Ba Bể cho biết: Từ nay đến cuối năm, huyện Ba Bể sẽ tiếp tục phối hợp với Văn phòng điều phối xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo của tỉnh hỗ trợ HTX và Tổ hợp tác xây dựng phương án sản xuất kinh doanh, triển khai các bước trong quá trình thực hiện chu trình của đề án theo hướng dẫn của cấp trên để tiến hành  đánh giá phân hạng sản phẩm tại địa phương.Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, chọn lựa những sản phẩm đúng thế mạnh của địa phương. Đề án mỗi xã một sản phẩm sẽ giúp người dân huyện Ba Bể nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững, góp phần hoàn thành nhóm tiêu chí về kinh tế và tổ chức sản xuất trong xây dựng Nông thôn mới. Đồng thời, tạo ra hướng đi mới trong sản xuất các sản phẩm đặc trưng, có lợi thế của địa phương đóng góp vào công cuộc phát triển kinh tế xã hội của huyện nhà.

Bài trước“Cặp lá yêu thương” đến với huyện nghèo Ba Bể
Bài tiếp theoĐại biểu HĐND tỉnh đơn vị số 2 tiếp xúc cử tri huyện Ba Bể