Yến Dương tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi

Những năm qua, nhờ thực hiện tốt việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nên đời sống của người dân xã Yến Dương đã có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã xuống còn 23,86% như hiện nay. Đây là một trong những tiền đề quan trọng để Yến Dương phát huy sức mạnh nội lực phục vụ cho xây dựng nông thôn mới./.

 

 

Những năm 2005 trở về trước, do sử dụng những giống vật nuôi, cây trồng truyền thống nên năng suất và hiệu quả kinh tế mang lại cho người dân chưa cao. Thực hiện đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nhằm nâng cao thu nhập trên cùng một đơn vị diện tích, xã Yến Dương đã tích cực vận động người dân đổi mới tư duy, thay đổi cách nghĩ, cách làm; đưa khoa học, kỹ thuật vào áp dụng trong sản xuất, thâm canh tăng vụ, đưa giống lúa, ngô lai cho năng suất cao vào canh tác; tổ chức các lớp tập huấn về kỹ thuật chăm sóc cây trồng, vật nuôi cho bà con. Sau nhiều năm chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi đến nay diện tích gieo trồng ngô của xã đã tăng trên 170 ha, diện tích lúa 198 ha. Đặc biệt trong vài năm gần đây cây khoai tây và cây bí xanh thơm đã được xã Yến Dương đưa vào trồng đã cho năng suất và sản lượng rất cao. Quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả đến nay xã Yến Dương đã xây dựng được nhiều mô hình sản xuất mang lại giá trị kinh tế cao. Điển hình như mô hình trồng mướp đắng, trồng bí xanh thơm, trồng dưa và trồng lúa của chị Vi Thị Đối – Thôn Nà Viễn mỗi năm cho thu nhập từ 60 – 70 triệu đồng; mô hình nuôi thỏ, mô hình trồng khoai tây, trồng lúa của gia đình chị Triệu Thị Ít; mô hình trồng mận, trồng quýt của ông Hoàng Đức Xuân – Thôn Nà Dảo…. Đây được xem là những mô hình có hiệu quả, phù hợp trong công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, góp phần tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo cho bà con nông dân. Trò chuyện với chúng tôi chị Triệu Thị Ít – Thôn Nà Dảo cho biết:“Gia đình tôi nuôi thỏ từ cuối năm  2013, tôi thấy nuôi thỏ rất dễ, nếu chăm sóc tốt thì 3 – 4 tháng đã được xuất bán. Tôi thấy so với nuôi gà, nuôi lợn thì nuôi thỏ cho thu nhập cao hơn rất nhiều…”

Để nâng cao hiệu suất sử dụng đất, cấp ủy, chính quyền địa phương đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân tích cực chuyển dịch cơ cấu cây trồng – vật nuôi, lựa chọn cây, con giống phù hợp để phát triển kinh tế, ổn định đời sống. Bà Nông Thị Uyến – Phó Chủ tịch UBND xã Yến Dương cho biết: “Để chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, cấp ủy, chính quyền xã Yến Dương đã tích cực tuyên truyền, vận động bà con nhân dân sử dụng các loại giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao… Qua việc chuyển đổi bước đầu đã nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho hộ gia đình. Thời gian tới địa phương sẽ  tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân duy trì và mở rộng những mô hình hiệu quả, nhằm nâng cao thu nhập trên một diện tích canh tác cho bà con nông dân…”

 

 

Ảnh: Nhiều diện tích gieo cấy lúa của xã Yến Dương đã được bà con sử dụng các loại giống mới cho năng xuất và sản lượng cao


Không chỉ dừng lại ở hình thức tuyên truyền, xã đã chủ động phối hợp với các ban, ngành của huyện, tỉnh mở các lớp đào tạo nghề, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt cho hàng nghìn lượt người dân; thực hiện các mô hình trình diễn khảo nghiệm đưa những giống cây, con có hiệu quả kinh tế cao vào sản xuất nhằm nâng cao kiến thức cho người dân, tăng hệ số sử dụng đất, bố trí cây trồng hợp lý từng mùa vụ, tạo ra sản phẩm chất lượng. Đặc biệt, hiện nay toàn xã có trên 115 ha ruộng được quay vòng sản xuất 2 vụ trồng lúa, ngô và gần như không còn diện tích bỏ trống. Nhờ đó, đến nay tổng sản lượng lương thực của xã đạt hơn 1.679 tấn, bình quân lương thực đầu người đạt 642kg/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 29,2% năm 2010 xuống còn 23,86%.  như hiện nay. Để thực hiện tốt hơn nữa công tác giảm nghèo bên cạnh tăng cường đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, xã tiếp tục tuyên truyền vận động người dân đưa các loại giống cây, con mới năng suất chất lượng cao vào sản xuất, duy trì phát triển chăn nuôi đàn gia súc, gia cầm; chú trọng công tác trồng và bảo vệ rừng…Ông Ma Thế Hanh – Bí thư Đảng ủy xã Yến Dương cho biết thêm:“Để chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, trước tiên phải bám vào chủ trương đường lối của đảng, đặc biệt là của câp trên, sau đó đảng ủy ra nghị quyết lãnh đạo nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội. Trong đó có chuyển đổi diện tích trồng lúa năng suất thấp sang trồng các loại cây màu có thu nhập cao hơn. Qua quá trình triển khai thì bà con nhân dân thực hiện tương đối tốt, hiện nay toàn xã đã chuyển đổi được nhiều diện tích. Về cây lúa phấn đấu lúa xuân phải cấy sớm, gieo mạ xung quanh tiết lập xuân, đối với cây lúa mùa thì thực hiện giống lúa ngắn ngày để thực hiện 3 vụ/năm. Đồng thời vận động nhân dân tích cực trồng, chăm sóc rừng trồng, tập trung phát triển đàn trâu, bò theo hướng bán chăn thả, riêng đàn gia cầm thủy cầm cũng như đàn lợn xã Yến Dương tiếp tục thực hiện theo chỉ tiêu của huyện giao”.

Xác định rõ những thuận lợi, khó khăn và tranh thủ các nguồn lực đầu tư từ các chương trình, dự án, cấp ủy, chính quyền xã Yến Dương đã đoàn kết, nâng cao năng lực lãnh đạo, điều hành, tổ chức thực hiện tốt việc xây dựng hạ tầng cơ sở nông thôn. Hằng năm xã huy động nhân dân góp hàng trăm ngày công lao động để nạo vét, sửa chữa kênh mương phục vụ sản xuất nông nghiệp, từng bước khắc phục tình trạng thiếu nước sản xuất; tích cực đẩy mạnh công tác chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vât nuôi, nâng cao giá trị sử dụng, rút gắn thời gian quay vòng đất; áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, tăng cường đưa các loại giống mới vào thâm canh, tăng vụ, góp phần xóa đói giảm nghèo cho người dân. Anh Chu Văn Hưng – Thôn Nà Dảo – xã Yến Dương cho biết “Trước đây gia đình tôi sử dụng giống lúa cũ năng suất chất lượng thấp. Trong 2 năm trở lại đây gia đình tôi đã chuyển đổi sang sử dụng giống lúa lai thì thấy năng suất và chất lượng cao hơn. Trong những năm tiếp theo gia đình tôi tiếp tục duy trì sử dụng các loại giống lúa lai để tăng năng suất và sản lượng cây trồng”.

Các mô hình chuyển dịch cơ cấu cây trồng từ độc canh cây lúa sang sản xuất các loại cây, con có giá trị kinh tế cao của bà con nông dân xã Yến Dương đã và đang tạo nguồn thu nhập ổn định cho người nông dân. Có thể nói, sự lãnh đạo, chỉ đạo tích cực của cấp ủy, chính quyền địa phương đã giúp bộ mặt nông thôn của xã Yến Dương ngày một đổi mới, cuộc sống mọi mặt của người dân ngày một ổn định và nâng cao./.

                                       

 

Bài trướcTuổi trẻ Đồng Phúc xung kích phát triển kinh tế xóa đói giảm nghèo
Bài tiếp theoĐồng chí Phó chủ tịch UBND Tỉnh kiểm tra tình hình lũ bão tại huyện Ba Bể